.

Câu hỏi lương tâm

.

Câu hỏi lương tâm buộc người làm báo phải luôn kiểm chứng thông tin, tránh tình trạng “ăn xổi”, chạy theo tin, bài nóng mà quên đi định hướng xã hội của mình. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, câu hỏi lương tâm vẫn khiến phóng viên quay quắt với quyết định nên viết hay không mặc dù thông tin hay và chính xác.

Từ bộ phim đoạt giải Oscar

Tôi từng theo học một chương trình báo chí, ở đó, bài học đầu tiên tôi được học là… xem phim. Bộ phim tài liệu Mỹ đoạt giải Oscar năm 2010: The Cove – Vùng vịnh. Mở đầu bộ phim, nhóm phóng viên mang khẩu trang, che kín mặt lái xe đi vòng quanh thị trấn Taiji – một thị trấn nhỏ nhưng ẩn chứa bí mật to lớn của xứ sở mặt trời mọc.

Những phóng viên này đi trong nỗi sợ rằng, người dân thị trấn, cảnh sát, thị trưởng đều có thể bắt và giết họ bởi họ đang cố gắng tiếp cận với “Vùng vịnh” – khu vực cấm của làng. Ngư dân trong vùng thay phiên nhau cầm dao đi tuần tra liên tục quanh vùng vịnh, khu vực được bao quanh bởi hàng rào vững chãi và những tấm biển với nội dung cảnh báo nguy hiểm.

Đây cũng chính là nơi bắt nguồn cơn ác mộng của hàng vạn con cá heo. Khi mặt trời khuất bóng, 12 chiếc thuyền cũ của ngư dân Taiji, với cột khói đen ngòm hướng ra tuyến đường cá heo di trú hàng ngàn năm qua. Họ chỉ cần đợi đàn cá heo đến và thu hoạch bằng cách đưa những ống sắt dài xuống mặt nước và dùng búa gõ liên tục, tạo nên bức tường âm thanh.

Loài vật cực kỳ nhạy cảm với âm thanh này sẽ hoảng sợ và kiệt sức chạy vào bờ - nơi ngư dân đã quây lưới sẵn. Sáng hôm sau, người huấn luyện cá heo từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến và tìm con cá khỏe mạnh cho các khu du lịch. Những chú cá heo không được chọn sẽ bị giết, xẻ thịt và bán. Hình ảnh máu cá heo lan rộng, nhuộm đỏ dòng nước đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới.

Không chỉ vậy, nhóm phóng viên còn điều tra được thực tế rằng, thịt cá heo có hàm lượng thủy ngân cao gấp 20 lần cho phép, các ngư dân đang tự đầu độc mình và toàn nước Nhật bằng thịt cá heo. Tuy nhiên, chính phủ Nhật lại bưng bít thông tin, các tổ chức như Quỹ thiên nhiên hoang dã toàn cầu, Hòa bình xanh, Quỹ bảo vệ động vật quốc tế… ở Nhật đều biết nhưng cùng giữ bí mật về lò mổ cá heo lớn nhất thế giới này, truyền thông Nhật Bản hoàn toàn im lặng.

Sau khi phát hành, Vùng vịnh trở thành bộ phim tài liệu gây tranh cãi bởi để có thể quay được những hình ảnh rõ nét nhất, các nhà báo đã sử dụng máy quay phim hiện đại được ngụy trang thành những hòn đá và phải xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực riêng của ngư dân địa phương. Hành động của các nhà báo đã phá hủy các nguyên tắc cơ bản của báo chí như gian dối trong tác nghiệp, xâm phạm vùng đất riêng của ngư dân địa phương.

Bộ phim hứng chịu sự nguyền rủa của người dân Nhật Bản với hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối ở nhiều thành phố. Vì bộ phim mà mùa săn cá heo của Taiji bị trì hoãn vô thời hạn, ngành công nghiệp đánh bắt cá sụp đổ, kinh tế địa phương thu hẹp. Hình ảnh của xứ sở mặt trời mọc trở nên xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.

Đến thực tế trong hành trình tác nghiệp

Qua bộ phim, thầy giáo muốn nhắn nhủ những người làm báo tương lai rằng hãy suy nghĩ, đấu tranh về câu hỏi nên hay không nên trước khi viết bài. Bởi bài viết của mình có thể vi phạm đạo đức nhà báo, ảnh hưởng xấu đến nhiều người, thậm chí hủy hoại hình ảnh của cả một thành phố hay quốc gia. Các nhà báo làm sao để vượt qua rào cản pháp lý, vượt qua câu hỏi lương tâm để cung cấp thông tin nhạy cảm mà khán giả mong đợi. Bộ phim đã quay lại, nhắc nhở tôi rất nhiều trong suốt quá trình tìm hiểu và viết bài “Khuất tất trong sử dụng nước ngầm ở khách sạn”.

Với tâm lý của một phóng viên, tôi hào hứng khi tìm được chủ đề hay và đã có trong tay hóa đơn tiền nước với dãy số 0 dài biểu thị m3 nước khách sạn (KS) sử dụng trong thời gian khoảng 2 năm.

Quá trình phỏng vấn của tôi được thực hiện dưới hình thức gian dối, tôi dùng điện thoại để ghi âm, cẩn thận cài chế độ máy bay trước khi vào KS để bảo đảm không có một tin nhắn hay cuộc gọi nào cắt ngang đoạn ghi âm của mình. Hoàn toàn không nghi ngại gì đối với cô phóng viên trẻ, đi tay không đến làm việc, đại diện của các KS vẫn khăng khăng khẳng định mình sử dụng 100% nước thủy cục và tặc lưỡi khi không lý giải được vì sao khối lượng nước dùng mỗi tháng của KS lại ít hơn một hộ gia đình. Cũng với phương pháp như vậy, tôi phỏng vấn các cán bộ tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Tất cả được tôi ghi âm trọn vẹn và sử dụng cho bài viết của mình. Tuy nhiên, mãi đến khi phỏng vấn khách du lịch, lắng nghe sự bất bình và lo ngại của họ về nguồn nước không đảm bảo, tôi mới thực sự hoang mang về việc mình đang làm. Danh hiệu thành phố sống tốt, điểm du lịch hấp dẫn nhất, thành phố vì môi trường rồi đây có bị ảnh hưởng do bài báo của tôi?

Điều tôi đang làm có hủy hoại tất cả những gì mà người dân và lãnh đạo Đà Nẵng đã cố gắng trong thời gian qua. Tôi cảm giác mình là kẻ “ăn cháo đá bát”, tôi phản bội thành phố của mình… Nhưng rồi, tôi lại tự hỏi, nếu không viết, sự việc rồi sẽ kéo dài đến đâu, và ngộ nhỡ có một du khách bị ảnh hưởng sức khỏe vì nguồn nước thì điều gì sẽ xảy ra? Trong hai phương án đều mang lại điều xấu, tôi đành chọn phương án mang lại kết quả ít xấu hơn – viết bài phản ánh.

Tuy nhiên, khi chuẩn bị viết tiếp bài thứ 3 trong chuỗi bài này, tất cả những lãnh đạo sở mà tôi làm việc đều cùng nhắn nhủ: “Hãy dừng lại đi, tất cả đã biết và đang trong quá trình khắc phục, xử lý. Con chữ, phát ngôn sẽ đẩy mọi thứ đi quá xa…”. Lúc này tôi nhận ra, bài báo vạch rõ, quy kết cụ thể ai là người chịu trách nhiệm không giúp tình hình khả quan hơn, nó chỉ khiến hình ảnh thành phố của tôi thêm xấu đi. Trách nhiệm cung cấp thông tin khách quan đến bạn đọc, trong đó có lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan, tôi đã hoàn thành. T

ôi có lẽ không cần truy đến cùng và phơi bày lên mặt báo tên người đang cố gắng khắc phục tình trạng trên. Tôi chấp nhận xóa hết những thông tin mình đã thu thập cho bài viết tiếp theo, hoàn toàn nhẹ lòng khi nghĩ về tham vọng “giải báo chí” như lúc mới tiếp cận sự việc và hạnh phúc nhớ lại lời thầy giáo dặn trong ngày học đầu tiên đó – làm nhà báo, hãy viết vì lương tâm chứ không phải vì “quyền lực thứ tư”…

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.