.

Công khai ngân sách Nhà nước

.

* Cần bảo đảm tính mạng người bị tạm giữ, tạm giam

Chiều 2-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam.

Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì tổ thảo luận số 5 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Gia Lai, Bắc Cạn, Trà Vinh.

Về Luật Tạm giữ, tạm giam, Trung tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cơ bản nhất trí với 6 nội dung tại khoản 1 Điều 9 về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam và ba nội dung tại khoản 2 Điều 9 về nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ hơn quyền con người để bổ sung vào quyền của người bị tạm giữ, tạm giam. ĐB đề nghị cần chỉnh sửa lại điểm a khoản 1 Điều 9 theo hướng, người bị tạm giữ, tạm giam được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Vì thực tế thời gian qua tại các trại tạm giữ, tạm giam có xảy ra tình trạng chém giết lẫn nhau, ép cung, dùng nhục hình dẫn đến chết, hoặc do quản lý không tốt dẫn đến tự tử.

Do đó, cần bảo đảm tính mạng người bị tạm giữ, tạm giam. ĐB đề nghị bỏ khoản 6 Điều 12, vì tổ chức bộ máy của trại tạm giữ, tạm giam Công an, Quân đội đã được quy định tại các luật về sĩ quan Quân đội nhân dân, Luật Công an nhân dân nên không cần thiết đưa vào luật này nhằm tránh chồng chéo không cần thiết.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần ghi rõ trong luật người bị tạm giữ, tạm giam bị hạn chế quyền gì, còn những quyền khác không bị luật hạn chế thì họ có quyền được hưởng. ĐB đề nghị cần phân biệt rõ quyền lợi, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam phải khác với người đang thi hành án hình sự.

* Sáng cùng ngày, tham gia thảo luận ở hội trường về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, nội dung Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) gắn với nội dung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, do đó trong Luật NSNN cần bổ sung, làm rõ vấn đề phân quyền, phân cấp ngân sách, mối quan hệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, bảo đảm Hội đồng nhân dân có thực quyền trong việc quyết định ngân sách địa phương trong phạm vi được phân quyền.

Theo ĐB, trong khi còn duy trì tính chất ngân sách Nhà nước lồng ghép, nhưng trong phạm vi có thể cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền. Do tính chất lồng ghép của hệ thống NSNN nên nhiều chỉ tiêu thu, chi của ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định.

Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu, chi, lập dự toán tích cực mà thường xuyên có xu hướng lập dự toán thu thấp, dự toán chi cao để được nhận hỗ trợ nhiều hơn. Trên thực tế, chính quyền địa phương mới chỉ được giao quyền về tổ chức thực hiện chi ngân sách còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Trung ương.

ĐB đề nghị các khoản phí, lệ phí do cơ quan hành chính Nhà nước thu phải nộp vào NSNN 100% và NSNN bảo đảm kinh phí hoạt động cho các cơ quan này. Các khoản phí, lệ phí gắn với dịch vụ công do các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp công ích cung cấp như học phí, viện phí... thì được để lại đơn vị hoặc chuyển sang giá dịch vụ không xem là phí.

ĐB cho rằng, khoản 8 Điều 9 quy định sau kỳ ổn định phải tăng tỷ lệ điều tiết về ngân sách cấp trên và giảm số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới là chưa hợp lý và không khả thi. Do trong thực tế, số thu của các địa phương tuy có tăng nhưng mức tăng khác nhau tùy thuộc vào tình hình kinh tế của địa phương. Mặt khác, nhu cầu chi tăng nhanh hằng năm do thực tế thực hiện thêm nhiều chế độ, chính sách mới, nhất là chính sách liên quan đến con người, tiền lương, bảo hiểm y tế, chính sách với những người nghèo...

Theo ĐB, việc quy định nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ thu, chi, quan hệ giữa các cấp chưa thay đổi so với luật hiện hành. Nguyên tắc sau mỗi kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng từ cân đối phát triển ngân sách địa phương, thực hiện tăng dần tỷ lệ điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu đi kèm với cơ chế phân cấp. Về năng lực phát triển của từng địa phương, nếu áp dụng một cách cào bằng sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển của nhiều thành phố lớn. Mặt khác, nếu không có nguyên tắc xác định, cơ sở ấn định tỷ lệ điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên, sẽ dẫn đến cơ chế xin - cho giữa Trung ương và địa phương.

ĐB nhất trí bổ sung quy định các cấp ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách, bổ sung quyết toán khi công khai dự toán. Ngân sách các cấp, các đơn vị sử dụng ngân sách dự toán cần phải kèm theo báo cáo thuyết minh công khai kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, công khai các thủ tục NSNN, giám sát việc thực hiện ngân sách Nhà nước của cộng đồng.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.