Ngày 20-5 vừa qua, vụ vi phạm an toàn lưới điện (ATLĐ) do một đơn vị viễn thông kéo cáp quang gây ra trên địa bàn quận Liên Chiểu không chỉ làm hư hỏng nhiều thiết bị điện, mất điện cục bộ ở 93 hộ dân mà còn khiến một người thiệt mạng.
“Mạng nhện cáp quang” trước số nhà 308 Hoàng Diệu. |
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, từ năm 2012 đến nay có 15 vụ vi phạm ATLĐ. Điều này cho thấy mức độ, nguyên nhân và tần suất vi phạm đang ngày càng gia tăng. Trong đó có 4 vụ “điển hình” (Viettel Đà Nẵng: 3 vụ và 1 vụ do Công ty Điện thoại số 1 - Viễn thông Đà Nẵng gây ra).
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay rất nhiều đường dây cáp quang đi nhờ trên các trụ điện, gây mất mỹ quan đô thị, đe dọa an toàn giao thông. Đã có không ít vụ tai nạn giao thông do bó cáp quang rơi giữa đường, trúng người và phương tiện đang lưu thông. Các đơn vị viễn thông mắc cáp chồng chéo nhau, không có bảng tên trên đường dây, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quy trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sự cố.
Đại diện Điện lực Đà Nẵng cho biết, tình trạng vi phạm có thể tiếp diễn dù nhiều giải pháp đã được đưa ra. Theo vị đại diện này, cơ bản do các đơn vị viễn thông không hợp tác tích cực, đăng ký mắc cáp trên các trụ điện theo quy định của thành phố thì chỉ làm lấy lệ, “đăng ký 1 thì mắc 100”.
Trong khi đó, các đơn vị viễn thông vì doanh thu đã thuê công nhân bên ngoài kéo cáp quang. “Bộ phận công nhân bên ngoài đa số là lao động phổ thông, không hiểu biết hoặc chủ quan, nhận thức sai về mức độ nguy hiểm vi phạm ATLĐ cao áp, hạ áp. Đến khi xảy ra sự cố, các đơn vị chủ quản né tránh, làm khó cho cơ quan chức năng cũng như ngành điện trong xử lý vụ việc”, ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho biết.
“Khi phát hiện đường dây cáp vô chủ, chúng tôi không thể gỡ xuống bởi liên quan nhiều yếu tố khác. Khi xảy ra sự cố, thường đơn vị chủ quản “trốn biệt”, chỉ đến lúc dọa gỡ cáp, cắt cáp thì mới xuất hiện. Trường hợp gỡ đường dây cáp xuống cũng mất thời gian vì phải bảo đảm quy trình thủ tục. Hiện chế tài xử phạt các hành vi vi phạm ATLĐ chỉ ở mức hành chính, không bảo đảm răn đe. Hằng năm, công ty phải thường xuyên bố trí lực lượng bó cáp gọn gàng để bảo đảm mỹ quan, cũng như đề phòng rơi cáp gây tai nạn giao thông, bảo đảm ATLĐ”, ông Hòa nói thêm.
Một giải pháp được cho là hữu hiệu nhất mà Điện lực Đà Nẵng đang xúc tiến là cuộc gặp giữa các đơn vị liên quan do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì để chỉ rõ những hạn chế, sai phạm của từng đơn vị cụ thể, từ đó có hướng giải quyết hợp lý.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY