Cùng với các đồng nghiệp hoạt động báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đội ngũ những người làm báo thuộc Chi hội Báo Công an Đà Nẵng đã không nề hà gian khổ, khó khăn, kịp thời có mặt tại các điểm nóng để phản ánh trung thực các sự kiện, các vấn đề thời sự đến với bạn đọc. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các hội viên luôn luôn ý thức trách nhiệm của người làm báo, luôn dấn thân với nghề.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Tổng Biên tập Báo Công an Đà Nẵng, thăm và trao quà cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện. |
Đối với người làm báo, nhận thức và bản lĩnh chính trị đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính nhân cách, phẩm chất đạo đức của người làm báo tạo nên uy tín cho nghề nghiệp, cho bản thân và cho đơn vị đang công tác. Quy định đạo đức của người làm báo ghi rõ: “Sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác”. Có thể nói, thời gian qua, những vi phạm liên quan đến việc khai thác và xử lý thông tin, phần nhiều do đạo đức của người làm báo trong quá trình tác nghiệp mà nên. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu tập trung 3 nguyên nhân sau: Sự non kém về chính trị, yếu kém về nghiệp vụ và chạy theo lợi nhuận kinh tế.
So với thập niên 90 của thế kỷ 20 về trước, người làm báo của những năm đầu thập niên thế kỷ 21 đang phải đối mặt trước một thách thức không nhỏ về sự nhìn nhận thiếu thiện cảm của xã hội đối với nghề báo. Nếu như trước đây, báo chí đi đến đâu cũng được mọi người chào đón với thái độ trân trọng thật sự, thì nay không ít người làm báo có tâm huyết với nghề cảm thấy nản lòng, không muốn dấn thân bởi họ cảm nhận nghề mà mình đang theo đuổi đang bị “coi thường sau lưng”. Nếu trước đây chỉ là hiện tượng “một con sâu làm rầu nồi canh”, thì nay, hiện tượng này có xu hướng phổ biến hơn, làm ảnh hưởng đến uy tín của người làm báo và nghề báo. Mức độ vi phạm cũng như tính chất vụ việc vi phạm liên quan đến đạo đức trong tác nghiệp báo chí cũng nặng nề hơn trước.
Trong nhiều nguyên nhân khiến xã hội hiện nay ít nhiều không còn trọng vọng, xem nghề báo và những người làm báo “vừa là nhân chứng, vừa là thư ký của thời đại” như trước đây nữa, thì nguyên nhân cốt lõi vẫn là do trong quá trình tác nghiệp, một số người làm báo đã không thực hiện đúng quy định về đạo đức của người làm báo. Đơn cử, nhiều đơn vị tổ chức sự kiện như khai trương, khánh thành… đã nhiều lần rơi vào tình trạng “bị động”, lúng túng do phóng viên - nhà báo đến quá đông, ngoài dự kiến. Hiện tượng nhà báo dỏm, giả danh hoặc những nhà báo thiếu phẩm chất đạo đức, thiếu lòng tự trọng, vì cái lợi trước mắt, quên đi danh dự, trách nhiệm của người làm báo xuất hiện ngày một nhiều trong đời sống báo chí hiện đại. Có thể nói, chưa bao giờ mức độ vi phạm về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí lại khiến những người có tâm huyết với nghề cảm thấy đau lòng như hiện nay.
Thời đại thông tin bùng nổ gây áp lực không nhỏ đối với người làm báo, đặt ra cho họ những thách thức, đòi hỏi phải nhanh, nhạy, kịp thời. Sự cạnh tranh thông tin cùng những cám dỗ trong đời sống cơ chế thị trường, nếu không có bản lĩnh vững vàng, người làm báo rất dễ bị sa ngã. Không ít người làm báo trở thành “thân cận”, “tay viết thuê” của một số cá nhân, doanh nghiệp, viết theo tôn chỉ, mục đích của lợi ích nhóm, quên đi trách nhiệm thực sự của người làm báo, dẫn đến vi phạm trong “đạo đức trong khai thác và xử lý thông tin”, cung cấp thông tin cho độc giả sai sự thật, hoặc phiến diện, một chiều…
Hiện tượng một số nhà báo suốt ngày chỉ biết đi “đánh hơi” các sai phạm của một đơn vị, doanh nghiệp nào đó để đến hù dọa hòng kiếm chác, hay mượn danh nhà báo để xin xỏ trong giới báo chí xem ra không còn hiếm. Chính những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức của nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã làm “mất điểm”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nghề báo.
Sự “xuống cấp” về mặt đạo đức của một bộ phận không còn nhỏ trong làng báo còn phải kể đến nguyên nhân từ công tác quản lý của cơ quan chủ quản trực tiếp. Cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt được, công tác quản lý báo chí hiện còn tồn tại một số bất cập đáng quan ngại. Có không ít nhà báo có thẻ nhà báo nhưng lại không được người trong giới công nhận. Có người không công tác trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có tên trong danh sách hội viên hội nhà báo, có thẻ hẳn hoi… Dù số này không nhiều, nhưng chính sự quản lý không chặt chẽ ấy là một trong những nguyên nhân làm mất uy tín báo chí. Mặt khác, các trường đào tạo chuyên ngành báo chí chưa, hoặc ít chú trọng việc giáo dục đạo đức cho người làm báo trong quá trình tác nghiệp. Tất cả những vi phạm trong khai thác và xử lý thông tin đều bắt nguồn từ đạo đức của nhà báo trong quá trình tác nghiệp mà nên.
Hơn ai hết, người làm báo muốn làm tròn trọng trách của mình thì phải hiểu giá trị của thông tin mà mình đưa đến cho độc giả. Đằng sau những thông tin đó còn là lòng tự trọng với nghề. Giữ được lòng tự trọng với nghề cũng chính là giữ cho mình sống lành mạnh, giữ phẩm chất trong sáng để không sa ngã. Đồng thời, bất luận vì lý do gì, nếu không giữ cho mình nhiệt huyết, niềm đam mê thực sự với nghề, người làm báo cũng không tránh khỏi những sai sót cũng như khuyết điểm. Xin được mượn lời của nhà báo lão thành cách mạng Hà Đăng để kết thúc phần tham luận của mình rằng: “Đạo đức của người làm báo cốt yếu cũng bởi sự trung thực và sự trung thành”.
PHAN THỦY (Báo Công an Đà Nẵng)