.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục đăng đàn trả lời những vấn đề "nóng"

.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đổi mới thi THPT Quốc gia và đặc biệt là thông tư 30 - đánh giá học sinh tiểu học… là những vấn đề “nóng” hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải trình trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Vừa bắt đầu đăng đàn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận được 6 câu hỏi chất vấn của đại biểu xoay quanh vấn đề “nóng” mà dư luận xã hội quan tâm.

Đại Biểu Nguyễn Kim Thuý đặt vấn đề rằng, trong quá trình biên soạn sách giáo khoa mới, việc dạy thử nghiệm đã được tiến hành 4 năm, nhưng chương trình hiện tại vẫn chưa suôn sẻ. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý cũng bày tỏ lo lắng về việc kết quả thử nghiệm do chính các tác giả biên soạn công bố liệu có chính xác hay không và làm sao cử tri có thể yên tâm về chất lượng và tính khả thi của bộ sách mới này .

Tiếp câu hỏi của đại biểu Thúy, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch  đặt câu hỏivề vấn đề vấn đề cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ trưởng giải thích rõ hơn?

Đại biểu Nguyễn Kim Thúy
Đại biểu Nguyễn Kim Thúy

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD-ĐT chỉ nhận biên soạn có 1 bộ sách giáo khoa, 1 bộ chương trình, cả nước chỉ có 1 chương trình thống nhất. “Có nhiều sách giáo khoa khác nhau, Quốc hội đã giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa mới và khuyến khích các tổ chức biên soạn các sách giáo khoa khác”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Người đứng đầu Bộ GD&ĐT cho biết, trong quá trình biên soạn sách giáo khoa mới, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đổi mới nhưng không bỏ tất cả cũ đi, kế thừa thành tựu, tinh hoa vũ, chỉ bổ sung những nội dung thiếu, chưa đáp ứng, loại bỏ quá tải và không cần thiết.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm vũ Luận, những nội dung sách giáo khoa cũ làm nhiều năm mà tốt thì giữ lại không cần thực nghiệm nữa, nội dung mới thì cần có quá trình thực nghiệm.

Nói về việc tại sao lại giao cho chính nhóm tác giả biên soạn sách công bố kết quả thử nghiệm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: “Vì họ viết mới nắm được ý tưởng, ý đồ, nhưng việc công bố kết quả thực nghiệm họ không làm một mình mà có các hội đồng thẩm định làm cùng. Sẽ có các cơ chế đánh giá khách quan của tổ chức, cá nhân có uy tín làm việc này”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng trả lời Đại biểu Quốc Hội rằng, trong quá trình biên soạn sách giáo khoa có sự quy hợp các nhà khoa học, xã hội học, đáp ứng nhu cầu Việt Nam và hội nhập Quốc tế. Bộ GD&ĐT đã huy động các nhà khoa học, các nhà giáo, cán bộ quản lý trong và ngoài ngành giáo dục, ngoài nước. Khoa học quốc tế, Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài tham gia vào quá trình này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thạch, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Đề án về cơ sở vật chất nối tiếp những chương trình mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo, triển khai. Đề án về cơ sở vật chất phục vụ cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn có phần về thiết bị. Chúng tôi đang triển khai Chương trình này theo nguyên tắc tận dụng triệt để trang thiết bị hiện có. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, kỹ thuật số để một là tiết kiệm nguồn chi đầu tư bổ sung, thứ 2 cũng phải phù hợp với xu thế phát triển các nước có nền giáo dục phát triển và đang triển khai đào tạo theo phát triển năng lực.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh

Đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên, có hai việc: Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ đáp ứng chuẩn chương trình mới. Nội dung này chúng tôi đang xây dựng. Cũng không thể nhanh được vì phải có chương trình, SGK mới để xem xét lại, giáo viên đã có gì, còn gì thiếu để đào tạo, bổ sung.

Cả hai đề án đã nằm trong một loạt các đề án mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ở Quyết định 404 để thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Bộ GD&ĐT và các bộ ngành có liên quan đang triển khai các đề án theo tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Liên quan đến kì thi THPT quốc gia, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng của cử tri và học sinh về sự thay đổi trong kì thi năm nay so với năm trước có thể dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp?

Thẳng thắn trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Việc chấm và coi thi  đều có quy chế. Các thầy cô giáo ở địa phương hay ở TƯ đều vì học sinh thân yêu cả. Các cháu tốt nghiệp ở phổ thông nếu có năng lực sẽ tiếp tục gặp thầy cô ở các trường ĐH, CĐ.

Chúng tôi đã tính toán đến việc sẽ có barem điểm kỹ càng, làm sao để học sinh thi cử một cách nghiêm túc, chúng tôi quan niệm quá trình thi cử nghiêm túc cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng, chúng ta không để chỗ cho những sự không trung thực, gian lận trong thi cử. Đã gọi là tốt nghiệp phổ thông thì sẽ hướng đến phần lớn thí sinh chứ không thể có sự thay đổi đột ngột ở đây được. Điều này ngày cũng đã họp bàn với các đồng chí ở các trường ĐH, giám đốc các Sở GD-ĐT.

Các cháu nên yên tâm ôn tập, làm bài một cách cố gắng nhất. Các thầy cô luôn trân trọng ghi nhận kết quả học tập của các cháu. Sẽ không có cú sốc đối với xã hội trong quá trình triển khai. Mục tiêu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo không phải là tạo ra những cú sốc mà tạo ra sự thay đổi từ sự chuyển biến từ chất lượng, ngày càng tốt lên.

Tiếp về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi, cách tổ chức thi theo cụm chưa nhận được đồng thuận cao của xã hội, ở miền núi, tỷ lệ thí sinh dự thi ĐH còn thấp. Bộ trưởng nói rõ về thực trạng học tập của học sinh miền núi và vì sao học sinh miền núi lại đăng ký thấp? 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải, kỳ thi THPT quốc gia 2015, các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại dịa phương - cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Theo báo cáo của các tỉnh, đều thi tại huyện. Về cơ bản, thí sinh không có gì khó khăn hơn so với các kỳ thi trước đây.

Với các cháu dự thi THPT quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

Trước đây, khi đi thi ĐH, các cháu phải về Hà Nội, thành phố HCM, các thành phố lớn hoặc đến dự thi tại 4 cụm: Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ, Hải Phòng, như vậy, phải đi quãng đường rất xa. Với cách đổi mới kỳ thi như năm nay, các cháu sẽ đi thi gần hơn vì chúng tôi bố trì thành 38 cụm thi trên cả nước.

Thí sinh không chỉ giảm quãng đường mà giảm cả số lần đi thi, vì năm nay các cháu chỉ phải thi một lần để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Với các cháu miền núi, vùng khó, Chính phủ đã có quy định về chế độ ưu tiên, ưu tiên khu vực, ưu tiên theo đối tượng... Các phương tiện truyền thông cũng có nói đến việc nhiều ưu tiên như vậy, có cháu 3 -4 điểm cũng có thể đỗ vào ĐH.

Nhưng chúng tôi thấy rằng, việc đào tạo cán bộ cho vùng khó là nhiệm vụ chính trị nên phải tuyển các cháu; sau đó, có chương trình dự bị, bổ túc để giúp các cháu nắm chắc kiến thức để học ở bậc học cao hơn.

******

Gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia xây dựng chương trình GDPT

Trong báo cáo giải trình gửi tới Quốc hội về các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Luận cho biết, đã xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết phục vụ quá trình triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đã nghiên cứu, học tập, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa; đã tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã huy động gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu,… tham gia thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Bộ trưởng Luận khẳng định: Cho đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện lần cuối, để đưa ra xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội vào tháng 7-2015. Bộ đã chỉ đạo thành lập câu lạc bộ hiệu trưởng các trường sư phạm để phối hợp lực lượng xây dựng mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Thi THPT Quốc gia: giảm rõ rệt việc dạy thêm, học thêm và luyện thi

Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ trưởng Luận cho biết, việc đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy và học, thi, kiểm tra đánh giá, trong những năm qua, việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông năm 2015 đã có tác dụng làm giảm rõ rệt việc dạy thêm, học thêm và luyện thi.

Với việc chỉ tham dự một kỳ thi và số cụm thi tăng (từ 4 cụm lên 38 cụm), khoảng cách đi lại cũng gần hơn và như vậy sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí ăn ở, đi lại cho học sinh và gia đình. Tránh được việc tập trung đông người tại các thành phố lớn, vì vậy sẽ làm giảm áp lực về giao thông và công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Thí sinh dự thi trước, sau khi có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển sinh vào các trường phù hợp, do đó giảm được áp lực và rủi ro cho thí sinh, đồng thời giảm các trường hợp thí sinh thi có kết quả cao nhưng vẫn trượt đại học, cao đẳng như những năm trước.

Theo số liệu đăng ký dự thi, năm 2015 sẽ có khoảng 27% học sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (so với 20% thí sinh chỉ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014), bước đầu thực hiện tốt việc phân luồng học sinh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước, công tác chuẩn bị thi đã hoàn tất; cùng với đó các công việc hỗ trợ cho thí sinh đã sẵn sàng.

Bộ trưởng Luận cho rằng, rút kinh nghiệm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015 để hoàn thiện và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo hướng ổn định ở những năm tiếp theo; đồng thời xây dựng đề án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới (dự kiến áp dụng từ sau năm 2021).

Gần 1 triệu học sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015
Gần 1 triệu học sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Tiểu học: đánh giá đúng thực trạng học sinh, không có học sinh giỏi tràn lan

Ngoài 2 vấn đề trên, vấn đề “nóng” nhất hiện nay mà dư luận xã hội quan tâm là về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, thực trạng đánh giá học sinh tiểu học trước đây, giáo viên, học sinh và gia đình chỉ quan tâm điểm số, không chú ý lời nhận xét để hướng dẫn giúp đỡ học sinh; từ đó dẫn tới có sự so sánh giữa các học sinh, không động viên khuyến khích học sinh. Đây cũng là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc dạy thêm, học thêm tràn lan và bệnh thành tích trong giáo dục.

Việc đánh giá học sinh tiểu học chỉ chú trọng đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức của học sinh, chưa chú trọng đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh, chưa chú ý đến việc giúp đỡ kịp thời học sinh, nhất là những học sinh gặp khó khăn trong học tập, để các em từng bước vượt qua khó khăn, đạt được kết quả học tập tốt hơn, có hứng thú học tập hơn. Nhiều học sinh, nhất là học sinh gặp khó khăn trong học tập, chịu áp lực về điểm số, sẽ ngày càng thiếu tự tin, tự ti, mặc cảm và dẫn đến chán học hoặc bỏ học. Đối với những học sinh khá, giỏi, việc đánh giá thường xuyên bằng điểm số hàng ngày cũng chỉ có tác động bên ngoài, có thể gây cạnh tranh không lành mạnh, chủ quan trong học tập, không tạo động cơ bên trong của việc học.

Bộ trưởng Giáo dục lý giải, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (viết tắt là Thông tư 30) là phương pháp tiên tiến, được áp dụng ở tất cả các nước có nền giáo dục phát triển. Phương pháp này giúp học sinh tiến bộ dần trong quá trình học, phát huy hết khả năng và đạt được mức độ cao nhất, đồng thời xác định được trình độ của học sinh khi hoàn thành lớp học, cấp học.

Việc đánh giá kết hợp nhận xét trong quá trình với kết quả kiểm tra cuối học kỳ và cuối năm học đã theo sát được sự tiến bộ của học sinh. Phương pháp đánh giá mới không so sánh học sinh này với học sinh khác trong quá trình học tập, do đó tránh được sự tự ti, mặc cảm hoặc chủ quan, tự mãn của học sinh; giúp học sinh tự tin, từng bước vượt qua khó khăn, tạo hứng thú trong học tập.

Việc kết hợp nhận xét với đánh giá định lượng thông qua bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học (có các câu hỏi, bài tập phân chia theo các mức độ: biết, hiểu, vận dụng, vận dụng sáng tạo là phù hợp với quan điểm đánh giá hiện đại), chủ yếu để xác nhận trình độ, kết quả cuối cùng của học sinh và kiểm chứng quá trình đánh giá thường xuyên bằng nhận xét; là một kênh thông tin tham khảo về kết quả giáo dục cho cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo; hướng dẫn việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục, kết quả học tập của học sinh.

Bộ trưởng Luận thừa nhận, khi áp dụng Thông tư 30 vẫn còn nhiều tồn tại
Bộ trưởng Luận thừa nhận, khi áp dụng Thông tư 30 vẫn còn nhiều tồn tại

Theo Bộ trưởng Luận, trước khi ban hành Thông tư 30, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục và tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai thí điểm đổi mới đánh giá học sinh tiểu học từ năm học ở 24 trường thuộc 6 tỉnh. Trên cơ sở kết quả thí điểm, từ năm học 2014 - 2015 Bộ quyết định cho triển khai đại trà theo Thông tư 30.

Theo tổng hợp từ báo cáo của 63/63 sở giáo dục và đào tạo, việc triển khai kết hợp đánh giá bằng nhận xét với điểm số vào cuối học kỳ và cuối năm học đã có những tác động tích cực từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh, nhằm giúp học sinh học ngày càng tiến bộ và học tốt hơn….

Đối với học sinh, do không bị áp lực về điểm số và không còn việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, các em đã có tâm lý thoải mái, tự tin trong học tập, rèn luyện, có cơ hội phát huy cao nhất năng lực của mình. Bên cạnh đó, học sinh đã bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Các em được thầy cô quan tâm, hướng dẫn cụ thể hơn nên bước đầu đã hình thành được một số năng lực, phẩm chất như: Tự giác, tự phục vụ, tự quản, tự tin, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và có phương pháp tự học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng: “Đa số cha mẹ học sinh đã hiểu, không bị áp lực về điểm số, đồng tình, ủng hộ việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Qua những lời nhận xét của giáo viên, cha mẹ học sinh biết được cụ thể tình hình học tập của con mình, biết con mình mạnh, yếu ở nội dung nào, từ đó có những biện pháp hỗ trợ thêm cho học sinh khi ở nhà. Giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; bước đầu khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, đánh giá đúng thực trạng học sinh, không có học sinh giỏi tràn lan”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận thừa nhận, khi áp dụng thông tư 30 vẫn còn nhiều tồn tại, giáo viên dạy lớp có sĩ số đông (ở thành phố và vùng thuận lợi), giáo viên chuyên biệt phải dạy nhiều lớp sẽ vất vả trong việc đánh giá học sinh. Công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh. Do vậy, nhiều giáo viên phản ánh là công việc trở nên nặng nề, vất vả hơn trước.

Tiếp tục kiên trì tuyên truyền giải thích cách đánh giá học sinh tiểu học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định: Tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giải thích đến giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu rõ về ý nghĩa, cách thức và sự phối hợp các thành phần tham gia đánh giá học sinh tiểu học. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý để giải đáp những vướng mắc, khó khăn, thay đổi nhận thức và thói quen; tổ chức rút kinh nghiệm về đánh giá học sinh cho giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo phối hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội đạt hiệu quả hơn.

Bộ Giáo dục sẽ chỉ đạo quyết liệt đổi mới công tác quản lý để giảm các công việc hành chính, sự vụ, sổ sách… cho giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh tự sửa lỗi, hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin, sáng tạo, đồng thời giảm áp lực công việc cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Điều chỉnh để đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo (như về công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, Điều lệ trường tiểu học, kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học), đảm bảo thống nhất với Thông tư 30.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe để đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung các giải pháp cần thiết để tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương đổi mới đánh giá thi cử ở bậc tiểu học trong thời gian tới.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.