.
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (1-7-1915 – 1-7-2015)

Một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo

.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh, chúng ta trân trọng người anh, người đồng chí, người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong thời kỳ khó khăn nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Nhà máy Dệt 29-3 (ngày 18-2-1989). Ảnh: NGỌC HỢI
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Nhà máy Dệt 29-3 (ngày 18-2-1989). Ảnh: NGỌC HỢI

Cuộc đời hoạt động của Anh, những việc Anh đã làm, những nơi Anh đi qua đều là những việc khó khăn, những địa bàn phức tạp, nhưng Anh đã nêu cao khí phách anh hùng, bản lĩnh kiên cường, với tinh thần bất khuất để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

Tại Đại hội VI của Đảng (diễn ra từ ngày 15-12 đến 18-12-1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh được Ban Chấp hànnh (BCH) Trung ương Đảng bầu làm Tổng Bí thư. Lúc đó, tôi là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, làm trưởng đoàn tham dự đại hội, đồng thời tham gia đoàn Chủ tịch, và vinh dự được bầu vào BCH Trung ương khóa VI. Đây là điều kiện để tôi có cơ hội gần gũi, gặp gỡ, trao đổi trong quá trình đại hội cũng như những năm công tác sau này được thuận lợi hơn.

Lần đầu tiên trước BCH Trung ương, tôi được nghe đồng chí phát biểu, những lời nói hết sức giản dị, khiêm tốn và chân thành: “Các đồng chí lãnh đạo lớp trước đều cao hơn hẳn chúng ta một hoặc nhiều cái đầu. Còn bây giờ, chúng ta ở đây chắc không hơn nhau sợi tóc. Vì thế, tôi và các đồng chí cần khiêm tốn học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ nhau gánh vác công việc chung hết sức nặng nề do Đảng và nhân dân giao phó”.

Tại các cuộc họp BCH Trung ương cũng như các chuyến đi công tác thực tế về Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí thường nhắc nhở chúng tôi: “Phải thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân mới hiểu được thực tiễn, vì thực tiễn là ông thầy, đồng thời là trường học của chúng ta”.

Đồng chí cũng nhấn mạnh: “Sức mạnh là của tập thể, trí tuệ là của quần chúng, cho nên bài học kinh nghiệm tại báo cáo chính trị của Đại hội VI: “Trong toàn bộ hoạt động của Đảng, phải quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”.

Trong các cuộc hội nghị cũng như đi thực tiễn các địa phương, tôi thường thấy đồng chí quán triệt nghị quyết Đại hội VI một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ. Ví dụ, đi đến đâu, đồng chí cũng nói đến đổi mới, nhưng đổi mới những gì thì đồng chí giải thích ngay: Phải đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác.

Về đổi mới tư duy, đồng chí luôn lưu ý trước hết là tư duy kinh tế, trong kinh tế trước hết là trên lĩnh vực nông nghiệp vì nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; sau đó đến các lĩnh vực khác như: công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế… Nói chung đồng chí nêu tiến hành đổi mới chính sách kinh tế gắn với đổi mới chính sách xã hội, chủ trương kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý mới. Là một đảng cầm quyền, phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm với nhiệm vụ chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp may Minh Châu, xí nghiệp may mặc tư nhân đầu tiên, nhân chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1987.						            Ảnh: NGỌC HỢI
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp may Minh Châu, xí nghiệp may mặc tư nhân đầu tiên, nhân chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1987. Ảnh: NGỌC HỢI

Trước tình hình diễn biến tư tưởng của một số cán bộ đảng viên có những mặt phức tạp do tác động của các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô về cải tổ, đổi mới gặp những khó khăn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trăn trở, suy tư cùng với các đồng chí cố vấn BCH Trung ương và các đồng chí lão thành cách mạng, sau đó triệu tập Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6, khóa VI thảo luận tình hình và đề ra nghị quyết, nêu 6 nguyên tắc trong đổi mới, trong đó nhấn mạnh: đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN, mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắn về CNXH, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.

Nhờ nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6, khóa VI, những tư tưởng lệch lạc của một số cán bộ đảng viên bị tác động của các thế lực thù địch bên ngoài dần dần ổn định; nguyên tắc đổi mới, mục tiêu đổi mới, định hướng đổi mới được quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân.    

Phong cách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là thường xuyên đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân; tiếp cận những mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh để gợi ý một cách dân chủ; động viên mọi người phát biểu, đề xuất để lắng nghe ý kiến, nhất là những ý kiến khác nhau; tranh luận, cân nhắc và cuối cùng lấy thực tiễn để thuyết phục kết luận, rồi từ thực tiễn để tổng kết, nhằm hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đổi mới.

Trong những chuyến đi thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhằm tìm hiểu, tiếp cận những mô hình sản xuất kinh doanh mới, có nhiều ý kiến đa chiều như từ một tổ hợp dệt 29 tháng 3 của một số người góp công, góp của hình thành, thiếu vốn vào ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) để mời gọi bà con quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng góp vốn để thành lập xí nghiệp công tư hợp doanh dệt 29 tháng 3, giải quyết việc làm cho hơn 500 công nhân, đồng chí Nguyễn Văn Linh nghe báo cáo đã đánh giá, đây là một mô hình sản xuất tốt, cần được nhân rộng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh khen ngợi Giám đốc Huỳnh Văn Chính có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Khi đồng chí Nguyễn Văn Linh được nghe báo cáo về xí nghiệp hợp doanh ô-tô hàng hóa: người góp xe, góp phương tiện, vật tư, cả tài xế giỏi, để hình thành xí nghiệp hợp doanh vận tải ô-tô hàng hóa, cải tạo XHCN như vậy, không bị thất thoát, mất mát tài sản mà phát huy được năng lực vận tải, đem lại hiệu quả cho người lao động, cho tập thể và Nhà nước cũng có lợi, đồng chí cho rằng đây là một mô hình mới.

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Duy Sơn 2 có mô hình vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi, vừa có xí nghiệp may, vừa xây dựng thủy điện nhỏ. Nghe báo cáo mô hình nông nghiệp này, đồng chí Nguyễn Văn Linh rất phấn khởi và nhận xét: Mô hình này thể hiện được phân công lại lao động trong HTX nông nghiệp, bố trí lại sản xuất, phát triển ngành nghề, ngoài xí nghiệp may còn phát triển nghề thủ công mỹ nghệ song mây để xuất khẩu. Xây dựng thủy điện nhỏ, làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới, ánh sáng HTX đi vào hang cùng, ngõ hẻm. Có điện là có tất cả, nhân dân ở đây cảm thấy đổi đời. Muốn hợp tác hóa thì phải có thủy lợi hóa đi trước, cộng với điện khí hóa nên Nhà nước phong đồng chí Lưu Ban là Anh hùng lao động. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nghe báo cáo, khen ngợi đồng chí Lưu Ban và vỗ vai nhận xét: “Đồng chí Lưu Ban đã dẫn dắt nhân dân từng bước đi lên CNXH”.

Sau khi nghe báo cáo các mô hình sản xuất kinh doanh nói trên, đồng chí nhận xét cách làm của các đơn vị này sẽ thoát được cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, tạo động lực để sản xuất kinh doanh phát triển vì lợi ích người lao động, lợi ích tập thể, lợi ích Nhà nước đều được hài hòa. Đặc biệt, đồng chí rất quan tâm đến lợi ích người lao động, cho rằng lợi ích người lao động là động lực phát triển sản xuất. “Nếu lợi ích người lao động không được quan tâm, thì lợi ích tập thể cũng chẳng có, lợi ích của Nhà nước cũng chẳng còn”.

Đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân, từ những năm đầu sau giải phóng. Quan điểm cải tạo XHCN về công nghiệp, nông nghiệp và du lịch dịch vụ của hai đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và địa phương có những quan điểm giống nhau.

Văn kiện Đại hội VI đã yêu cầu đấu tranh chống các biểu hiện lạc hậu, trì trệ, các biểu hiện tiêu cực khác và đưa công khai trên báo, đài, hoặc qua các sinh hoạt của tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng, những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất, đạo đức. Điều đó chỉ làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Với tinh thần đó, đồng chí đã tự tay viết bài “Những việc cần làm ngay”, ký tên N.V.L, để kiên quyết chống tác phong quan liêu, xa dân, từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi, quyết liệt chống tiêu cực thì những người tốt mới thực sự có chỗ đứng.

Những bài báo đồng chí viết rất mộc mạc, giản dị; ngôn phong, ngữ cảnh rất đơn giản, ngắn gọn nhưng tính chiến đấu rất cao, công phá với tiêu cực, trì trệ, có tác động rất mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng của nhiều người. Các vụ việc, các vấn đề khi đề cập, đồng chí luôn đi vào trọng tâm, trọng điểm của đời sống xã hội, chỉ rõ ràng, cụ thể địa chỉ, tên tuổi của những người có lỗi phạm.

Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L như một luồng sinh khí mới thổi vào xã hội, làm người dân lương thiện, người đảng viên trong sạch, phấn chấn, tạo khí thế để cống hiến tốt hơn; đối với những người có lương tâm đen tối, có ý định tham ô, hối lộ, kèn cựa địa vị, ham quyền lực, chí ít cũng được ngăn chặn, phòng ngừa.

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1986-1991), những bài báo của đồng chí đã để lại cho cán bộ và nhân dân ta một tấm gương trong sáng, thể hiện tính trung thực, thẳng thắn, cần kiệm, giản dị, liêm khiết, mẫu mực.

Những năm gần hết nhiệm kỳ của Đại hội VI, có dịp Anh vào Quảng Nam - Đà Nẵng, với tình cảm thân thương, Anh kể về tuổi thơ và cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh đầy gian khổ và xúc động: “Tuổi thơ không êm đềm, nhưng với nghị lực phấn đấu, đã vượt qua tất cả”. 5 tuổi mồ côi mẹ. 11 tuổi mồ côi cha, Anh sống nhờ vào sự ưu ái, chăm sóc của người chú.

Năm 14 tuổi (1929), Anh rời Hưng Yên xuống Hải Phòng, tham gia học sinh đoàn do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lãnh đạo. Năm 15 tuổi, Anh bị thực dân Pháp bắt do tuyên truyền, chống lại Pháp, bị kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo. Mặt trận bình dân Pháp thắng lợi. Năm 1936, Anh được trả tự do và cũng năm ấy, Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi tham gia Thành ủy Hải Phòng và phát động phong trào công nhân, lao động, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, ở Hải Phòng thời gian ngắn lên hoạt động ở Hà Nội.

Đến năm 1939, Anh tham gia BCH Đảng bộ thành phố Sài Gòn, sau đó được điều động ra Trung Bộ để xây dựng, lập lại Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1941, Pháp bắt Anh tại Vinh, bị kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Mới 25 tuổi, Anh ở nhà lao Côn Đảo 2 lần trong 10 năm. Năm 45 tuổi, Anh đã là ủy viên Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ III năm 1960. Sau đó, Anh được phân công làm Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục. Thời kỳ chống Mỹ (1955-1960), Anh làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn Gia Định”. 

Sau giải phóng miền Nam, từ Đại hội IV, Anh tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Trưởng ban dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Trước Đại hội lần thứ V, anh xin rút khỏi Bộ Chính trị, trở lại làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh năm 1981. Gần cuối nhiệm kỳ khóa V, Anh được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Tháng 12-1986, tại Đại hội lần thứ VI, Anh được bầu vào BCH Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư BCH Trung ương, Anh chỉ làm vỏn vẹn một nhiệm kỳ Tổng Bí thư khóa VI và kiên quyết rút lui, không ra ứng cử trong nhiệm kỳ tiếp theo. Song, nhiều người trong BCH Trung ương mong muốn Anh, khuyên Anh làm thêm một nhiệm kỳ nữa vì nhiệm kỳ này lắm sóng gió, thác ghềnh, nguồn viện trợ của các nước XHCN không còn nữa. Đến năm 1989, nước ta không những cân đối được lương thực cả nước mà còn bắt đầu xuất khẩu. Anh cùng BCH Trung ương  khóa VI đã để lại Cương lĩnh năm 1991 rất có giá trị.

Trong tình hình kinh tế đất nước đang khủng hoảng, các nước XHCN đang lâm vào thời kỳ thoái trào, Anh cùng Bộ Chính trị đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn. Nhiều người nêu những lý do trên để thuyết phục Anh ở lại nhưng Anh kiên quyết xin rút và nói: “Dù không còn tham gia BCH Trung ương nữa nhưng với trách nhiệm của người đảng viên, tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng cho đến hơi thở cuối cùng”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh, chúng ta trân trọng người anh, người đồng chí, người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong thời kỳ khó khăn nhất. Thành trì của các nước XHCN không tồn tại, nhưng dưới sự lãnh đạo của Anh và tập thể Bộ Chính trị, BCH Trung ương đã ổn định chính trị, đất nước từng bước được phát triển. Cuộc đời hoạt động của Anh, những việc Anh đã làm, những nơi Anh đi qua đều là những việc khó khăn, những địa bàn phức tạp, 10 năm bị giam cầm ở Côn Đảo, 30 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, phần lớn thời gian hoạt động ở vùng địch hậu, nhưng Anh đã nêu cao khí phách anh hùng, bản lĩnh kiên cường, với tinh thần bất khuất để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

Đó là một tấm gương sáng, một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo để cán bộ, nhân dân ta học tập và ngưỡng mộ.

Một điều làm cho chúng ta đáng học tập nữa là một đảng viên rất bình thường nhưng rất vĩ đại.

Bình thường là ra vào, lên xuống rất nhẹ nhàng, như gần Đại hội V của Đảng, Anh xin rút Ủy viên Bộ Chính trị để về làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Bình thường ở chỗ, mặc dù sức khỏe còn tốt, trí trệ còn minh mẫn nhưng Anh vẫn khiêm tốn từ chối tham gia một nhiệm kỳ nữa. Anh không ham địa vị, không ham quyền lực mà chỉ biết cống hiến cho dân, cho Đảng.

Vĩ đại là ở chỗ đúng vào lúc Đảng, đất nước, nhân dân cần, Anh xuất hiện đón nhận những trọng trách hết sức nặng nề. Đó là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, sẵn sàng đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ khi Đảng cần, dân muốn.

NGUYỄN VĂN CHI

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

;
.
.
.
.
.