Bài 1: Không gian sống
Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng con sông Hàn thơ mộng, để rồi, qua năm tháng, sông Hàn trở thành niềm tự hào của người dân thành phố. Lấy sông Hàn làm điểm nhấn, mọi hoạt động, sự kiện văn hóa của thành phố xoay quanh trục không gian này.
Hè phố Bạch Đằng, bờ Tây sông Hàn trở thành điểm thư giãn, giải trí của người dân và du khách. Ảnh: MINH TRÍ |
Không gian văn hóa mở
Năm 2000, thành phố Đà Nẵng đã xóa xóm nhà chồ ở bờ Đông, cầu Sông Hàn xây xong cũng là lúc tuyến đường Bạch Đằng được mở ra thông thoáng.
Những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục tôn tạo cảnh quan hai bờ sông Hàn và lần lượt các cây cầu khác ra đời, tạo điểm nhấn cho sông Hàn như cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý…
Cũng từ đó, không gian bờ Tây sông Hàn trở thành điểm thư giãn, giải trí của người dân và du khách. Sáng sớm, người dân tản bộ tập thể dục ven sông Hàn. Đến trưa, nơi đây trở thành điểm hẹn của những người yêu thích cờ tướng và cũng là nơi dừng chân nghỉ ngơi của những người lao động.
Buổi chiều, những người độ tuổi trung niên cùng khiêu vũ, thanh - thiếu niên sôi động với điệu hip hop... Những ông bố, bà mẹ cho trẻ nô đùa; có cả hội mang thú cưng xuống phố cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc. Một góc phố rộn ràng với chương trình “Âm nhạc đường phố”, du thuyền nhộn nhịp đón khách du ngoạn trên sông...
Bà Nhị (ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) mỗi tối đều đặn xuống đường Bạch Đằng tập thể dục, đi dạo cùng hội người cao tuổi. “Được hít thở không khí trong lành, ngắm sông Hàn, tôi thấy thành phố mình thật bình yên. Không chỉ tôi mà cả gia đình tôi cuối tuần nào cũng đến đường Bạch Đằng dạo mát, vui chơi”, bà Nhị nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An nhận định: “Cái hay ở chỗ đây là không gian văn hóa mở và được tạo thành bởi chính đối tượng tham gia văn hóa. Đối tượng đó không ai khác là người dân, họ vừa là người hưởng thụ, vừa là người sáng tạo, trải nghiệm trong không gian đó. Mọi hoạt động diễn ra như đời thường nhưng tự nó đã hình thành không gian văn hóa”.
Ghi dấu những sự kiện lớn
Không phải ngẫu nhiên mà Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 ở bờ sông Hàn và những năm sau đó tiếp tục diễn ra tại đây. Đó không chỉ là đại tiệc ánh sáng làm mãn nhãn người dân Đà Nẵng, du khách trong nước, bè bạn quốc tế mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh một Đà Nẵng xinh đẹp với dòng sông Hàn thơ mộng.
Một sự kiện khác diễn ra trên vỉa hè Bạch Đằng dọc bờ Tây sông Hàn mang đến cho người dân và du khách một địa chỉ tham quan, thưởng lãm, chụp ảnh lưu niệm trong những ngày đầu xuân là Đường hoa Bạch Đằng. Năm 2015, bờ Đông sông Hàn cũng có thêm đường hoa với tạo hình bản đồ Việt Nam, điểm nhấn là biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa nổi bật trên tạo hình, góp phần rút ngắn khoảng cách so với sự “phồn thịnh” của bờ Tây.
Dọc theo không gian từ chân cầu Thuận Phước đến cầu Tuyên Sơn là những khu vui chơi - giải trí như: Sky 36, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Trung tâm phức hợp Helio, sắp tới sẽ là công viên châu Á, kế đến là không gian đọc với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, rồi Bảo tàng Lịch sử… Tất cả góp phần tạo một không gian phức hợp về văn hóa và giải trí.
Hơn nữa, với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư sự kiện, Đà Nẵng nhanh chóng xây dựng được hình ảnh là thành phố xinh đẹp, thân thiện, đáng sống, trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, lượng khách du lịch đến thành phố năm 2014 đạt 3,8 triệu lượt người, tăng gần 22% so với năm 2013. Song, nhiều du khách nhận xét Đà Nẵng về đêm còn buồn và không có nhiều nơi để vui chơi, giải trí.
Nhiều ý kiến mà chúng tôi ghi nhận cũng cho rằng, thành phố có nhiều cơ sở, điều kiện, nhất là có không gian hai bên bờ sông Hàn xinh đẹp để tạo không gian văn hóa, giải trí, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của người dân Đà Nẵng mà còn giúp níu chân du khách. Song lâu nay, không gian này chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
NGỌC HÀ