Chính trị - Xã hội

Công trường là "người thầy" tốt nhất

08:14, 30/06/2015 (GMT+7)

Tốt nghiệp đại học tháng 7-2003, kỹ sư trẻ Lê Văn Dũng về làm việc tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính, thuộc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng.

Kỹ sư Lê Văn Dũng (bên phải)
Kỹ sư Lê Văn Dũng (bên phải)

Là kỹ sư mới ra trường về làm việc tại một trong những đơn vị chủ lực của ngành giao thông thành phố, mỗi năm đảm nhận hàng chục công trình giao thông quan trọng là một áp lực không nhỏ đối với Dũng.

“Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, tôi đã tâm niệm cố gắng để lĩnh hội thật nhiều kiến thức từ nhà trường để sau này ra trường bớt bỡ ngỡ, vậy mà những ngày trên công trường tôi vẫn thấy căng thẳng. Trên công trường có quá nhiều cái mới, quá nhiều thử thách và cũng có rất nhiều điều tác động đến tâm lý. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, tôi đã biến những thử thách thành kiến thức riêng cho mình”, kỹ sư Lê Văn Dũng bộc bạch. Bất cứ ở nhiệm vụ nào được giao, anh cũng sẵn sàng tiếp nhận với tinh thần học hỏi rất cao.

Từ công trình đường Như Nguyệt, đường 30 Tháng 4, Bến xe trung tâm thành phố, rồi đến những cây cầu độc đáo tạo nên điểm nhấn trên sông Hàn như cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý… hay nút giao thông ngã ba Huế..., ở đâu kỹ sư trẻ Lê Văn Dũng vẫn cần cù, say sưa làm việc, và trên hết là tinh thần cầu thị muốn tiếp cận và làm chủ công nghệ mới trong xây dựng cầu đường.

Trong mắt rất nhiều đồng nghiệp đã quen thuộc với một kỹ sư trẻ dáng người thư sinh, nhưng lại rất bền bỉ trong công việc Lê Văn Dũng. Nhiều lúc, sáng sớm khi công nhân chưa vào ca, anh đã có mặt tại công trường, và anh cũng là người thường xuyên rời công trường cuối cùng. Đặc biệt, ở những công trình có công nghệ mới như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, thời gian trên công trường của anh mỗi ngày càng kéo dài thêm ra.

Thậm chí có lúc lãnh đạo sở cũng đã nhắc nhở nên  giữ gìn sức khỏe, thế nhưng bao giờ anh đáp lại là nụ cười tươi và nói “em học thôi mà”. Chính nhờ sự “học” đó mà trong các buổi giao ban kỹ thuật ở công trình, với vai trò là giám sát kỹ thuật anh luôn có những ý kiến xác đáng làm lợi rất nhiều cho công trình.

Từ sự cố gắng và đóng góp vào thành quả chung của ngành, anh được lãnh đạo bổ nhiệm vào các vị trí từ Phó phòng lên Trưởng phòng Kế hoạch-kỹ thuật của Ban, rồi Phó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính. Và mới đây anh được điều về công tác tại Phòng Giám định và quản lý chất lượng công trình. Đây được xem là một bước tiến trong nghề nghiệp, nhưng cũng là áp lực không nhỏ khi phải làm người “gác cửa” kỹ thuật tất cả các công trình giao thông do sở quản lý.

Dù rất bận rộn với công tác chuyên môn, nhưng kỹ sư trẻ Lê Văn Dũng cũng là “tay” sinh hoạt phong trào rất năng nổ trong vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên của Sở GTVT Đà Nẵng. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết của mình, anh cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn luôn chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn ngày càng vững mạnh; quy tụ, đoàn kết được thanh niên trong toàn sở; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động thanh niên ra sức thi đua, luyện đức, luyện tài, nâng cao bản lĩnh chính trị, hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng thanh niên Sở GTVT Đà Nẵng có “Tâm trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn”.

Nhờ vậy, trong 5 năm qua đơn vị luôn được đánh giá xếp loại thi đua xuất sắc, được Đoàn khối Các cơ quan thành phố tặng “Cờ thi đua đơn vị xuất sắc” nhiều năm liền, được Thành Đoàn tặng giấy khen, “Cờ thi đua đơn vị xuất sắc” 3 năm liền (2009-2011); năm 2010 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen đơn vị xuất sắc; năm 2014 được UBND thành phố tặng Bằng khen đơn vị xuất sắc trong phong trào 3 hơn “Nhanh hơn - Hợp lý hơn - Thân thiện hơn”, được Đoàn khối Các cơ quan thành phố tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong toàn Khối năm 2014.

Tất cả đều có dấu ấn rất lớn từ kỹ sư-Bí thư Đoàn Lê Văn Dũng. Tuy nhiên khi “bật mí” về thành công của mình thì bao giờ anh cũng nói đơn giản “tôi xem công trình là “người thầy” tốt nhất để mình học tập và rèn luyện.

Bài và ảnh: T.S

.