.

Mắc nợ người già

.

Trong những năm theo nghề báo tìm kiếm tư liệu, nhiều khi tôi tự thấy mình thường hay gắn với người già. Có lẽ, gặp họ, cứ như gặp lại ông bà mình.

 

Những câu chuyện ngoài lề công việc, cách người già thường thích là kể chuyện. Những câu chuyện thân mật, gần gũi, như gợi lại ký ức ngày xưa của chính mình. Họ nói như sợ không còn thời gian để nói. Họ muốn phóng viên phải lắng nghe và không được cắt ngang để xen vào hỏi chuyện viết bài! Bởi thế, mỗi lần đi làm gặp người già, tôi thường “chiều mấy cụ” để lắng nghe họ nói, kể chuyện đời, chuyện người. Với người già, đó là niềm vui, là tâm tư chất chứa, là nỗi niềm được giải tỏa.

Ông già Xứng (Nguyễn Văn Xứng, “già làng” của làng Vân - Hòa Vân (cũ), nay là tổ 13, 14 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), đã bước qua tuổi bát tuần. Mỗi lần tôi đến thăm cứ xua như đuổi tà: “Mày đến chơi tao hay mày đến viết báo? Đến chơi, ở lại tao mời cơm; viết báo thì cho tao vái mười hai vạn “thằng” báo. Mấy đứa làm báo cứ làm tao nhức đầu, nói đàng, làm nẻo, tao ghét. Gặp lại mấy đứa đó, tao chửi tối mặt luôn”. Rồi ông còn “khoe” vừa “đuổi” mấy phóng viên nhà đài nào đó khi về liên hệ để phỏng vấn.

… Năm 2011, gặp ông ngoài làng cũ Hòa Vân. Hôm ấy tôi ra làng cùng với một nữ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Vì biết trước “tính cách” của già Xứng, tôi chẳng ngạc nhiên trước thái độ “bất hợp tác”, “nói cạnh nói khóe” của lão. Nhưng cô phóng viên cùng đi thì bị sốc đến phát khóc. Sau một vòng rong ruổi khắp làng cho cô đồng nghiệp hiểu và cảm nhận về cuộc sống người làng Vân, chúng tôi ghé già Xứng.

Ông đã chuẩn bị một nồi sắn luộc để mời khách vì “tao biết mày sẽ dẫn con bé đó vô nhà” như “dự đoán” của lão. Trước đó, gặp những phận đời ở Hòa Vân, tôi kể câu chuyện lần đầu gặp già Xứng và bị đuổi, bị ngăn cấm như thế nào với cô bạn đồng nghiệp. Sự kiên nhẫn, thật lòng, thực tâm và đồng cảm thực sự đã phá vỡ ranh giới ngăn cách của mình với người Hòa Vân như thế nào.

Chúng tôi hà hít mùi sắn chín thơm lừng và lót dạ sau buổi leo núi mệt nhọc để đến với làng. Ông Xứng kể cho cô phóng viên trẻ những kỷ niệm không thể quên về những phóng viên từng đến gặp ông. Những bài báo ông đọc sau đó họ nói về làng làm ông bị ám ảnh với “nhà báo” đến nỗi phải tạo ra vỏ bọc nanh nọc với tất cả “người lạ”.

Thì ra, cũng bởi nguyên do, có những phóng viên viết không đúng về người Hòa Vân, “làm cho chúng tôi và người đời càng thêm hố sâu ngăn cách. Họ chỉ viết báo để đăng chứ có thật tâm, thật lòng viết vì người Hòa Vân đâu. Sao có thể viết xuống biển bắt cá, lên rừng hái quả như người nguyên thủy. Chính quyền bỏ đói người dân à? Tổ chức đoàn thể xa lánh người Hòa Vân sao? Láo toét”, lão bức xúc.

Hôm tôi đến tìm ông để viết bài cho chuyên mục “Chuyện tổ, chuyện thôn”, gặp lúc ông đang nhận quà hỗ trợ cho làng Vân (nay đã về với đất liền tại phường Hòa Hiệp Bắc), ông bảo rằng: “Về đi, tao không nói gì hết”. Nhưng ngồi tỉ tê hỏi han tình hình của “người quen lâu ngày gặp lại” để “phá băng” mấy phút, ổng bảo, “mày chở hộ tao 2 bao gạo (người ta biếu) về nhà giúp, tháo ra, đong đầy vào nồi nấu, trưa ở lại ăn cơm cùng tao với bà ấy (vợ ông) cho vui”.

Chuyện gần chuyện xa, thông tin cho công việc cũng ổn, câu chuyện ông lại dẫn tôi về những ngày xa xăm. Cuốn nhật ký về những ngày còn sống ngoài ốc đảo Hòa Vân năm nào; tâm tư, nguyện vọng của vợ ông, của người Hòa Vân được ông ghi cẩn thận từng dòng rõ ràng. “Bao giờ mình được về trong đó hả ông? Ở đây yên tĩnh, êm đềm nhưng những cơn “trái gió, trở trời” của tuổi già như ông và tôi sao mong manh. Rồi mỗi sáng, bữa ăn cũng thật khó khăn”…

Những ngày bà bị đau nặng, ông ghi nhật ký dặn dò cháu chắt, người thân (ông bà không có con) lo liệu những gì, chuẩn bị như thế nào. Từng dòng nhật ký thể hiện tình yêu thương sâu đậm, sự lo lắng tận tình của ông dành cho bà làm tôi xúc động. “Tao ghi cẩn thận, lỡ mai có chuyện gì còn mấy đứa cháu biết đường lo liệu”, lão nói. Tôi “âm mưu” gạ gẫm ông cho xem cuốn “tiểu sử” của làng Vân từ ngày trở thành đơn vị hành chính của phường Hòa Hiệp Bắc (1998).

Ông bảo, xem thì được, nhưng làm tư liệu viết báo thì ông chối, bởi: “Có gì đâu mà viết, giữ lại để biết với nhau, để con cháu nhớ cội nguồn. Bây giờ lớp trẻ chẳng ai để ý, chẳng ai còn ghi chép để làm tư liệu cho đời sau, rồi thì phai nhạt quá khứ dù có vui hay buồn”. Có lẽ, những ai sợ bàn tay “thiếu hụt” của ông sẽ chẳng có cái siết thật chặt để biết nó ấm lòng biết bao, sợ “câu chuyện người già” sẽ chẳng lắng nghe được tâm tư, những suy tư đầy tính nhân văn và sâu sắc của ông như một bài học quý giá không chỉ cho kinh nghiệm làm nghề mà còn với cuộc đời chính bạn. Tôi trân quý tình cảm thiết thực của ông, hiểu rõ tính cách của ông và cũng biết chiều lòng ông để ông trải lòng, truyền cảm hứng cho tôi khi đến với nhiều phận đời trong cuộc sống…

Ai đó bảo “người già hay lú lẫn”, nhưng tôi lại thấy người già nhớ lâu. Bát bún sáng cách đây 3 năm trời tôi mời ông Xứng, ổng còn nhớ và nhắc lại làm tôi giật thót! Hôm rồi gặp ông, ổng nhắc “cô phóng viên khóc” ngày nào vẫn điện thoại hỏi thăm ông bà, dù giờ cô ấy đã ở tận Sài Gòn xa xôi. Tôi chẳng mong “già để tuổi cho”, nhưng gặp, được lắng nghe người già kể chuyện, tâm hồn mình như lắng lại trong phù hoa phố thị. Bước chân mình không còn vội vã trong cuộc áo cơm. Và đâu đó, bóng hình ngoại tôi lại thấp thoáng hiện về trong tâm thức…

MINH SƠN

;
.
.
.
.
.