Trong chuyến giao lưu, tác nghiệp tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi, những nhà báo nữ đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận chuẩn bị 21 phần quà cho học sinh, phụ nữ nghèo và lực lượng vũ trang đang đóng quân giữa đảo.
Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới. |
Sau hơn một giờ lênh đênh trên biển, lả người vì say sóng, con tàu cao tốc đưa đoàn nhà báo cập cảng Lý Sơn, thoáng trong gió mát mùi tanh nồng của biển và ánh nhìn chạm vào màu xanh non tơ của những thửa tỏi, thửa hành…
Bình yên đảo nhỏ
Giữa cầu tàu gió lồng lộng thổi giúp cái nóng mùa hè như dịu đi nhanh chóng. Cảng Lý Sơn không chỉ neo đậu 415 tàu thuyền của bà con ngư dân trên đảo mà còn là nơi cho tàu cá Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… vào trú tránh mỗi khi biển khơi nổi cơn bão dữ. Với người dân huyện đảo, biển là nguồn sống, là thứ của cải không bao giờ vơi cạn nếu biết giữ gìn. Quan trọng thế nên từ thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã lập nên Hải đội Hoàng Sa với nhiệm vụ hằng năm đi thuyền từ Quảng Ngãi ra vùng biển Hoàng Sa khai thác thủy hải sản quý hiếm.
Đang tranh thủ kiểm tra lại mớ lưới bị rách trong lần ra khơi trước, chủ tàu cá QNg 96416 TS Nguyễn Lộc, thôn Tây, xã An Vĩnh chia sẻ: “Chuyện đi biển của đàn ông Lý Sơn cũng giống như một đứa trẻ lớn lên cần có bàn tay mẹ. Nó là nhu cầu tự nhiên rất khó giải thích, chỉ biết nếu vài ngày vì lý do gì đó không đi biển, người sẽ bứt rứt khó chịu”. Cùng với giọng nói hào sảng của người đàn ông quanh năm ăn đằng sóng, nói đằng gió, nước da đen sạm vì muối biển, ông Lộc giúp chúng tôi hình dung công việc nguy hiểm, vất vả nhưng không kém phần thú vị, tự hào của bao tàu cá vượt biển khai thác ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Cầu cảng Lý Sơn, trước đây đơn thuần là cảng cá, nay “gánh” thêm nhiệm vụ đón, trả khách du lịch từ đất liền ra thăm đảo. Phóng viên Đào Thị Thanh Nhị (Báo Quảng Ngãi) cho biết kể từ sau Tết Ất Mùi, khi hệ thống cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới quốc gia về với đảo Lý Sơn, cuộc sống của hơn 21.000 hộ dân huyện đảo diễn ra vô cùng thuận lợi. Vùng đất vốn nghèo nàn dịch vụ nay có thêm nhiều khách sạn mới xây với đầy đủ hệ thống nước nóng lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, mạng wifi hỗ trợ việc đọc báo, lướt mạng. Chưa kể sự xuất hiện của 10 chiếc taxi do Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng tại Đà Nẵng mang ra Lý Sơn phục vụ khách từ tháng 2 cũng giúp cho việc đi lại trên đảo thêm phần dễ dàng, thuận tiện.
Trưa đầu tiên đặt chân đến Lý Sơn, nhiều nữ phóng viên sau khi gửi hành lý tại khách sạn vội bước xuống sảnh bắt xe ôm tranh thủ đi một vòng quanh đảo trước khi nhập đoàn tham quan theo lịch trình. Đứng cạnh Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới, nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nhung, công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định nói đây là lần đầu tiên chị đặt chân đến đảo nên tranh thủ từng giây để khám phá vùng đất mới, dù cơn say sóng trên chuyến tàu ban sáng vẫn còn dờn dợn chưa chịu buông tha.
Từ cao điểm này, Hồng Nhung có thể ngắm nhìn những nếp nhà của bà con ngư dân chen giữa thửa tỏi, thửa hành mà thấy lòng bình yên đến lạ. Không như Hồng Nhung, ông Huỳnh Trương Phát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Quảng Nam đã vài lần đặt chân đến Lý Sơn, vẫn cần mẫn ghi lại những khung hình trên hầu khắp chặng hành trình, để khi về nghỉ tại khách sạn, lòng xúc cảm viết nên bài thơ Đảo xinh trong đó có đoạn: “Sóng vui sóng vỗ mạn thuyền/Nắng đùa chân đảo ghẹo triền nước xanh/Gió xe mùi tỏi mùi hành/Nên duyên chồng vợ bên gành đá reo/…”.
Theo ông Phát, dù diện tích tự nhiên vỏn vẹn gần 10km2, gồm đảo Lớn (Cù lao Ré), đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi), hòn Mù Cu cộng chiều dài bờ biển trên 25km nhưng Lý Sơn có rất nhiều điểm đến làm say đắm lòng người như miệng Núi Lửa, cổng Tò Vò, chùa Hang, chùa Đục, suối Chình cùng 9 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, hơn 50 di tích lịch sử mang dấu ấn của nền văn hóa Sa Huỳnh… Trong đó, Nhà Trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là nơi lưu giữ, trưng bày rất nhiều tài liệu, hiện vật quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ở Lý Sơn, đâu đâu cũng nhìn thấy màu xanh của thửa hành, thửa tỏi. |
Mùa vui trên cánh đồng
Khi hòa vào cuộc sống của người dân trên đảo, có lẽ ít ai biết Đào Thị Thanh Nhị là nhà báo, bởi cách ăn mặc giản dị, trùm khăn kín mít, tay xách nách mang như chị nông dân trồng tỏi, trồng hành. Lý Sơn với chị vừa là quê hương, vừa là địa bàn tác nghiệp mang lại nhiều cảm xúc, giúp chị dạn dày sương gió, hiểu nỗi khổ một nắng hai sương của người nông dân, ngư dân trên đảo. Cứ như thế, nhà báo với nhân vật của mình ngày càng trở nên thân thiết, dễ gần. Những bài viết của Thanh Nhị về các mặt đời sống, xã hội đưa Lý Sơn gần hơn với bạn đọc bốn phương. Chỉ cần một cuộc điện thoại từ Lý Sơn gọi vào máy chị, ngay lập tức, Thanh Nhị thu xếp công việc, vác ba-lô ra đảo với bà con. Chị bảo, những khi như thế, chị không nghĩ mình đang “đi cơ sở”, mà nghĩ mình đang về quê thăm những người thân thích.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Phạm Thị Mười nằm phơi mình trên triền đá ở thôn An Đông, xã An Hải. Như nhiều hộ dân khác, chị Mười quanh năm bám đất chăm cây hành, cây tỏi. Những ruộng tỏi nằm ngang dọc theo con đường bê-tông chạy cong vẹo, len lỏi khắp xóm làng tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp giữa biển chiều. Trong ký ức của chị Mười, đảo Lý Sơn từng là vùng đảo đìu hiu và thiếu thốn đủ đường. Những ngày giông gió, tàu trong đất liền không ra đảo được, nguồn lương thực trở nên khan hiếm.
Người dân đảo, đàn ông đi biển, đàn bà sáng buôn thúng bán bưng ngoài chợ, chiều vác cuốc ra đồng chăm mấy vạt tỏi hành, đến mùa giũ khô, ký gửi theo tàu cá vào đất liền bán cho mấy tiểu thương. “Quanh năm đầu tắt mặt tối, nếu không có những nhà báo từ khắp nơi về đây công tác, tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ Lý Sơn quê mình lại xinh đẹp và thu hút khách phương xa đến thế. Thỉnh thoảng, trên đảo còn có vài cặp đôi từ đất liền ra chụp ảnh cưới, tíu tít nói cười khiến những người nông dân chúng tôi cũng vui lây”, chị Mười cười nói.
Hơn 70% hộ dân sống trên đảo Lý Sơn nhờ vào thu nhập từ cây hành, cây tỏi. Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Nguyên, do đất chật người đông nên diện tích đất nông nghiệp ở Lý Sơn cấp cho mỗi khẩu chỉ 100m2 nhưng người dân vẫn ăn nên làm ra nhờ tỏi, hành đã có thương hiệu nên giá bán ra ngoài thị trường cao, khoảng 25.000 đồng/kg hành và 50.000 đồng/kg tỏi.
Hiện trên đảo có chừng 300ha đất thâm canh trồng tỏi. Mỗi vụ tỏi thường kéo dài 6 tháng, từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau. Sau khi thu hoạch tỏi, cây hành sẽ được trồng và chia làm 3 vụ liên tiếp trong năm do thời gian sinh trưởng của hành ngắn, từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng, cho năng suất cao, bình quân hơn 90 tạ/ha. Ngoài hành, tỏi, người dân còn luân canh cây ngô, đậu phộng, đậu đen, dưa hấu nhằm tránh hạn, cải tạo đất, thích ứng với điều kiện thiếu nước tưới trên đảo vào mùa khô.
Những nữ nhà báo nghe thuyết trình về chủ quyền biển, đảo tại Nhà Trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. |
Một trong những điều bất ngờ thú vị của người viết ở chuyến đi đảo lần này là gặp lại người bạn học Lê Phú Quý (1984), nay là Chính trị viên Trạm 550 thuộc Trung đoàn 351 Vùng 3 Hải quân, đóng chân trên điểm cao Thới Lới. Trong buổi tối đoàn giao lưu, tặng quà các đơn vị bộ đội, hải quân đóng chân trên đảo, Quý vui vẻ cho biết mình vừa “kéo” được vợ con từ Quảng Trị ra đảo sinh sống, giúp anh toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời quê hương.
Bằng trách nhiệm và tình cảm sâu nặng dành cho biển, đảo quê hương, trong hành trang đi Lý Sơn lần ấy, đồng chí Mai Đức Lộc, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng không quên mang theo cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng” do Báo Đà Nẵng tập hợp, trình bày gửi tặng Nhà Trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Món quà nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa như muốn nhắn nhủ một thông điệp: chúng tôi, những nhà báo đang công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc, sẽ dùng ngòi bút của mình góp phần vào công cuộc đấu tranh, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
TIỂU YẾN