.

Làm gì cũng phải có cái tâm

Đó là câu trả lời của tất cả trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (TDP) trên dọc đường tác nghiệp cho chuyên mục “Chuyện tổ, chuyện thôn” mà tôi được nghe. Tất nhiên, ngoài cái tâm, họ còn có cái tài, tính kiên nhẫn và có… nghệ thuật sống mới hoàn thiện công việc “vác tù và hàng tổng” để trở thành những mô hình, những câu chuyện tổ, chuyện thôn điển hình.

Một “đặc điểm chung” của hầu hết trưởng thôn, tổ trưởng có năng lực và có tâm thực sự trong công tác là không bao giờ ghi nhận thành tích của tổ, thôn cho bản thân mình. Với họ, đó là thành tích của cả cộng đồng cư dân làm nên, góp sức để phát triển tổ, thôn. Với công việc của thôn, của TDP, họ đều tận tâm, tận lực, hết mình vì dân; nhiều khi hy sinh quyền lợi bản thân để làm cho tổ, cho thôn mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.

Tôi nhớ hình ảnh ông Huỳnh Văn Châu, Bí thư Chi bộ 2 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), áo quần xộc xệch, mồ hôi nhễ nhại từ trang trại của mình chạy vội về tiếp tôi, rồi chạy xe đưa tôi đến điểm bất cập cần phản ánh trong khu dân cư (KDC) ông quản lý. “Quen rồi, cứ trong KDC Đà Sơn 2 này có việc gì thì tôi phải có mặt. Ở đây, lực lượng tổ trưởng đông, nhưng không được linh hoạt để giải quyết rốt ráo những nhu cầu mà người dân mong đợi, thành ra mình cứ phải “dài tay”. Làm cho người dân, mà dân ở đây đa phần là lao động phổ thông, nên không kiên trì, không có tâm vì dân thì hỏng hết”, ông Châu nói.

Ở chi bộ ông Châu, số đảng viên ít ỏi nên công tác quản lý, hoạt động của KDC ông phải gánh vác khá nặng nề. Bởi thế, những lúc họp tổ ở một TDP nào đó, có khi ông phải “nhiếp chính” để cuộc họp được trọn vẹn. Còn với ông Phạm Đình Hổ, tổ trưởng TDP 28B phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, một con người từ thân hình cho đến tính cách đền mang dáng dấp “Trương Phi”. Ấy thế mà ông lại là tổ trưởng gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của tổ.

Ông leo cột sửa từng bóng đèn, trang trí cờ, chữ khẩu hiệu cho mỗi dịp lễ, tết. Trong tổ có người đau yếu, ông kêu gọi quyên góp từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ. Có hộ gia đình khó khăn, ông bỏ tiền túi ra đóng quỹ tổ cho họ suốt mấy năm giúp. “Tôi không vì dân, không nhiệt tình, tận tụy với công việc và dân không… cho nghỉ, tôi bỏ làm lâu rồi. Nhìn nhiều hoàn cảnh ngoài xã hội thương tâm, tôi nghĩ mình làm tại TDP mình cho tốt lên để đời sống bà con đỡ cực cũng là cách làm thiện, là nuôi dưỡng thiện tâm”, ông Hổ nói.

Tổ trưởng TDP vốn là những người “có danh không có phận” như nhìn nhận của nhiều người. Bởi thế: “Nếu không nhiệt tình, không yêu công việc và không có tấm lòng vì dân thì sẽ rất khó làm tốt công việc tổ trưởng TDP”, như tâm sự của ông Nguyễn Hồng Tân, tổ trưởng TDP 6 và cũng là Bí thư Chi bộ 2B phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Ông kể có hôm nửa đêm, có người trong tổ uống rượu về nhà đánh đập vợ, con, ông cũng được dựng dậy để can thiệp. Bất cứ việc gì xảy ra trong tổ, tổ trưởng đều được “điều, gọi” như một điểm tựa để phân xử, giải quyết đầu tiên. Cũng bởi thế, KDC 2B đã cho ra đời mô hình “4 giữ, 3 không” thể hiện đầy đủ sự tích cực của đời sống trong KDC, từ việc người dân đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đến việc có trách nhiệm với bản thân, gia đình, hàng xóm cũng như xã hội…

Hay cũng bởi tấm lòng vì dân, mà ông Đoàn Phi Sơn, tổ trưởng tổ 53 phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), đã xây dựng mô hình họp TDP chỉ 30 phút. “30 phút họp không có nghĩa là không chất lượng. Cũng bởi chỉ 30 phút, nên cuộc họp ở tổ 53 luôn bảo đảm trên 90% người dân tham gia. Có thể thấy rõ hiệu quả của những cuộc họp đó khi đi tham quan khu vực các tổ”, ông Sơn nói.

Còn ông Trần Văn Hoa, ở tổ 19 phường Hòa Minh, thì xây dựng bản “hương ước” cho tổ thực hiện, đặc biệt áp dụng 10 nội dung trong quy ước thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” do thành phố phát động mang lại hiệu quả rõ rệt.

Rất nhiều tổ trưởng, trưởng thôn tâm huyết, có năng lực và làm việc vì dân, vì cộng đồng. Như ông Nguyễn Đức Cử, tổ trưởng tổ 33A phường Hòa Khánh Bắc, vốn là bộ đội, công an về hưu, tham gia làm lãnh đạo tổ chỉ vì muốn đưa cuộc sống người dân nơi đây không còn nhếch nhác, nghèo khổ, đường thôn ngõ hẻm sạch sẽ cả về mỹ quan đô thị đến an ninh trật tự. Hay bà Phạm Thị Mùi, tổ trưởng tổ 48 phường Hải Châu 1, luôn “lấy dân làm gốc”, “phải có tai mắt của nhân dân, một mình tổ trưởng (hay cán bộ) không làm nổi, cũng không đủ sức gánh vác”.

Để kết thúc cho bài viết này, tôi trích lại khẩu hiệu nằm lòng của một tổ trưởng TDP trong KDC Tam Giác phường Thạc Gián là “gắn bó - hiểu biết - nắm rõ tình hình” để gần gũi, có những hỗ trợ nhất định, giúp người dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đó là công việc, cũng là cách làm từ tâm. Hơn một năm theo dõi “Chuyện tổ, chuyện thôn” cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị, nhiều cảnh đời từ những câu chuyện kể của các tổ trưởng, trưởng thôn, để từ đó, vốn sống được tích lũy, chuyên môn được trau dồi và ý thức sâu sắc hơn khi đặt bút viết.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.