.

Chất vấn Phó Thủ tướng, bộ trưởng từ góc nhìn Chủ tịch Quốc hội

.

“Trả lời của Phó thủ tướng đã đi thẳng vào vấn đề, làm rõ vấn đề và giải quyết được vấn đề đặt ra”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu sau phiên chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội, sáng 13-6.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: ANTĐ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: ANTĐ.

Nhìn lại cả hai ngày rưỡi ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có trên 130 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và khoảng trên 200 chất vấn đã được được trả lời, được thảo luận tại hội trường.

Theo ông, Quốc hội đã chọn đúng và trúng nội dung chất vấn, là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, cũng là những vấn đề chiến lược lâu dài. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng.

Bộ trưởng Phát “trí nhớ rất tài”

Trước đó, kết thúc từng phần chất vấn mỗi vị bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội đều có đánh giá riêng.

Với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ông nhận xét: “Bộ trưởng không chỉ là một nhà chính sách vĩ mô trong lĩnh vực này, đồng thời còn là một chuyên gia rất sâu sắc, am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp, trí nhớ rất tài, nhớ từng héc ta rừng, héc ta ruộng chuyển đổi, cho tới từng loại cây, loại con và những khó khăn Bộ trưởng đều nắm được”.

Theo Chủ tịch thì Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận trách nhiệm về những yếu kém trong lĩnh vực này và đưa ra được những giải pháp, quyết tâm để tổ chức thực hiện giải pháp đó.

“Đây chính là điều chúng ta thảo luận và người dân mong đợi”, Chủ tịch nói.

Bộ trưởng Hoàng “là người sâu sát”

“Rất tốt” là nhận xét của Chủ tịch Quốc hội với phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Qua theo dõi của ông thì cử tri đánh giá cao các câu hỏi của các đại biểu, các vấn đề Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhiều lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, nắm rất sâu sắc lĩnh vực phụ trách, và cũng có nhiều biện pháp quyết liệt để giải quyết tình hình, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Bộ trưởng Hoàng cũng được đánh giá là người sâu sát, bên cạnh việc đi đàm phán, mở mang thị trường vẫn quan tâm tới tình hình công nghiệp, tình hình thị trường trong nước.

“Đây là vấn đề cũng rất khó khăn cho nên cũng còn nhiều điểm chưa đạt được như mong muốn, như kế hoạch, như quy hoạch đã đề ra. Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm của mình để làm cho tốt hơn công việc trong các lĩnh vực Bộ trưởng phụ trách”, Chủ tịch khái quát.

Đề nghị của Chủ tịch Quốc hội với Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương là phải tổ chức tái cơ cấu lại thị trường trên tinh thần thấy hết được cơ hội, vận hội và thấy hết được những khó khăn khi mở cửa hội nhập rộng hơn, sâu hơn với thế giới.

Vấn đề nữa, theo Chủ tịch, là phải phát triển cho được công nghiệp hỗ trợ - vấn đề mà Quốc hội đã nhiều lần chất vấn tại hội trường, có nghị quyết, có chủ trương, có yêu cầu.

Điều hành giá điện, giá xăng dầu phải công khai minh bạch là yêu cầu tiếp theo được ông nhấn mạnh.

“Bộ trưởng đã cam kết với Quốc hội là năm 2016, chúng ta có thị trường cạnh tranh về điện, năm 2020 - 2021 có giá thị trường điện bán lẻ cạnh tranh”, Chủ tịch nhắc lại.

Bộ trưởng Quân “xung phong trả lời”

Gói lại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại lời Bộ trưởng rằng đã 4 nhiệm kỳ Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ không có đại diện của mình ở Quốc hội.

"Tôi nhớ kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng xung phong, đề nghị Quốc hội cho đăng đàn tại kỳ họp thứ 9 để trả lời chất vấn, hôm ấy tôi thay mặt Quốc hội hoan nghênh, và có lời hứa lần này ta sẽ chất vấn", Chủ tịch nói.

“Bộ trưởng trả lời cũng như tâm sự, trình bày với Quốc hội, thấy còn nhiều nỗi lo lắng”, Chủ tịch nhận xét tiếp.

Đồng ý là đầu tư cho khoa học, công nghệ còn quá thấp, song Chủ tịch cũng cho biết là ông không đồng ý Bộ trưởng so sánh mức đầu tư bình quân đầu người tính theo USD với các nước công nghiệp phát triển.

“Chúng ta nghèo thì có kiểu của nghèo, so với họ thì không so được, cũng chưa chắc đó là lý do chủ yếu”, Chủ tịch bình luận.

Ông cũng nhấn mạnh, công tác huy động đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ đến nay cơ bản là ách tắc. Cơ chế quản lý nhà nước về khoa học còn nhiều vấn đề bất cập, đếm từng công đoạn để chi tiền mà không đếm sản phẩm để chi tiền.

Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, việc quan trọng, theo Chủ tịch là phải đặt hàng, có những đề tài, có những công trình nghiên cứu khoa học để cho Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan nhà nước và thị trường dùng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Quân phối hợp với các bộ trưởng khác để xây dựng, phát triển chương trình sản phẩm quốc gia, sản phẩm chất lượng thương hiệu Việt Nam, với một lượng chất xám và giá trị công nghệ cao và giá thành hợp lý, được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận.

Bộ trưởng Luận “trả lời êm dịu”

Với vị bộ trưởng thứ 4 đăng đàn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận - Chủ tịch Quốc hội cho rằng vấn đề Quốc hội đặt ra rất sâu sắc, cử tri cả nước rất khen ngợi những câu hỏi của các đại biểu.

Và ông Phạm Vũ Luận “vừa là Bộ trưởng, vừa là nhà khoa học, nhà giáo nhân dân, rất có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề giáo dục và đào tạo, là con người bám sát thực tiễn các vùng, các miền, các loại trường, lắng nghe tiếng nói của phụ huynh học sinh, tiếng nói của học sinh để thiết kế chính sách”.

“Bộ trưởng trả lời, tôi có nói vui là rất mượt mà, êm dịu, mềm mại. Bộ trưởng cũng đưa ra những cam kết để cho đồng bào, cử tri cả nước nghe, yên tâm về đổi mới thi cử, không tạo ra cú sốc... Chúng ta ghi nhận tinh thần trách nhiệm ấy của Bộ trưởng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng mong Bộ trưởng, tuy đã trả lời trôi chảy hết, song đổi mới phải căn bản, toàn diện, đạt chuẩn, không gây ra tâm trạng bức bối, bức xúc trong xã hội.

​Theo VnEconomy

;
.
.
.
.
.