Chính trị - Xã hội
Chỉ cho phép hai hình thức vận động bầu cử
Đại biểu gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Đó là hai hình thức vận động bầu cử công khai hợp pháp, các hành vi còn lại đều bị cấm…
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh). |
Quy định về hành vi cấm vận động bầu cử chưa rõ ràng
Trong phiên thảo luận cuối cùng của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 3-6, nhiều đại biểu tán thành duy trì hai hình thức vận động bầu cử được quy định tại Điều 65 này.
Theo đại biểu Danh Út (Kiên Giang), hai hình thức trên sẽ bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa người ứng cử, bảo đảm công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử. Đây là những hình thức vận động bầu cử cơ bản qua áp dụng trên thực tế đã cho thấy hợp lý và hiệu quả. Việc bổ sung thêm các hình thức vận động bầu cử khác là không cần thiết.
Điều 68 dự thảo luật quy định: Các hành vi bị cấm khi thực hiện vận động bầu cử như không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử, không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Không sử dụng hoặc hứa, tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo mua chuộc cử tri.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, những quy định cấm này chưa chặt chẽ. Để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong vận động bầu cử, đại biểu Mai đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm quy định: “Từ khi được công bố làm ứng cử viên bầu vào đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các ứng cử viên không tham gia bất kỳ chương trình từ thiện nào”.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) cho rằng bốn loại hành vi bị cấm trong dự thảo còn chung chung, khó có thể đánh giá có vi phạm pháp luật về vận động bầu cử hay không. Đại biểu Thắm đề nghị bổ sung vào quy định cấm sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, tài sản, kinh phí, cơ sở vật chất của cơ quan, của đơn vị, tổ chức mình để thực hiện tranh cử.
Theo đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam), quy định không sử dụng hoặc hứa, tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo mua chuộc cử tri chưa đầy đủ, cần phải quy định cụ thể hơn là trong thời gian vận động bầu cử, nghiêm cấm ứng cử viên, người thân là bố, mẹ, vợ, chồng, con cái của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân sử dụng tiền, tài sản, vật chất khác, tình cảm để vận động bầu cử dưới bất cứ hình thức nào. Nếu vi phạm thì phải có quy định chế tài xử lý. Đây là quy định bắt buộc để tránh mọi sơ hở, tiêu cực trong quá trình vận động bầu cử.
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ 35% khó khả thi?
Vấn đề tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu dân tộc thiểu số trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân được nhiều đại biểu đề cập thảo luận trong phiên thảo luận.
Thực tế cho thấy, đã ba nhiệm kỳ liền tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội không đạt được chỉ tiêu 30% và còn giảm dần: Khóa 11 là 27,2%, khóa 12 là 25,7% và khóa 13 chỉ còn 24,4%. Nhiệm kỳ khóa 12 có 27/64 tỉnh, thành đạt tỷ lệ trên 30% đại biểu nữ và có 2 địa phương là không có nữ đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ khóa 13 có 21 tỉnh đạt trên 30%, trong đó thậm chí có những tỉnh đạt tới 50% và có 3 tỉnh không có nữ đại biểu Quốc hội.
Trong khi bình quân tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội từ năm 1997-2014 thế giới tăng từ 12,1% lên 21,9% thì Việt Nam giảm đều. Theo đó, thứ hạng của Việt Nam cũng đã giảm từ thứ 8 trên thế giới xuống thứ 55, từ chỗ dẫn đầu ASEAN bây giờ đứng thứ 5/11.
Đưa ra con số này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cùng rất nhiều đại biểu Quốc hội khác thể hiện sự đồng tình khi dự thảo luật đã đưa ra con số cụ thể tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội chiếm ít nhất 35%, thay vì từ “thích đáng” trong luật hiện hành.
Nhưng để đạt được tỷ lệ này, nhiều đại biểu cũng cho rằng là rất khó. Thực tế có tỉnh 60% người trong danh sách bầu cử là nữ, nhưng trúng chỉ có 16%. Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị thêm chữ "đảm bảo” vào cụm từ “ít nhất là 35% tổng số ứng cử viên đại biểu Quốc hội là nữ".
Để đạt được tỷ lệ trên, đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) cho rằng, cần phải giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội là người dân tộc, phụ nữ thật tiêu biểu.
Với đại biểu Hội đồng nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn với quy định tại khoản 1, điều 9: "số lượng thích đáng đối với người ứng cử là nữ, người ứng cử là dân tộc thiểu số". Quy định mang tính định tính này sẽ gây khó khăn cho các cấp trong quá trình triển khai thực hiện. Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị nên quy định ngay trong dự luật tỷ lệ % số lượng người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là nữ, dân tộc thiểu số giống như quy định tại Điều 8 đối với đại biểu Quốc hội của dự thảo luật lần này.
Các cụm từ chung chung "đại biểu thích đáng", "số lượng thích đáng" đang được dùng tại Khoản 3, Điều 7; Khoản 1, Khoản 2, Điều 9 của dự thảo luật này cũng bị đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và một số đại biểu khác đề nghị cần sửa nhằm đảm bảo việc thực hiện được thống nhất khi luật có hiệu lực.
“Khó xác định tỷ lệ thích đáng là tỷ lệ bao nhiêu phần trăm. Đề nghị nên quy định cụ thể dự thảo luật về cơ cấu, thành phần, tỷ lệ phân bổ đại biểu nữ, dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử và người trẻ tuổi” đại biểu Nguyễn Văn Minh nói.
Tiêu chuẩn nào thích hợp để chọn đại biểu khi ngang phiếu?
Về nguyên tắc xác định người trúng cử, tại Khoản 4, Điều 78 dự thảo quy định trường hợp cuối danh sách trúng cử, có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị được bầu thì nhiều tuổi hơn là người trúng cử.
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Âu Thị Mai… đề nghị cân nhắc quy định này, vì thực tiễn đặt ra nếu có trường hợp cả hai người có số phiếu bằng nhau và tuổi bằng nhau thì việc xác định người trúng cử như thế nào? Theo đó, để xác định người trúng cử khi có số phiếu bằng nhau thì cần phải xem xét đến nhiều tiêu chí để ưu tiên như độ tuổi, trình độ học vấn theo ngành, theo lĩnh vực có kinh nghiệm công tác và nên giao cho Ủy ban Bầu cử xem xét, quyết định, để bảo đảm sự chặt chẽ, bao quát và dễ xử lý khi tình huống xảy ra.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Minh đề nghị Ban soạn thảo cần giải thích rõ cơ sở nào để chọn người lớn tuổi hơn nếu ngang phiếu. Theo đại biểu này, nên quy định theo hướng chọn người trúng cử có trình độ năng lực cao hơn thay cho việc chọn người có độ tuổi cao hơn trong trường hợp phiếu bằng nhau. Nếu hai người bằng phiếu nhau thì sẽ ưu tiên cho phụ nữ trúng cử.
Tại Khoản 1 điều 7 dự thảo quy định: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Theo đại biểu Nông Thị Lâm (Lạng Sơn), quy định này khó khả thi. Hiện nay, một số tỉnh ở địa phương chỉ có 2 đại biểu, không có đại biểu chuyên trách. Vì sau khi trúng cử, một thời gian hoạt động tại địa phương, Trung ương có quyết định điều chuyển đại biểu về làm đại biểu chuyên trách ở Trung ương. Đại biểu này đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu kỹ, tính toán và có quy hoạch cụ thể những đại biểu chuyên trách ở Trung ương và những đại biểu ở địa phương để bảo đảm cho quyền lợi cử tri đã bầu ra mình.
Thực tế Quốc hội nước ta mấy khóa gần đây mỗi khóa chỉ có khoảng 27% đại biểu tái cử, riêng khóa 13 này có 33,4% tỷ lệ tái cử. Có đoàn sang khóa mới không có đại biểu nào tái cử. Theo đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), với xu hướng tăng đại biểu hoạt động chuyên trách, cũng như tăng dần tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội thì cần thiết phải tăng tỷ lệ đại biểu tái cử. Ông đề nghị nên quy định “khoảng 40% đại biểu tái cử" và mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, trong đó có ít nhất một đại biểu tái cử.
Trong nhiệm kỳ khóa 13, trình độ đại học và trên đại học của đại biểu Quốc hội là 98,2%. Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm đề nghị tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội phải quy định cụ thể là có trình độ đại học trở lên. Theo đó, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải cao hơn đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện.
Đại biểu Lê Thị Yến còn băn khoăn về tuổi bầu cử và đề nghị cần làm rõ việc đủ 18 tuổi được tính từ thời điểm nào để công dân không mất quyền bầu cử. Đại biểu này đề xuất thêm cụm từ "tính đến ngày bầu cử" vào trước Khoản 1, Điều 29 để thành "Tính đến ngày bầu cử mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 30 của luật này".
Dự kiến, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng ngày 25-6.
Theo Nhân dân