.

Phóng viên "nhảy" mảng nhiều nhất

Chưa đầy 2 năm bước vào nghề báo, liên tục “nhảy” mảng với 4 lĩnh vực phụ trách khác nhau, tuy thời gian theo dõi không nhiều nhưng ở mỗi lĩnh vực đều mang lại cho tôi những trải nghiệm quý giá, những kỷ niệm đáng nhớ về nghề mình đã chọn.

1.

Trong 4 lĩnh vực văn hóa, y tế, lao động-thương binh và xã hội và Đoàn Thanh niên thì y tế là lĩnh vực tôi có nhiều thời gian làm việc nhất, cũng như có những va vấp khiến mình trưởng thành hơn trong tác nghiệp.

Có lần, tôi bị một vị bác sĩ đáng kính ở bệnh viện nọ vặn vẹo không cho tác nghiệp vì lý do chỉ có giấy giới thiệu mà không có thẻ nhà báo như bao anh, chị phóng viên khác. Một đứa sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường, được gia đình nuông chiều nên khi vị bác sĩ kia đanh giọng nói những lời khó nghe, chả hiểu sao nước mắt tôi cứ chảy ra.

Tôi đem chuyện kể với một đồng nghiệp, chị bảo: Hồi trước, chị cũng rứa, ai nói chi là về đóng cửa buồn khóc mấy ngày trời. Bây giờ thì “chai” rồi. Mình phải cứng rắn trong những tình huống đó. Thế là từ đó, tôi tập cho mình “lì” và đáp trả lý lẽ với những người không hiểu chuyện.

Y tế cũng là một mảng nóng hổi với nhiều sự kiện, dịch bệnh “phập phồng theo thời tiết”. Chính khoảng thời gian dịch sởi bùng phát (từ tháng 2-2014 đến tháng 4-2014) là giai đoạn dạy cho tôi nhiều kỹ năng, kỹ thuật tác nghiệp nhất. Thời gian đó, việc dõi theo dòng sự kiện đã giúp tôi “nhạy” hơn trong khâu phát hiện đề tài, bám sát, bám sâu vấn đề và kịp thời có những bài viết đúng, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.

2.

Nếu mảng y tế “dạy” cho tôi nhiều bài học quý báu về nghiệp vụ thì lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội lại giúp tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ, nhận thức.

Sáu tháng tròn bám mảng cũng là lúc chương trình sửa chữa 1.000 nhà ở cho gia đình chính sách của thành phố  vào giai đoạn nước rút. Hầu như tuần nào lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng cũng đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công các công trình sao cho bảo đảm yếu tố thời gian nhưng chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu. Quả thực, có xuống gần dân, nghe dân nói mới hiểu rằng cuộc đời này còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh, người nghèo khổ cần được xã hội chung tay giúp đỡ, như trường hợp của một thương binh nọ nhiều năm ròng rã dùng tiền thương binh của mình để chạy thận. Mỗi chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng giúp tôi ngộ ra nhiều điều về con đường báo chí mình đang theo đuổi.

1 năm 20 tháng làm báo, hạnh phúc lớn nhất với tôi chính là lần viết bài kêu gọi hỗ trợ cho một em sinh viên mắc bệnh hiểm nghèo. Giây phút người mẹ nghèo lau vội giọt nước mắt, run run cầm số tiền được bạn đọc gần xa ủng hộ, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy mình sống có ích.

Tôi không dám bàn luận về nghề báo bởi luôn cảm thấy mình còn quá non trẻ và chưa thật sự dấn thân với nghề. Hôm bữa, anh em phóng viên có dịp ngồi chuyện trò, một anh đồng nghiệp “lão thành” trong nghề nói rằng, nhiều lúc viết bài xong mà không muốn gửi đi vì thấy xấu hổ với bản thân mình quá. Rồi một người chị thân thiết tâm sự, nghề báo cũng như bao nghề, có gì mà huênh hoang với đời, điều cốt yếu là mình đã/phải làm được gì cho dân. Tôi bắt gặp hình ảnh mình trong những lời nói ấy. Không ít lần tôi thẫn thờ với những con chữ do chính mình viết ra, không ít lần tôi cảm thấy bất lực, ngán viết và cũng đôi khi tôi tự hỏi liệu mình đã đi nhầm đường chăng?

Một người chú đáng kính vẫn thường nói với anh em phóng viên chúng tôi rằng: “Đừng viết vì cái phong bì mà cũng đừng vì cái phong bì mà không viết”. Nghề báo không đem lại cho ta sự giàu sang, phú quý (nếu ai có ý nghĩ chọn nghề báo để làm giàu bằng phong bì thì đó là một sai lầm lớn) nhưng nó mang lại cho phóng viên chúng tôi những kinh nghiệm sống, những trải nghiệm về đời, về người mà có lẽ ít nghề nào có được. Âu đó cũng là một diễm phúc lớn lao của người làm báo.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.