Với nhà báo, đây là câu hỏi mà ai cũng trăn trở trong quá trình cầm bút. Bởi lẽ, tên tuổi, uy tín, dấu ấn cá nhân của nhà báo thể hiện rõ qua tác phẩm, đặc biệt những tác phẩm thời sự, mang đậm hơi thở cuộc sống và được dư luận xã hội quan tâm. Vậy, làm gì để có được những tin, bài hay, hấp dẫn bạn đọc?
Phóng viên trên đường tác nghiệp trong vụ phá rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 10 (Hòa Bắc, Hòa Vang) sáng 11-6-2015. |
So với nhiều đồng nghiệp, tuổi đời lẫn tuổi nghề của tôi còn khá non trẻ nhưng tôi may mắn tiếp cận nhiều nguồn tin, đề tài thời sự khá hấp dẫn diễn ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nổi cộm như các vụ: phá rừng Cà Nhông; doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế ở đỉnh đèo Hải Vân; khai thác đất ảnh hưởng mộ dân ở trong kho CK55…
Được tiếp cận những đề tài thời sự “nóng hổi” và kịp thời chuyển tải trên mặt báo, tôi đã xây dựng được niềm tin trong lòng một bộ phận bạn đọc. Bởi chính vì sự tin tưởng, những người bạn, người anh quen biết đã không ngần ngại hiểm nguy để báo tin cho tôi, thậm chí tận tình dẫn dắt đến hiện trường để tìm hiểu, nắm bắt ngọn nguồn sự việc.
Hầu hết đề tài thời sự thực hiện được có công sức của bạn đọc rất lớn, đặc biệt là những “nguồn tin” mà tôi quen biết, xây dựng mối quan hệ trước đó. Còn nhớ hồi tháng 6 vừa qua, chuông điện thoại của tôi đổ dồn dập, đầu dây bên kia là giọng người anh gấp gáp: “Em đang ở đâu? Anh báo em biết vụ này nhé, nghiêm trọng lắm, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật cho anh. Anh tin em mới báo cho em biết”. Tôi trả lời ngay rằng: “Em hứa sẽ tuyệt đối giữ bí mật cho anh”. Dứt lời anh bạn tôi giục: “Em lên rừng Cà Nhông ngay đi, chúng nó phá rừng, tập kết gỗ lậu nhiều lắm”.
Sau khi học xong, tôi tức tốc vượt quãng đường hơn 70km để đến rừng Cà Nhông, thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa ở vùng giáp ranh với xã Tư (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) thực hiện loạt bài viết “Rừng đầu nguồn bị tàn phá”. Kết cục, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Công an thành phố Đà Nẵng thụ lý, mở rộng điều tra, bước đầu bắt giữ 12 đối tượng, trong đó có 2 cán bộ Trạm quản lý, bảo vệ rừng Cà Nhông.
Gỗ lậu thu giữ ở vụ phá rừng Cà Nhông gây rúng động dư luận ở thành phố Đà Nẵng hồi đầu tháng 10-2014. |
Một lần khác, tôi phát hiện sự việc chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế tại mũi Cửa Khẻm ở đèo Hải Vân. Trời mưa, núi rừng heo hút, nhưng khi tôi nhờ dẫn đường, dù chỉ quen biết, anh Trần Hữu Đức, cán bộ UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) vẫn không ngần ngại dẫn đường đến hiện trường. Trên đường về, lúc trời nhá nhem tối, mưa lất phất, anh Đức cười đùa rằng: “Chú gọi anh mới đi. Chứ nói thật người khác thì anh cáo bận rồi”. Nghe những lời tâm sự của anh, tôi thấy lòng dâng lên niềm hạnh phúc khôn tả...
Cũng chính vì thế, mỗi lần thực hiện xong một đề tài thời sự, tôi thường ngẫm nghĩ xem mình đã khai thác trọn vẹn chưa, đã đáp ứng thông tin đầy đủ cho bạn đọc chưa. Qua đó, cũng tự nhắc nhở mình rằng, trong quá trình tác nghiệp phải luôn chân thành, thái độ làm việc phải nghiêm túc, phản ánh trung thực, khách quan sự kiện.
Và điều quan trọng hơn hết là dù thế nào cũng phải tuyệt đối bảo vệ “nguồn tin”, thì mới tạo dựng được niềm tin trong lòng người khác. Có vậy, khi có những đề tài thời sự hấp dẫn, gai góc diễn ra trong cuộc sống và nhờ những mối quan hệ ấy, các thông tin đã được phản ánh nhanh nhạy, kịp thời.
Ông cha ta thường nói “Một lần mất tín vạn lần mất tin”. Câu nói này có ý nghĩa sâu sắc và luôn đúng với mọi người, đặc biệt quan trọng đối với nhà báo. Một khi nhà báo không xây dựng được niềm tin hoặc làm bạn đọc mất niềm tin, thì không chỉ bị hạn chế “nguồn tin”, không kịp thời “chộp” được các sự kiện thời sự, mà trái lại xem như tự làm thui chột ngòi bút của chính mình.
NGỌC ĐOAN