Trẻ con thì biết gì, trẻ con chỉ cần nghe lời người lớn là đủ..., đó là quan niệm của không ít ông bố, bà mẹ hiện nay.
Việc chơi với con sẽ giúp bố mẹ hiểu và định hướng tốt cho con. |
Việc không hiểu con, không định hướng cho con đã dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Bởi vậy, Tháng hành động vì trẻ em năm nay lựa chọn chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” với mong muốn trẻ em được nói lên tiếng nói của mình, được lắng nghe.
Mẹ ơi, con muốn...
Luôn tự hào về con xinh xắn, học giỏi, chị Lan, mẹ của N.T.H. (16 tuổi, ở quận Hải Châu) té ngửa khi cô giáo bảo H. chán học, thường trốn tiết. Không chỉ vậy, về nhà, H. còn thường xuyên đánh em gái đến mức em phải đi cấp cứu tại bệnh viện. “Dù con học cấp III nhưng lúc nào tôi cũng coi nó còn bé bỏng; nó muốn gì có đó, đâu để nó thiếu thốn. Bình thường con rất ngoan, luôn nghe lời bố mẹ. Không hiểu sao lại xảy ra cơ sự này”, chị Lan thổ lộ.
Trường hợp của H. đã phải nhờ Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) giúp đỡ. Các tham vấn viên đã đến nhà tìm hiểu và thấy rằng H. đang gặp một vấn đề nào đó về tâm lý từ phía gia đình. Nguyên nhân do em gái của H. là con nuôi, H. sợ ba mẹ thương con nuôi nhiều hơn và quên sự có mặt của mình.
Các tham vấn viên đã lắng nghe và chia sẻ với H., đồng thời phân tích cho cô bé thấy ba mẹ vẫn yêu thương em nhưng cũng dành tình thương cho em gái, bởi em gái mồ côi, chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ H. cũng nhận lỗi không để ý đến cảm nhận của con gái ruột mà bắt phạt H. vì những chuyện không đâu.
Còn N. (13 tuổi, ở quận Hải Châu) là một trường hợp khác. N. thường xuyên bị bạn của mình là X. xin tiền và dọa đánh. Bị ức chế rồi bị sang chấn tâm lý, N. trở nên lầm lì, việc học hành sa sút hẳn. Ba mẹ của N. không hiểu vì sao con mình như thế. Ông Hùng, ba của N. thổ lộ, vì công việc buôn bán nên vợ chồng ông bận tối ngày, không có nhiều thời gian dành cho con và nghĩ rằng cho con đầy đủ tiền bạc, ăn ngon mặc đẹp là tốt rồi. Rồi ông tìm đến Trung tâm.
Các tham vấn viên qua trao đổi với N. đã tìm ra nguyên nhân và giúp em ổn định tinh thần, đồng thời tự tìm giải pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng của mình. Sau đó, N. đã báo cáo Ban giám hiệu nhà trường và họ đã có những giải pháp để giúp N. và nhiều học sinh khác khỏi tình trạng đe dọa xin tiền của một số đối tượng.
Hiểu và định hướng
Theo thống kê của Trung tâm, 5 năm qua, qua đường dây nóng (18001046), đơn vị đã hỗ trợ 845 trường hợp, trực tiếp là 378 trường hợp; qua đó trung tâm đã tư vấn, kết nối cho 937 trường hợp và can thiệp 239 trường hợp. Hầu hết là các đối tượng trẻ em bị xâm hại và bạo lực, gia đình có trẻ dưới 16 tuổi gặp khủng hoảng về vật chất và tinh thần...
“Nhiều trường hợp nếu cha mẹ chịu lắng nghe, hiểu con thì những khó khăn, vướng mắc sẽ dễ dàng được tháo gỡ. Hiểu con mới có thể định hướng tốt cho con”, bà chị Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm cho biết.
Năm 2015 tròn 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Tháng Hành động vì trẻ em năm nay lựa chọn chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” với mong muốn để các em được nói lên tiếng nói của mình.
Theo bà Hoa, chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm nay thực sự ý nghĩa bởi tại mỗi gia đình hiện nay, nhiều phụ huynh phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường, ông bà, người giúp việc, hoặc thường đưa cho con điện thoại, máy tính để chơi thay vì chơi và chia sẻ với con, lắng nghe con.
Nguy hiểm hơn, về lâu dài, việc không chơi với con, không lắng nghe con khiến sự gắn kết tình cảm giữa con và cha mẹ trở nên lỏng lẻo, không đủ để định hướng cho con những bước đi đúng trước những cám dỗ của cuộc sống.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ