Chính trị - Xã hội
Con một
Mọi người thường nghĩ “con một” thiệt sướng, bởi cái gì cha mẹ cũng dành cho và chẳng ai tranh phần với con một. Vậy nhưng, không ít người làm con một lại thầm ao ước: Giá như nhà có đông người!
Sướng như con một...
Ngẫm lại suốt tuổi thơ của mình, chị Hương Giang (35 tuổi, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) chỉ nói tóm tắt bằng một từ: sung sướng. Giang nhớ mình không biết thế nào là vất vả, thiếu thốn, dù lúc bấy giờ ba mẹ chỉ là những cán bộ công chức nghèo. Mâm cơm có thể lúc đầy, lúc vơi, nhưng riêng khoản chăm sóc cho Giang thì ba mẹ không khi nào để con thua thiệt so với bạn bè trang lứa.
“May mà mình không thuộc diện đua đòi nên còn “lành lặn” được như bây giờ”, Giang hóm hỉnh nói. Vì nhà có mỗi “cô con gái rượu”, nên Giang muốn gì, đòi gì đều được ba mẹ đáp ứng. Ngay cả với roi vọt, Giang cũng chưa từng biết đến một lần. “Bạn bè thường gọi tôi là gà công nghiệp” nhưng hồi đó, được ba mẹ chăm lo, bảo bọc là tôi thấy sung sướng chứ gò bó gì đâu”, Giang chia sẻ.
Cũng như Hương Giang, cô gái Thu Lan (28 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cảm nhận rõ nét sự đủ đầy khác biệt của bản thân so với những người xung quanh. Bắt đầu làm mẹ được vài tháng, Lan càng hiểu nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ có duy nhất một đứa con. Bao nhiêu yêu thương, lo lắng đều dành cho con. Lan cho biết, mỗi lần nhà nấu món gì ngon, phần đặc biệt nhất luôn dành cho con gái bé bỏng. Ngay cả những điều lớn hơn như nhà cửa, đất đai, Lan cũng không cần nghĩ ngợi nhiều vì ba má luôn nói: “Tài sản dành cả cho con, chứ nhà có đứa nào chia chác đâu”. Dù đã trở thành mẹ, nhưng trong mắt ba má, lúc nào Lan cũng chưa đủ cứng cáp để lo toan mọi chuyện.
Nỗi buồn của con một
Nếu trước đây Hương Giang cảm thấy đầy đủ, bình yên trong sự “rào chắn” của cha mẹ, thì khi trưởng thành, làm một cô giáo đương đầu với những va chạm của cuộc sống, Giang lại cảm thấy mình thiếu đủ thứ. Ba mẹ không cho Giang tự do đi chơi vì sợ những hiểm nguy như tại nạn giao thông, đuối nước, kẻ xấu, v.v... Có thể nói, Giang được lớn lên trong vòng an toàn. Đến khi ra đời, tự mình đối diện với tất cả tình huống và các mối quan hệ phức tạp, nhiều lúc Giang vô cùng luống cuống và nhận ra mình quá thiếu kỹ năng sống.
Với Thu Lan, nếu có thể lựa chọn, cô sẽ lập tức chọn được sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh chị em. “Làm con một sướng ít, mà buồn nhiều. Có chuyện vui mình mới tâm sự với ba má, còn chuyện buồn chỉ biết giấu trong lòng vì sợ ba má buồn theo. Giá như có anh em để cùng chia ngọt sẻ bùi thì hạnh phúc biết mấy”, Lan nói.
Bên cạnh đó, theo Lan, vì cái gì cha mẹ cũng dành cho con một nên trọng trách của đứa con càng nhiều lên. Có lần ba má cùng đổ bệnh, người nằm nhà, người nằm bệnh viện, một mình Lan chạy đôn chạy đáo vẫn không thể vẹn tròn. Hay lần Lan sinh nở, những vui buồn của lần đầu làm mẹ cũng chẳng biết sẻ chia cùng ai. Nhìn nhà người khác có chị gái, chị dâu đến thăm nom, bày vẻ kinh nghiệm, Lan thèm thuồng đến nỗi hứa với lòng sẽ sinh thêm con để bé có anh, có chị. Mỗi dịp giỗ, chạp, lễ, Tết, nhà nhà đông vui sum vầy, Lan lại chạnh lòng thấm thía nỗi cô đơn…
Hiện tại, ba má đã cao tuổi và mắc các chứng bệnh của người già, Lan càng phải để ý đến sức khỏe của… chính mình. Lan tự nhủ: “Mình không được ốm. Mình mà nằm ra đó thì ai lo cho ba má”.
HƯỚNG DƯƠNG