.

Giữ nguyên thẩm quyền xét xử án hành chính (*)

.

LTS: Sáng 23-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến; trong đó cơ bản nhất trí báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về dự thảo luật, đồng thời làm rõ thêm 3 vấn đề sau.

1. Về phân định thẩm quyền giữa Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh (Điều 33, Điều 34)

Theo quy định tại Điều 29, 30 Luật Tố tụng hành chính hiện hành, các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân (UBND), Chủ tịch UBND cấp huyện do Tòa án cấp huyện giải quyết. Tuy nhiên, dự thảo luật lại sửa đổi theo hướng giao thẩm quyền này cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết (khoản 4 Điều 34). Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại điều luật này bởi các lẽ sau:

- Quốc hội khóa XII thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2010 được khẳng định là bước tiến quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp, đáp ứng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế. Thực tiễn qua 4 năm thực hiện luật cho thấy đã từng bước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước pháp luật, thể hiện sự bình đẳng của công dân với các cơ quan hành chính Nhà nước.

Nay cho rằng, năng lực của các thẩm phán cấp huyện còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ án bị hủy cao nên cần sửa đổi Điều 29, 30 Luật Tố tụng hành chính hiện hành là không có tính thuyết phục, đi ngược lại lộ trình cải cách tư pháp đã được định hướng tại các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” về mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện.

Do đó, việc sửa đổi như trên là xây dựng luật theo hướng thụt lùi, không dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Đồng thời, qua khảo sát, hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có bản lĩnh, lập trường rõ ràng, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên không ngại xét xử các vụ án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp khi có vi phạm.

Việc án hành chính bị hủy theo thủ tục Giám đốc thẩm chiếm tỷ lệ cao hơn so với các loại án khác như giải trình của Ban soạn thảo là do một số thẩm phán cấp huyện, cấp tỉnh thiếu năng lực chứ không phải chỉ do thẩm phán cấp huyện lo sợ, né tránh. Điều này có nghĩa là năng lực của thẩm phán cấp tỉnh cũng cần phải đánh giá lại chứ không riêng gì thẩm phán cấp huyện.

Đây là vấn đề Quốc hội cần xem xét thấu đáo trước khi quyết định. Căn cứ Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế vừa qua, tôi đề nghị Quốc hội giữ nguyên thẩm quyền xét xử án hành chính của Tòa án cấp huyện như hiện nay. Có như thế mới tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án.

2. Việc ủy quyền trong tố tụng hành chính (Điều 60)

Điều 54 Luật Tố tụng hành chính hiện hành cho phép đương sự được ủy quyền. Do đó, một số thủ trưởng cơ quan Nhà nước khi bị kiện ra Tòa Hành chính không trực tiếp tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp dưới đến Tòa án tham gia tố tụng.

Vì vậy, người được ủy quyền không xác định được quyền và nghĩa vụ của mình mà chỉ đến Tòa án cho có lệ, vì thế thái độ đôi lúc không hợp tác khai báo, không cung cấp chứng cứ cần thiết, đồng thời cũng không có thẩm quyền quyết định, dẫn đến tình trạng kéo dài thời hạn xét xử và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến án quá hạn luật định…

Để khắc phục tình trạng ủy quyền tùy tiện như thời gian qua, tôi đề nghị luật cần quy định chặt chẽ theo hướng, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước chỉ được ủy quyền cho cấp phó, có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện, có chức năng quản lý về lĩnh vực mà người dân khởi kiện. Riêng đối với UBND các cấp thì Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên UBND cùng cấp.

Đồng thời, cần quy định chế tài đối với người tham gia tố tụng không chịu hợp tác, gây khó khăn, làm cho việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án kéo dài, quá hạn luật định. Đây là vấn đề cốt lõi, thể hiện sự công bằng giữa bên khởi kiện là người dân và bên bị kiện là người đại diện cho Nhà nước, đã ra Tòa là có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.

3. Thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (Chương XIX)

Đây vấn đề cực kỳ quan trọng, là thước đo đánh giá tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả trên thực tế các bản án, quyết định hành chính của Tòa án. Tuy nhiên, thời gian qua việc thi hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật trở nên vô cùng khó khăn, đặc biệt khi Tòa án tuyên hủy quyết định hành chính.  

Thực tế cho thấy, việc thi hành án hành chính chưa có luật quy định, chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nên trường hợp án có hiệu lực mà người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước không tự nguyện thi hành thì cơ quan Thi hành án dân sự cũng không đủ can đảm để thực hiện cưỡng chế thi hành. Đồng thời, hiện nay ở địa phương, thường thì Chủ tịch UBND là Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự, nếu UBND cùng cấp phải thi hành án thì tất yếu dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Do đó, người dân dù có thắng kiện cũng khó được đảm bảo quyền lợi theo đúng bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên và lại gửi đơn kêu cứu khắp nơi, gây mất lòng tin vào cán cân công lý.

Với tầm quan trọng như trên, nhưng Chương XIX dự thảo luật quy định về thủ tục thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhưng chưa chặt chẽ đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên sớm nghiên cứu xây dựng luật về thi hành án hành chính để bảo đảm cho bản án hành chính được thi hành nghiêm chỉnh.

Trước mắt cần tiếp tục rà soát, quy định ngay vào luật biện pháp cụ thể mang tính bắt buộc để bảo đảm thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án; nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải bắt buộc thi hành, kể cả phải chịu hình thức kỷ luật, cách chức, cho thôi việc và xử lý hình sự nếu cố tình không thi hành án. Có như vậy mới góp phần bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm kỷ cương, phép nước.


(*) Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt

;
.
.
.
.
.