Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêm tốn chưa bao giờ nhận mình là nhà báo. Người coi mình là người say mê báo chí, có nhiều duyên nợ với báo chí.
Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác Hồ cũng như các lãnh tụ cách mạng tiền bối đều coi làm báo là để làm cách mạng, người viết báo là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.
Từ chiếc máy chữ này, Bác Hồ đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc. Ảnh tư liệu |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện, tổ chức hệ thống báo chí cách mạng nước nhà, đặc biệt là trong giai đoạn truyền bá và giáo dục lý luận cách mạng thời kỳ đầu của cách mạng, thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp. Người trực tiếp sáng lập, trực tiếp tổ chức xuất bản – chuẩn bị nội dung, trình bày, in ấn, phát hành 9 tờ báo. Đó là: Người Cùng Khổ (1922); Quốc tế Nông dân (1924); Thanh Niên (1925); Lính Cách Mệnh ((1925); Thân Ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam Độc Lập (1941); Cứu Quốc (1942).
Tại Pháp, Người sáng lập – Chủ nhiệm kiêm chủ bút Người Cùng Khổ (Le Paria), với mục đích tố cáo chính sách đàn áp, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Người đã trực tiếp viết 38 bài đăng trên tờ Người Cùng Khổ, tiêu biểu và nổi tiếng nhất là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp.
Nguyễn Ái Quốc là cây bút, cây vẽ tranh đả kích - biếm họa, tranh minh họa với nét vẽ giản dị, sắc bén, đả kích sâu cay giai cấp áp bức, bóc lột. Tiêu biểu là bức tranh phác họa hình ảnh một người nông dân An Nam gầy gò, da bọc xương đội nón lá, quần áo rách rưới gò lưng kéo xe chở ông Tây béo tròn, nằm ngửa, miệng phì phèo điếu xì gà. Bức tranh có sức công phá mãnh liệt tố cáo bọn thực dân cướp nước.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu - Trung Quốc tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ngày 21-6-1925, Người sáng lập báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của tổ chức tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời, phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Đến nay, đã tròn 90 năm tư tưởng và những bài học rút ra từ Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khai sinh, viết bài, trình bày, in ấn chuyển về nước phát hành trong giới thợ thuyền, nông dân, thanh niên, trí thức chuẩn bị điều kiện về lý luận và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 vẫn nguyên giá trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (28-2-1969). Ảnh tư liệu |
Bàn về nhà báo bậc thầy Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến thời kỳ Hồ Chí Minh có “nhiều duyên nợ với báo chí”. Đầu năm 1955, sau 100 ngày lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội, bao công việc bề bộn, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến mới, đất nước tạm chia làm 2 miền - lấy ranh giới từ sông Bến Hải –nhiều hoạt động đối ngoại diễn ra dồn dập.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc viết báo - đăng bài trên báo Đảng để cập nhật thông tin tình hình chính trị xã hội, hoạt động đối ngoại của đất nước. Những bài báo Người viết là công cụ chỉ đạo và định hướng dư luận xã hội. Chỉ trong vòng một tháng (1-1955), dù bận rất nhiều công việc trọng đại của Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia, Người đã viết 32 bài báo với nhiều bút danh khác nhau.
Bài Bác viết ngắn gọn, văn phong bình dị, sắc bén tính chiến đấu, nội dung súc tích, nêu rõ các vấn đề “nóng” của thời cuộc - thế sự, nhịp đập cuộc sống đời thường, mang tính chỉ đạo và định hướng dư luận. Số đầu năm Báo Nhân Dân, ngày 2-1-1955 có bài báo Chúc mừng năm mới. Ngày 3-1-1955 bài Đại hội văn công. Số báo ngày 4-1-1955 bài Chiếc mề đay. Số báo ngày 5-1-1955 bài Một số thư khổng lồ. Số báo ngày 6-1-1955, bài Tự do kiểu Mỹ, v.v…
Có ngày Bác viết 2 bài đăng trên một số báo ký bút danh C.B, T.L. Điều mà Bác Hồ đã thân mật phát biểu với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam “Tôi có nhiều duyên nợ với báo chí” là như vậy. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo là duyên nợ, là lẽ sống - lý tưởng chiến đấu - là làm cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc đời hoạt động cách mạng đã viết hơn 2.000 bài báo với hàng chục bút danh. Bác nhắc nhở các nhà báo, trước khi đặt bút viết báo phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào. Cái đích của một bài báo phải rõ ràng, viết để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Bài viết cần tính chiến đấu, không có tính chiến đấu, báo chí trở nên vô hồn, đâu còn sức sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người là một nhà báo lớn bậc thầy. Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các cấp hội nhà báo, giới báo chí cả nước đang tiến hành các cuộc hội thảo - đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng: Báo chí Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm.
Luật Báo chí sửa đổi hiện hành, được Quốc hội thông qua năm 1999, cũng như Dự thảo Luật Báo chí mới đang được Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đều ghi rõ nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm của nhà báo: Thông tin trung thực khách quan, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Nhà báo - đội ngũ những người làm báo Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, thấm nhuần tư tưởng báo chí của Bác Hồ, thực hiện tốt lời dạy của Người: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ; vững vàng, bản lĩnh, thực hiện xuất sắc trách nhiệm xã hội cao cả của người làm báo.
Phạm Quốc Toàn
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam