.

Chú trọng phát triển đội ngũ

.

Trong 40 năm qua, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) và các trường thành viên đã đào tạo cho đất nước hàng chục vạn chuyên gia kỹ thuật - công nghệ, các nhà quản lý kinh tế, quản lý giáo dục, các nhà sư phạm và chuyên gia ngoại ngữ.

PGS, TS Võ Thị Thúy Anh cùng với các nhà khoa học Trường Đại học Kinh doanh Miller, Hoa Kỳ.
PGS, TS Võ Thị Thúy Anh cùng với các nhà khoa học Trường Đại học Kinh doanh Miller, Hoa Kỳ.

Nhiều tài năng được học tập và rèn luyện ở ĐHĐN đã và đang là những người thành đạt, giữ vai trò chủ chốt ở các địa phương, doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn lực ngày càng lớn mạnh

ĐHĐN hiện có 2.286 cán bộ, viên chức, với 1.455 giảng viên, chiếm 63,4%. Trong đó, có 7 GS, 70 PGS, 320 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ; lực lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt 22%; các nhà khoa học là GS và PGS chiếm 5,3% lực lượng giảng viên. Số giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên đạt trên 87,8%; 65% giảng viên dưới 40 tuổi. Hiện nay, ĐHĐN có trên 250 tiến sĩ dưới 45 tuổi, phần lớn mới được đào tạo trong khoảng 5 năm gần đây từ các nước công nghiệp phát triển.  

Với số lượng cán bộ, viên chức nữ chiếm trên 50%, Đảng bộ ĐHĐN nhận thức rất rõ vai trò của cán bộ nữ. Quá trình phát triển cán bộ nữ được thực hiện bắt đầu từ chủ trương đến khâu phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng và đề bạt các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nữ. Nhờ vậy, tất cả trường thành viên hiện có cán bộ lãnh đạo là nữ; nhiều nhà nghiên cứu nữ giữ vai trò chủ chốt trong các khoa, bộ môn, các nhóm nghiên cứu giảng dạy.

Theo đó, chất lượng và số lượng cán bộ, giảng viên của ĐHĐN tăng mạnh. So với năm 2010, hiện nay, ĐHĐN có thêm 5 GS, 34 PGS. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 9% (từ 13% năm 2010 lên 22% năm 2015); giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên tăng 31%. Nhiều khoa chủ lực có tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên rất cao.

Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa, khoa Công nghệ nhiệt- điện lạnh 41,7% lực lượng cán bộ, viên chức có trình độ tiến sĩ trở lên; khoa Hóa 36,6%; khoa Công nghệ thông tin 36,7%; khoa Điện 70,2%. Trường ĐH Kinh tế, khoa Tài chính 41,7%, khoa Marketing 57,1%, khoa Quản trị kinh doanh 33,3%... Các khoa này tạo năng lực căn bản giúp ĐHĐN phát triển các lĩnh vực mũi nhọn theo định hướng đại học nghiên cứu.

Tạo môi trường hội nhập và nghiên cứu

Giảng viên ĐHĐN có nhiều cơ hội để học tập và phát triển tài năng. Đây là niềm tự hào của cán bộ, viên chức ĐHĐN. Trong khoảng từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm có 428 cán bộ, viên chức được đi học tập và bồi dưỡng, tương ứng cứ 4 giảng viên thì có hơn 1 người đi học tập; và trong số những người đi học thì có trên 90% học tập và bồi dưỡng ở các nước phát triển như: Nhật Bản, Pháp, Anh, Úc, Mỹ…

Đảng ủy ĐHĐN khuyến khích, động viên các giảng viên trẻ học tập ở nước ngoài. Nhiều cán bộ, giảng viên trẻ được hưởng lợi từ những chính sách nhất quán của ĐHĐN đã có cơ hội phát triển tài năng, như trường hợp của Tiến sĩ Đinh Bá Khương (Trường ĐH Bách khoa) đang thực tập sau tiến sĩ ở Center for Quantum and Optical Science Swinburne University of Technology (Úc). Tiến sĩ Khương có 16 bài báo quốc tế, trong đó có 13 bài trong danh mục ISI; đặc biệt năm nay có một bài trong tạp chí hàng đầu về công nghệ Nature Communications.

Còn trường hợp Tiến sĩ Trần Lực Sỹ, xuất thân từ cậu học sinh nghèo, học trung cấp ở Trường CĐ Công nghệ ngành Động lực, được đi nghiên cứu sinh ở Pháp, nhận bằng tiến sĩ và đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường ĐH Bielefeld (Đức)…

Đây là hai trong số rất nhiều tài năng ở ĐHĐN. Ngoài ra, ĐHĐN đang dành một nguồn lực không nhỏ thành lập quỹ hỗ trợ các giảng viên trẻ trong nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tham gia các chương trình bồi dưỡng. Những quan tâm thiết thực của lãnh đạo ĐHĐN đã góp phần tạo hiệu ứng tốt trong việc thu hút nhiều tài năng trẻ muốn đến làm việc tại ĐHĐN. Những quan tâm về thu nhận cán bộ, giảng viên là nét đẹp thể hiện tính nhân văn, một biểu hiện về sự ưu việt của một trường đại học vùng trọng điểm quốc gia.  

ĐHĐN cũng quan tâm nhiều hơn vấn đề cải thiện môi trường làm việc, phát huy trí tuệ và tài năng của từng người. Việc ra đời 27 nhóm nghiên cứu giảng dạy TRT là một ví dụ điển hình. Các nhóm nghiên cứu giảng dạy đang phát triển theo hướng quy tụ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, cộng tác nhiều thế hệ khác nhau để làm ra các sản phẩm khoa học - công nghệ.

Các trường thành viên đã định hướng nhiều hơn công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dành 1/3 tổng quỹ thời gian để nghiên cứu khoa học, các tiêu chí đánh giá giảng viên ngày nay cũng định hướng toàn diện hơn lấy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ làm trọng tâm.

Hướng đến nhiệm kỳ mới 2015-2020, Đảng ủy ĐHĐN đề ra mục tiêu tiếp tục làm tốt hơn việc khai thác yếu tố con người, xem đây là nguồn lực căn bản để phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, phù hợp với thế kỷ 21 - kỷ nguyên về tri thức và khoa học công nghệ; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho Đà Nẵng, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

P.V

;
.
.
.
.
.