Ngày nhỏ, ở quê, biết đến một tờ báo được coi là “xa xỉ”, nhất là với chúng tôi, những học sinh nghèo, một buổi học, một buổi làm, đến tiền mua cặp sách còn khó huống chi là mua một tờ báo để đọc.
Tác giả (phải) tác nghiệp với người dân ở “rốn lũ” Lệ Thủy, Quảng Bình. |
Cũng có lẽ vì vậy mà mỗi lần đứa bạn nào mang đến lớp 1 tờ báo, dù là báo cũ, chúng tôi cũng tụm năm tụm bảy ngấu nghiến đọc. Tờ báo đến được tay của chúng tôi khó vậy, nhưng lũ học trò hồi đó ai cũng mê đọc và viết.
1-
Tôi bắt đầu “tập tễnh” viết ngay từ những ngày còn cắp sách đến trường. Hồi đầu, tôi chỉ viết mấy bài tản văn nhỏ về trường lớp nơi tôi học, sau, có cuộc thi viết nào trên báo “Hoa học trò” hay “Mực tím”, tôi cũng tham gia gửi tác phẩm dự thi. Hồi đó, bọn học trò chúng tôi thường xuyên sử dụng thư viết tay, và mỗi lần nghe bác đưa thư đọc đến tên mình, ai trong số bọn tôi cũng háo hức, nhất là khi đang nóng lòng muốn xem “đứa con tinh thần” của mình “ra đời” như thế nào. Đó là niềm vui sướng nhất của quãng đời những học trò nghèo như tôi có được.
Kết thúc lớp 12, trường tôi tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, tôi quyết định chọn thi vào ngành Báo chí của Trường ĐH Khoa học Huế.
2-
Giấy báo đỗ về cho gia đình tôi (lúc này tôi đỗ 2 ngành sư phạm và báo chí), tôi lại phải đứng giữa “2 dòng nước”: Một bên là bố mẹ khuyên tôi nên chọn ngành sư phạm, 1 bên là khao khát cá nhân đi tìm sự công bằng xã hội thông qua con đường báo chí. Và cuối cùng, phải vất vả thuyết phục lắm tôi mới được bố mẹ “miễn cưỡng” đồng ý cho đi theo ngành mình lựa chọn.
Rời Quảng Bình vào Huế học đại học, tôi một mình vừa làm thêm, vừa học, vừa viết bài cộng tác cho các báo Tiền Phong, Thừa Thiên-Huế, Áo trắng… để kiếm tiền nhuận bút trang trải cuộc sống và học cách bước vào nghề. Tôi nhận thấy nghề này thật đỗi cam go, đã có lúc tôi phải “đơn độc” tác nghiệp và khóc khi sợ mình nhụt chí trước khó khăn. Tôi nhớ lần đầu tiên cùng nhóm bạn trong lớp đi tác nghiệp tại Bệnh viện Tâm thần ở Kim Long. Ở đó, chúng tôi gặp phải sự cản trở của những người quản lý bệnh viện, thậm chí là ngay những người chúng tôi đến viết (họ là những người có vấn đề về tâm thần).
Nhưng rồi, bằng mọi cách tiếp cận, chúng tôi đã có được bài viết đầu tay theo thể loại phóng sự. Rồi từ bài báo ấy, chúng tôi tiếp tục đi viết ở những vùng bão lũ và rừng núi thượng nguồn sông Hương. Ở đây, việc lấy tư liệu viết bài đã khó (vì chúng tôi không có giấy giới thiệu mà chỉ là sinh viên báo chí), nhưng khó hơn nữa là nhóm chúng tôi ai cũng bị say xe. Vì vậy, mỗi lần đi xa bằng ô-tô viết bài là như mỗi lần “tra tấn”.
Còn nữa, việc viết bài với chúng tôi hồi đầu trở nên khó khăn, với một “mớ” thông tin hỗn độn thu thập được, chúng tôi không biết sắp xếp thế nào để thành bài viết hay. Rồi, không có máy vi tính, mỗi lần có đề tài, bọn chúng tôi lại “dè sẻn” ít tiền bố mẹ gửi vào để ra ngồi tiệm Internet “lộc cộc” gõ bài. Có những bài vì chưa viết quen nên mất hàng tuần vừa học vừa làm chúng tôi mới hoàn thành. Lâu dần, đi miết, chứng say xe cũng giảm hẳn, việc viết bài cũng đỡ “hì hụi” hơn. Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng hồi đó, ngoài giờ học, lúc rảnh, chúng tôi chỉ muốn đi và viết.
3-
Ra trường, tôi may mắn hơn nhiều bạn cùng lớp là đã có việc làm chỉ sau gần 2 tháng. Đi làm, tôi mới “thấm” được sự vất vả, gian truân của nó, nhất là với phóng viên nữ như tôi khi đã có gia đình, con cái. Có những lúc vì tin tức nóng mà phải đi làm sớm khi con chưa thức giấc, có lúc phải làm qua trưa, cũng có khi tối về quá muộn khi con đã ngủ.
Nghề báo áp lực vậy, nên không ít bạn bè cùng lớp - người vì gia đình, hoặc vì sức khỏe không bảo đảm… phải bỏ nghề báo để đến với một nghề khác đỡ áp lực hơn như truyền thông, biên tập cho trang thông tin điện tử, hay làm ở một tạp chí nào đó. Còn với tôi, tôi vẫn chọn nghề báo, cho dù sau này cuộc sống có khó khăn như thế nào đi nữa, bởi lẽ, đó là mơ ước, là khát khao cháy bỏng trong tôi…
Thanh Tình