Cách đây khoảng 30 năm về trước, tôi cùng một số phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương được mời dự lễ khánh thành đường EC nối từ Hòa Hải về Điện Dương, Cẩm An.
Đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Lúc bấy giờ, các xã ở ven trục đường này là Hòa Hải, Điện Ngọc, Điện Dương, Cẩm An còn nghèo lắm. Nhà tôn thấp lè tè trên cát, nóng bỏng chân người, nghèo đói luôn hiện hữu trong mỗi gia đình, mỗi thôn xóm. Việc khánh thành đường EC, mặt đường là đá dăm, chỉ rộng trên vài mét nhưng nhân dân mừng lắm vì những xã vùng cát có con đường thông thương để đi lại là quý lắm rồi…
Bây giờ trở lại, những người dự lễ khánh thành đường EC ngày ấy đều không thể nhận ra vùng đất khô cằn, nóng bỏng, khốn khó ngày nào. Cả vùng Ngũ Hành Sơn, điểm khởi đầu của đường EC ngày ấy nay là phố thị, là những đại lộ thênh thang, những khu nghỉ mát sầm uất trải dài ven biển… đã tạo nên một Ngũ Hành Sơn hiện đại và giàu đẹp. Để có được một diện mạo như ngày hôm nay, quận Ngũ Hành Sơn đã có nhiều đột phá trong chỉ đạo và điều hành về công tác đền bù, giải tỏa, tạo nên sự đồng thuận hợp ý Đảng, lòng dân.
Đề cập về công tác này, ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Công tác giải tỏa, đền bù được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách quyết liệt với quyết tâm cao và sâu sát, bằng cách làm năng động, sáng tạo đã góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân để có một diện mạo như ngày hôm nay”.
Khi tách khỏi huyện Hòa Vang (cũ), Ngũ Hành Sơn như một công trình lớn ở phía Đông Nam thành phố. Trên địa bàn quận có tới 269 đồ án được quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tổng thể. Đã quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch là phải đụng đến đền bù, giải tỏa. Đã đụng đến đền bù giải tỏa là đụng đến đời sống, sinh hoạt, tập quán của người dân.
Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn Ngũ Hành Sơn đã có đến 60 dự án lớn được triển khai, phải giải quyết thu hồi mặt bằng 11.979 hồ sơ; trong đó, có 2.079 hồ sơ nhà và hơn 9.900 hồ sơ đất nông nghiệp và đất khác; phải di dời 50 nhà thờ tộc họ, di chuyển 18.940 ngôi mộ ra khỏi địa bàn quận...
Cũng như những vùng quê khác, ở vùng đất này, các thế hệ gia đình, tộc họ đã sống và gắn bó với ruộng vườn, với bờ tre, gốc rạ, dẫu còn nghèo khó nhưng sống tối lửa, tắt đèn có nhau, cùng chung phong tục tập quán sau lũy tre làng. Vì vậy, khi thực hiện giải tỏa đền bù, không ai muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình để đến vùng đất mới ở các khu tái định cư mà nơi đó, công ăn, việc làm, sinh hoạt đời sống chưa định hình được.
Không dễ gì “bứng” hàng nghìn hộ dân đã một thời “một tấc không đi, một ly không rời” trong chiến tranh, hàng nghìn ngôi mộ của dòng họ, tổ tiên đi nơi khác chỉ trong một thời gian ngắn. Thế mà quận Ngũ Hành Sơn đã làm được điều đó, người dân Ngũ Hành Sơn đã thực hiện được điều đó.
Đề cập về công tác vận động nhân dân thực hiện đền bù, giải tỏa, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đã đền bù giải tỏa là tác động đến chỗ ở, đời sống, tâm linh, việc làm, tâm lý sinh hoạt, tình cảm gia đình… của đại bộ phận nhân dân.
Song với tinh thần “lấy dân làm gốc”, thực hiện sâu sắc lời dạy của Bác “Cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, Mặt trận và các tổ chức thành viên trên địa bàn quận và phường đã phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thống nhất chương trình hành động, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, tạo nên sức mạnh đồng thuận trong xã hội.
Ông Huỳnh Phước Trạch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa Hải - điểm sáng của địa phương về vận động đền bù giải tỏa, cho biết: “Trong công tác vận động nhân dân di dời giải tỏa, mỗi nơi, mỗi thời điểm, mỗi đơn vị, cá nhân có thể có cách làm khác nhau, nhưng chung quy đều đạt đến mục đích cao nhất là: giải tỏa được lòng dân”.
Nói về công tác vận động nhân dân thực hiện giải tỏa đền bù, ông Lê Hoàng Đức cho biết thêm: “Thực tế cho thấy, bên cạnh việc rà soát, báo cáo UBND thành phố phê duyệt các chính sách giải tỏa đền bù cho nhân dân phù hợp, đúng quy định và bảo đảm đúng quyền lợi chính đáng của nhân dân thì công tác vận động nhân dân nhằm thực hiện chức năng dân vận của chính quyền được xác định là yếu tố cộng hưởng để nhân dân chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng các dự án đúng tiến độ theo yêu cầu.
Đó là bài học phải dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, phát huy sức mạnh đồng thuận của nhân dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, tất cả vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân mà Đảng bộ, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn đã áp dụng trong nhiều năm qua”…
Từ một làng quê nghèo khó về điện, đường, trường, trạm, sau khi chuyển từ xã lên phường, từ thôn đến phố, các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý ngày hôm nay thật sự đổi mới hoàn toàn. Nhìn những con đường, những công trình mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn có quyền tự hào và tin tưởng một ngày không xa nữa, quê hương mình sẽ giàu có, tạo sự phát triển bền vững để xứng đáng với vùng đất anh hùng mà các thế hệ đã hy sinh cả xương máu, cả quyền lợi để tạo dựng nên…
LÊ VĂN HOA