Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng phải chấp nhận có những đề tài nghiên cứu khoa học để xếp ngăn kéo.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng trong nghiên cứu, trước khi muốn làm trung thực là phải làm dối để được quyết toán |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn về hiệu quả nghiên cứu khoa học trong phiên chất vấn sáng 12-6 tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII.
Lãng phí
Dẫn thực tế “Nhà nước chi bình quân 1.300 tỉ đồng cho nghiên cứu KH-CN nhưng đề tài nghiên cứu xong lại xếp ngăn kéo hay hiệu quả ứng dụng thấp. Có phải đầu tư vào KH-CN chưa đúng chỗ, chưa đúng người, nghiệm thu đề tài trên bàn, có hay không cơ chế xin cho trong lĩnh vực này và trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào” - ông ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn.
Tiếp lời, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) hỏi thẳng: “Tại sao có công trình nghiên cứu bỏ ngăn kéo, có hay không những công trình không có khoa học mà chỉ để tiêu tiền?”.
Bộ trưởng Quân thẳng thắn thừa nhận có 3 dạng đề tài nghiên cứu phải xếp ngăn kéo, trong đó có nghiên cứu cơ bản. “Nghiên cứu cơ bản thường đi trước, phải chờ sự phát triển của thời đại, đến một lúc nào đó mới có thể ứng dụng” - ông Quân lý giải. Bộ trưởng Quân cũng thừa nhận hằng năm, nhà nước chi cho KH-CN không phải 1.300 tỉ đồng mà lên đến 3.000 tỉ đồng.
“Tôi nghĩ thực hiện nghiêm Luật KH-CN năm 2013 thì sẽ hết tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước trong nghiên cứu khoa học. Vấn đề là ta có thực hiện nghiêm túc luật hay không. Tuy nhiên, đề tài cơ bản vẫn phải bỏ ngăn kéo vì nó đi trước thời đại”.
ĐB Trần Du Lịch cho rằng trong nghiên cứu, trước khi muốn làm trung thực là phải làm dối để được quyết toán. Về nhận định này, Bộ trưởng Quân cho biết sẽ có phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để các nhà khoa học không phải vất vả khi thanh toán, quyết toán. Phương thức này đã được Bộ Tài chính ủng hộ và thông tư về khoán sẽ có hiệu lực trong quý III/2016.
Có tham nhũng sẽ xử lý nghiêm
Trước khẳng định của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) là có lãng phí lớn trong KH-CN và hiệu quả mang lại chưa tương xứng với đầu tư, Bộ trưởng Quân nhìn nhận “không dám nói không có lãng phí”. Ông Quân cho biết trong 17.300 tỉ đồng dành cho hạ tầng thiết bị, chỉ có gần 20% cho nghiên cứu (khoảng 3.850 tỉ đồng). Nếu chia cho 14.000 cán bộ KH-CN trong cả nước thì rất thấp. Mỗi viện nghiên cứu chỉ được hơn 1 tỉ đồng, mỗi cán bộ hơn 30 triệu đồng cho nghiên cứu là rất thấp so với thế giới.
Ngắt lời Bộ trưởng Quân, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Vậy có lãng phí không?”. Bộ trưởng Quân đáp: “Chắc chắn có lãng phí vì đầu tư chưa tới ngưỡng và những lãng phí mang tính tham nhũng”.
Truy tiếp về kinh phí, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng: “Có những cơ quan quản lý thuộc Bộ KH-CN gợi ý, thậm chí tự đưa ra quy định các nhà khoa học phải trích nộp 25%-30%. Bộ trưởng có biết chuyện này không?”. Bộ trưởng Quân khẳng định: “Cho đến giờ phút này, chưa có ai phản ảnh với tôi và cung cấp những bằng chứng về việc này. Tôi xin bảo đảm là nếu có hiện tượng này, các ĐB có thể chuyển cho tôi địa chỉ, tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Mức phạt không đủ sức răn đe
Nêu thực tế gần đây, người dân lo sợ vì cho rằng nguồn phóng xạ bị mất như trái bom nổ chậm trong khu dân cư, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng đặt vấn đề về giải pháp, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ KH-CN khi để xảy ra tình trạng này.
Dẫn vụ mất thiết bị có chất phóng xạ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, ông Quân cho biết cơ sở này sử dụng nguồn phóng xạ nhưng không đưa người vận hành đi đào tạo về lĩnh vực này, khi sửa chữa thiết bị lại không báo cáo với cơ quan quản lý. “Đây là lỗi rất nặng vì cố tình vi phạm. Bộ đã xử phạt đơn vị để mất chất phóng xạ với mức xử phạt cao nhất hiện nay là 80 triệu đồng. Tuy nhiên, mức chế tài này vẫn không đủ sức răn đe. Vì vậy, cần phải nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí phải xem xét xử lý hình sự đối với hành vi này” - ông Quân đề nghị.
www.nld.com.vn