.

Gia đình văn hóa với mô hình ít con

.

Trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, nội dung thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là một trong những tiêu chí quan trọng và là một trong những nhiệm vụ không thể tách rời với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các ngành, đoàn thể phối hợp xây dựng gia đình văn hóa với mô hình ít con. Trong đó, nhân tố quyết định rất lớn đến thành công là công tác truyền thông, vận động để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, hộ gia đình sinh con một bề.

Tư vấn nhóm tại cộng đồng về kế hoạch hóa gia đình.
Tư vấn nhóm tại cộng đồng về kế hoạch hóa gia đình.

Ý thức việc đông con sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, nên vợ chồng anh Trần Văn Cứ (tổ 61, phường Thanh Khê Đông) sinh “chỉ hai là đủ”. Vợ chồng anh Cứ cho rằng, nuôi dạy con là chuyện quan trọng. Vì vậy, khi có hai con, vợ chồng anh có nhiều thời gian uốn nắn, bảo ban con. Hai vợ chồng quyết tâm thực hiện tốt KHHGĐ và dừng lại ở hai con. Hai con của anh rất ngoan, yêu thương nhau và hiếu thảo với cha mẹ.

Hiện người con đầu học Trường Đại học Thương mại, con út học lớp 8. Anh Cứ chia sẻ: “Tôi thấy dù trai hay gái cũng nên dừng ở 2 con. Tôi thường xuyên đi biển dài ngày, chỉ còn mình vợ ở nhà nhưng chúng tôi nuôi dạy con rất tốt”.

Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế cũng dừng lại ở 1 hoặc 2 con và họ cho rằng nuôi con là chuyện quan trọng, nhưng dạy con là chuyện quan trọng gấp bội phần. Gia đình ít con sẽ có điều kiện gần gũi, dễ nắm bắt tâm lý con mà uốn nắn, định hướng kịp thời. Bởi vậy, các gia đình nên sinh 2 con để vừa có điều kiện chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vừa nuôi dạy con đến nơi đến chốn.

Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Ngô Ngọc Dũng (thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Việc không sinh con thứ ba là một điều kiện tốt để tập trung làm kinh tế, chăm lo cho con cái ăn học, mạnh khỏe. Nếu mình không tạo điều kiện cho con cái ăn học, công việc không ổn định thì không chỉ khổ cho gia đình mà còn là gánh nặng cho xã hội”. Được biết, vợ chồng anh Dũng có 2 con gái, đều vào đại học. Gia đình anh chị là gia đình văn hóa điển hình.

Chị Ngô Thị Nga, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Tiến, cho biết công tác tuyên truyền, vận động người dân ở xã này không phải không gặp những khó khăn nhưng tỷ lệ sinh 3 trở lên giảm, người dân đã chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Song, các cán bộ dân số cũng phải thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và làm tốt công tác dân số thì mới mang lại hiệu quả lâu dài.

Trong những năm qua, việc xây dựng gia đình văn hóa gắn với thực hiện KHHGĐ trên địa bàn thành phố đã đạt những kết quả khả quan. Quan tâm, chăm lo công tác dân số, gia đình là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy xã hội phồn vinh, đất nước phát triển.

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

;
.
.
.
.
.