* Bệnh viện Ung thư nên chuyển sang hình thức công lập
Ngày 23-6, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chủ trì hội nghị lấy ý kiến các cán bộ trung, cao cấp của thành phố qua các thời kỳ đang nghỉ hưu trên địa bàn thành phố đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020. Dự hội nghị có Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ kết luận hội nghị. Ảnh: Việt Dũng |
Xác định rõ 5 hướng đột phá chiến lược giai đoạn 2015-2020
Nhiều đại biểu đánh giá nội dung, bố cục dự thảo được xây dựng, chuẩn bị chu đáo, trình bày khoa học, rõ ràng, khúc chiết; nêu khá đầy đủ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX. Dự thảo cũng nêu mục tiêu, phương hướng và các giải pháp trong giai đoạn 2015-2020.
Trung tướng Nguyễn Văn Thảng, nguyên Chính ủy Quân khu 5 cho rằng, những thành quả mà Đảng bộ thành phố nỗ lực đạt được trong giai đoạn 2010-2015 có ý nghĩa to lớn và quan trọng tạo nên diện mạo đô thị Đà Nẵng phát triển nhanh, hiện đại, văn minh như hôm nay.
Trung tướng Nguyễn Văn Thảng đề nghị, dự thảo báo cáo cần nêu bật thành tựu trong phát triển hạ tầng đô thị, các chích sách an sinh xã hội như: giảm nghèo, các chương trình “thành phố 5 không” và “thành phố 3 có”, việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết nhanh chóng, kịp thời những vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, trong đó có vụ việc khiếu kiện ở Cồn Dầu được chính quyền thành phố giải quyết khá hiệu quả. Đây cũng là thành quả lớn của thành phố đạt được trong thời gian qua.
Theo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng Nguyễn Đình An, cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế là đóng góp ngân sách Nhà nước của thành phố trong thời gian qua là không lớn và chưa tương xứng so với một số địa phương khác.
“Nếu nói Đà Nẵng là thành phố động lực của khu vực miền Trung-Tây Nguyên thì phải thực sự phát triển rõ nét, đúng thực lực trên lĩnh vực nào, ngành nào, đặt biệt khâu then chốt nhất là phải đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Đây là thực tế cần nhìn nhận và đưa ra giải pháp hiệu quả trong nhiệm kỳ đến”, ông Nguyễn Đình An nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình An cho rằng, Đà Nẵng lựa chọn phát triển công nghệ cao và công nghệ thông tin bên cạnh ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch và dịch vụ làm khâu đột phá là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cần đưa ra giải pháp cụ thể, rõ ràng đi liền với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Nhiều đại biểu đồng tình với 5 hướng đột phá chiến lược về kinh tế-xã hội giai đoạn 2015-2020 mà dự thảo nêu. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn, cụ thể hơn để có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả và đúng định hướng.
Phát triển kinh tế gắn chặt bảo đảm quốc phòng
Trước bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo cần nhấn mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển gắn với giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng Lê Đào góp ý, dự thảo cần định hướng phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển, từ đó mới bảo vệ chủ quyền hiệu quả. Đi liền đó là tiếp tục đề ra chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống.
Ông Phạm Thanh Ba, nguyên quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng nhấn mạnh, dự thảo cần bổ sung và làm rõ những tồn tại trong phát triển kinh tế thành phố như: quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiếu sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Đà Nẵng nhằm tạo cú hích trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trong công tác xây dựng Đảng, ông Phạm Thanh Ba góp ý công tác tư tưởng đôi lúc còn lúng túng và bị động, nhất là ở cơ sở. Công tác quy hoạch, đào tạo để chuẩn bị đội ngũ kế cận chưa kịp thời, có lúc còn hụt hẫng. Đây là những vấn đề cần làm tốt hơn trong giai đoạn đến.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, dự thảo nên bổ sung đánh giá tâm trạng của người dân Đà Nẵng sau 40 năm giải phóng thành phố. Theo ông Long, hạn chế chung của Việt Nam hiện nay là năng suất lao động rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN, dẫn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu.
Do vậy, thành phố cần có giải pháp căn bản để vừa tăng năng suất lao động, vừa khuyến khích và phát huy khoa học và tính sáng tạo trong lao động sản xuất. “Nên suy nghĩ bối cảnh thực tế và dự báo tình hình, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển Đà Nẵng bền vững. Ngoài phát huy tiềm năng, lợi thế thì Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy giá trị gia tăng do quỹ đất còn thừa tạo ra”, ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Tạo bản sắc văn hóa người Đà Nẵng
Nhiều đại biểu đề nghị nên chuyển Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng theo mô hình bệnh viện công; đồng thời tiếp tục duy trì chính sách nhân văn là hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nghèo và tập trung thu hút đội ngũ bác sĩ giàu trình độ, có tâm, có tài để cứu chữa bệnh nhân mắc bệnh ung thư. |
Ông Phạm Phát, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đề nghị, dự thảo cần làm rõ phương châm “Đảng nói, dân tin; Mặt trận vận động, dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ” mà Đảng bộ thành phố đúc kết trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát huy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là tổ dân phố.
Ông Phát cho rằng, việc định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố công nghiệp liệu có mâu thuẫn với cơ cấu kinh tế mà thành phố đang ưu tiên là du lịch, dịch vụ hay không. Do vậy, ông Phạm Phát đề xuất nên xác định mục tiêu kép là “phát triển du lịch, dịch vụ và công nghệ cao và công nghệ thông tin”.
Góp ý phát triển lĩnh vực văn hóa, ông Phạm Phát đề nghị dự thảo cần xây dựng và phát triển văn hóa mang bản sắc người Đà Nẵng đô thị. Đây là việc làm khó khăn và lâu dài nhưng có thể thành công do thành phố đã có chủ trương thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị năm 2015” và cần tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao trong nhiều năm đến.
Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng góp ý cần bổ sung những động lực mới tích cực huy động trong nhiệm kỳ 2015-2020 như: Phản biện xã hội của trí thức và văn nghệ sĩ thành phố; khát vọng làm giàu chính đáng và khẳng định thương hiệu của doanh nhân thành phố; lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức về chủ quyền của mọi tầng lớp nhân dân; văn hóa-nền tảng tinh thần của xã hội. Nhiều góp ý khác được thể hiện bằng văn bản được gửi đến tổ biên tập để đóng góp xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.
Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đúc kết 3 bài học kinh nghiệm. Một là lấy dân làm gốc; hai là xây dựng và phát huy khối đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ và đồng thuận sâu trong toàn xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương; ba là vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, xác định đúng những lĩnh vực trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo…
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ ghi nhận, đánh giá cao nội dung góp ý của các đại biểu; nhiều ý kiến rất xác đáng, giàu trí tuệ và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng; đồng thời đề nghị các cán bộ trung, cao cấp tiếp tục đóng góp ý kiến và tâm huyết để thành phố ngày càng phát triển năng động, đột phá trong giai đoạn đến.
Quan tâm công tác cán bộ và chống tham nhũng Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, các đại biểu dự hội nghị đề nghị dự thảo cần nêu rõ giải pháp phát triển kinh tế vĩ mô, công tác bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia; công tác phòng, chống tham nhũng; không để xuất hiện lợi ích nhóm cục bộ. Trong công tác cán bộ cần xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. |
VIỆT DŨNG