Công tác cai nghiện tại cộng đồng ở Đà Nẵng hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân do chính gia đình người nghiện thiếu sự hợp tác hiệu quả với cơ quan chức năng.
Nhiều gia đình dù đã đưa con em đi cai nghiện nhưng nôn nóng, không động viên con em tiếp tục cai nghiện mà bỏ giữa chừng. Bên cạnh đó, tiền thuốc điều trị cắt cơn, giải độc tại các cơ sở điều trị vượt quá khả năng đối với những gia đình nghèo. Thành phố đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ người nghiện điều trị cắt cơn đối với hình thức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng là 400.000 đồng/người. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ phụ trách công tác này, mức hỗ trợ này vẫn thấp so với cả quá trình điều trị (thường là 10 ngày).
Thực tế hiện nay, gặp trường hợp người nghiện ma túy dùng hàng đá không có hội chứng cai nên nhiều địa phương không đưa người nghiện đi cắt cơn, giải độc tại các trung tâm y tế. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ y tế chưa đồng đều. Một số trung tâm y tế chưa sẵn sàng tiếp nhận, điều trị nghiện ma túy.
Việc quản lý, kèm cặp, giúp đỡ người nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng còn lỏng lẻo. Nhiều nơi thiết lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhưng không có biên bản test dương tính với ma túy, không có giấy ra viện của cơ sở điều trị cắt cơn, giải độc. Phòng điều trị cắt cơn, giải độc của các trung tâm y tế rất sơ sài, quản lý điều trị khá lỏng lẻo, không bảo đảm chống thẩm lậu.
Quy trình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được thực hiện theo phương thức cắt cơn giải độc tại các cơ sở điều trị là trung tâm y tế các quận, huyện hoặc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; sau đó được chuyển về gia đình để tiếp tục thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng.
Cai nghiện tại gia đình - cộng đồng cũng có 2 biện pháp: cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Các trường hợp tham gia cai nghiện tại gia đình - cộng đồng hiện nay phần lớn đã được lập hồ sơ theo quy định, đưa đến trung tâm y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị cắt cơn, giải độc. Tuy nhiên, theo khảo sát của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, trong quá trình tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, nhiều địa phương chưa nắm vững quy định của pháp luật nên số người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng còn hạn chế (chỉ có 80 người). Trong khi đó, theo báo cáo của UBND thành phố vào tháng 4 năm nay, còn 1.604 đối tượng nghiện đang ở cộng đồng.
Trong số 80 người đang cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, hầu hết là lao động phổ thông, 47 người có việc làm ổn định, chiếm 58,75%; 22 người có việc làm nhưng không ổn định, chiếm 27,5%, còn lại 11 trường hợp chưa có việc làm.
Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, để công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đạt hiệu quả, cần sự nỗ lực của chính bản thân người nghiện và gia đình. Đồng thời, gia đình, cộng đồng và xã hội cần có cách nhìn cởi mở hơn đối với người nghiện, tạo điều kiện giúp họ có việc làm, xóa bỏ sự kỳ thị - vốn gây khó khăn cho công tác cai nghiện, chống tái nghiện…
HƯƠNG SEN