Chính trị - Xã hội
Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát: Khi nào dân giàu từ lúa, sống được từ rừng?
Cử tri nhiều địa phương chưa hài lòng với hiệu quả kinh tế từ việc trồng lúa cũng như bảo vệ và chăm sóc rừng theo hình thức giao khoán.
Đại biểu Lê Công Đỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An. |
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát sáng nay, Đại biểu Lê Công Đỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đặt vấn đề việc nông dân trồng lúa hiện nay có thu nhập thấp và bao giờ mới có thể làm giàu được?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc phát triển sản xuất lúa gạo ở nước ta là vừa đảm bảo an ninh lương thực nhưng cũng là để tạo điều kiện cho nhân dân tăng thu nhập. Các nhà nghiên cứu cho rằng, để cho một hộ sống được bằng thu nhập từ cây lúa thì hộ đó phải sở hữu diện tích canh tác ít nhất 2 ha.
Trong khi đó, ở Việt Nam hiện có 4,1 triệu ha diện tích đất trồng lúa nhưng lại có tới 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa, như vậy mỗi hộ nông dân trồng lua có chưa đến 0,5 ha. Bộ trưởng Cao Đức Phát lấy ví dụ: Ở Thái Bình và Nam Định, mỗi hộ nông dân canh tác trên diện tích 0,3 ha. Ở Hậu Giang hộ nông dân có diện tích canh tác là 0,8 ha. Trong vụ Hè Thu này, với giá thành sản xuất lúa 4.200 đồng/kg, người dân được lãi 1.000 đồng/kg, với năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, người nông dân trồng lúa chỉ được lãi 6 triệu đồng/ha.
“Với 0,8 ha diện tích đất trồng lúa chỉ thu được 5 triệu đồng/hộ/vụ, do vậy việc làm giàu tư cây lúa là điều rất khó. Nhưng người dân sống được và có nền tảng cũng như hiện nay ở nhiều nơi, nếu không trồng lúa người dân cũng chưa thể trồng cây gì khác được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, hiện nước ta đã có rất nhiều cố gắng để hỗ trợ cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo để có thu nhập, năng suất lúa đã đạt được gấp 1,5 lần so với mức bình quân toàn thế giới nhưng vẫn còn nhiều dư địa. Bộ NN&PTNT đang xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo để tiếp tục làm đồng bộ hơn, căn cơ hơn để sản xuất lúa gạo có hiệu quả cao hơn nhưng quan trọng phải có thời gian và nguồn lực.
Giữ đất lúa để trồng cây tăng thu nhập
Trên thực tế, tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Hồng, người nông dân đang không thiết tha với cây lúa do hiệu quả kinh tế không cao không cao. Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cần biết rõ hơn về tiêu chí để được hỗ trợ người trồng lúa cũng như chuyển đổi đất trồng lúa sang các cây trồng khác.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý đất lúa, trong đó đưa ra các chính sách để ngăn cản việc chuyển đổi một cách quá dễ dãi đất lúa sang những mục đích khác, đặc biệt là các mục đích phi nông nghiệp như xây dựng các khu đô thị, xây dựng khu dân cư, sân golf… Nhờ có Nghị định này diện tích đất chuyển đổi mỗi năm đã giảm từ 50.000 ha đất trồng lúa sang việc khác đã giảm còn khoảng 10.000 - 15.000 ha mỗi năm là một thành công.
“Đất lúa là di sản của dân tộc, nước ta không còn đất lúa để mở mang, diện tích trồng lúa chỉ là hữu hạn nhưng là nguồn sống nên chúng ta phải bảo vệ. Tuy nhiên không phải bảo vệ bằng cách để cho nông dân phải gắn với cây lúa sẽ khiến thu nhập không thể cao hơn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chính phủ đã có chính sách để hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, trước đây hỗ trợ trực tiếp, hiện nay Chính phủ hỗ trợ bằng việc chuyển giao cho chính quyền các cấp xây dựng hạ tầng cũng để hỗ trợ cho nông dân.
Để tạo điều kiện cho nông dân giữ đất lúa nhưng có thu nhập cao hơn khi có cơ hội sản xuất, Nghị định sửa đổi cũng đưa ra những cơ chế, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Thông tư quy định rõ: Giữ đất lúa nhưng có thể trồng các loại cây trồng khác để nông dân có thể có thu nhập cao hơn, khi cần trồng lúa vẫn có thể trồng được.
Liên quan đến chính sách chuyển đổi cây trồng trên cùng một diện tích đất lúa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã ứng chi cho 7 địa phương có báo cáo cấp kinh phí 55,4 tỷ đồng để thực hiện. Hiện còn nhiều địa phương khác chưa có báo cáo để Bộ Tài chính xử lý tiếp theo, khi nhận được báo cáo trợ cấp vốn, Bộ Tài chính sẽ đôn đốc xử lý nguồn vốn ngay cho các địa phương.
Tăng mức khoán, tạo nguồn thu cho người trồng rừng
Đối với chủ trương giao khoán cho người dân bảo vệ chăm sóc và phát triển rừng, Đại biểu Danh Út, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, chính sách giao khoán rừng cho người dân còn nhiều bất cập, người dân chưa thể sống được nhờ rừng, chính sách này không giảm nghèo bền vững.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chính sách khoán bảo vệ rừng đã có chủ trương cho người dân ở các vùng ở gần rừng để nhân dân bảo vệ rừng nhưng đồng thời có nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống. Chủ trương này đã được thực hiện hàng chục năm nay, lúc đầu việc giao khoán với mức giao quản lý bảo vệ là 50.000 đồng/ha/năm. Tuy nhiên khi thời giá thay đổi, gần đây có nơi đã nâng mức phí giao khoán giao rừng lên đến 400.000 đồng/ha/năm.
Đến nay, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, gắn với hỗ trợ giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở những vùng khó khăn, trong thời gian sớm nhất, Nghị định này sẽ được phê duyệt.
Một động thái khác thiết thực hơn theo Bộ trưởng Cao Đức Phát là hiện nay, do nguồn Ngân sách Nhà nước có hạn, Chính phủ đã ban hành Nghị định thu phí dịch vụ môi trường rừng. Nghị định quy định nhân dân bảo vệ rừng để có nước cho thủy điện phát điện, nên thủy điện phải nộp 20 đồng/kWh nộp vào phát triển rừng. Hiện nay phí dịch vụ môi trường rừng đã đã thu được 1.300 tỷ đồng. Các địa phương đã dùng tiền này quay trở lại tăng mức khoán cho người dân bảo vệ và chăm sóc rừng, góp phần tăng thêm nguồn thu cho người dân.
Theo VOV