Hơn hai năm gặp lại sau ngày chị vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Vẫn nụ cười hiền và rụt rè, chị Đinh Nữ Kiều Ngọc gặp chúng tôi với những ước mơ cháy bỏng không ngừng là làm thế nào cải tạo được máy móc cho phù hợp nhu cầu sản xuất để tăng năng suất lao động, có như vậy chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu, người công nhân đứng máy đỡ vất vả, thu nhập tăng cao.
Chị Đinh Nữ Kiều Ngọc, đoàn viên Công đoàn của Xí nghiệp Bông băng gạc và vật tư y tế Hòa Cường thuộc Tổng Công ty CP Y tế Danameco là một trong số ít nữ lao động giàu nghị lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có nhiều thành tích và sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng, vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần II năm 2013. Đây là phần thưởng cao quý nhằm tôn vinh CNVCLĐ có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.
Với tấm bằng tốt nghiệp 9/12, chị Kiều Ngọc khởi đầu tại Công ty Giày da Quốc Bảo. Sau đó chị đến và gắn bó gần 15 năm tại Xí nghiệp Bông băng gạc và vật tư y tế Hòa Cường. Là một công nhân trực tiếp sản xuất, trong chị luôn trăn trở làm thế nào để người trực tiếp đứng máy đỡ vất vả, nhọc nhằn mà năng suất lại cao và sản phẩm đạt chất lượng. Những băn khoăn, trăn trở ấy là động lực để chị miệt mài nghiên cứu.
Năm 2010, với giải pháp “Nghiên cứu, cải tiến máy cắt dây cotton”, chị Kiều Ngọc đã cải tiến hệ thống máy từ bán tự động thành tự động. Công nhân chỉ cần đưa cuộn dây cotton vào máy; máy cắt dây cotton, rơi xuống hệ thống phểu gá, phểu hứng dây và tự động xếp lại. Cải tiến này giúp người lao động không trực tiếp tiếp xúc với vùng nguy hiểm dễ gây tai nạn lao động, đồng thời giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ổn định.
Không dừng lại ở đó, chị lại mày mò với giải pháp “Nghiên cứu bộ đồ gá cùm, cắt dây cản quang”, đồng tác giả các giải pháp “Xử lý độ không đồng đều và đàn hồi của băng thu vòng băng rốn trẻ sơ sinh”, “Cải tiến đục lỗ túi camera trên máy dập bằng khuôn đinh”…
Năm 2015, chị hoàn thành sáng kiến “Gạc phẫu thuật không dệt 7,5cm x 7,5cm x 6 lớp có cản quang” với những ứng dụng cực kỳ hiệu quả, làm nhanh gấp 200 lần so với việc công nhân phải gấp tay, không gây hao phí, hư hỏng sản phẩm so với việc thực hiện trên hệ thống máy cũ. Với sáng kiến này, giá trị làm lợi bước đầu ước đạt 100 triệu đồng. Miệt mài, tâm huyết, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của chị Ngọc ra đời và ứng dụng cao.
Đến nay, các giải pháp của chị Ngọc làm lợi cho đơn vị được tính bằng hàng tỷ đồng. Không chỉ là hạt nhân của phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” tại đơn vị, chị Đinh Nữ Kiều Ngọc còn tham gia hướng dẫn, đào tạo mới và đào tạo lại cho 47 lượt CNLĐ khác trong vòng 3 năm. Tích cực, năng nổ với nhiều hoạt động khác, chị Ngọc xứng đáng được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, và lần này được vinh danh tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến CNVCLĐ thành phố Đà Nẵng lần thứ IV.
Chia tay chị, chúng tôi mong rằng, phía sau nụ cười hiền và rụt rè kia, một ý chí luôn vươn lên nắm lấy những hiểu biết mới về khoa học và công nghệ để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả sẽ tiếp tục phát huy, góp phần làm nên một hình ảnh vô cùng cao đẹp về người CNLĐ thời đại mới.
NGỌC CHÂN