Chính trị - Xã hội
Sôi động việc làm dịp hè
Thị trường lao động dịp hè sôi động bởi nhiều lao động thời vụ tìm việc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng chuyển hướng với yêu cầu tuyển lao động ngày càng cao hơn.
Doanh nghiệp cần lao động có tay nghề để giảm chi phí đào tạo. |
Đa dạng việc làm thời vụ
Tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng ngày 10-6 vừa qua, có 82 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 1.000 lao động. Nhiều đầu việc khá hấp dẫn như: nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên kinh doanh dự án, lễ tân, lái xe, bán hàng…; mức thù lao tùy từng vị trí nhưng trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, cùng nhiều ưu đãi khác như: tiền thưởng, hỗ trợ thuê nhà…
Tuy nhiên, tại phiên giao dịch, chỉ có gần 300 lao động được chắp nối, giới thiệu thành công. Trước đó, trong phiên giao dịch việc làm ngày 1-6 tại sàn giao dịch việc làm ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, 78 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 957 lao động nhưng chỉ hơn 200 lao động tìm được việc làm.
Lê Ngọc Hân (quê ở tỉnh Quảng Nam), sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng thổ lộ: “Năm nào nghỉ hè, tụi mình cũng ở lại Đà Nẵng để tìm việc kiếm thêm thu nhập. Năm ngoái, mình làm nhân viên chạy bàn ở một quán nhậu với mức thù lao cao nhưng khá vất vả nên năm nay mình sẽ chọn công việc vừa sức hơn và hợp với chuyên môn”. Theo Hân, đi làm thêm cũng giúp các bạn trẻ tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng và có thêm thông tin để tìm công việc phù hợp khi ra trường.
“Đi nhiều, tiếp xúc nhiều không chỉ giúp sinh viên có thêm trải nghiệm mà còn mở ra nhiều cơ hội gặp gỡ để tìm được việc làm tốt trong tương lai”, Phan Bảo Ngọc (quê ở tỉnh Quảng Ngãi), cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng nói. Nhờ có ngoại hình đẹp, tiếng Anh lưu loát, Ngọc đã tìm được việc làm thêm tại một resort ở quận Sơn Trà và được nhận vào làm việc sau khi ra trường.
“Tụi mình thường đến các sàn giao dịch để tìm việc bởi có nhiều việc khá hấp dẫn. Tuy nhiên, vì chưa có bằng tốt nghiệp và ít kinh nghiệm nên chỉ chọn được những công việc như: trực điện thoại, quản lý quán Internet…”, Thu Uyên - sinh viên năm 2 Trường ĐH Duy Tân cho biết.
Cần lao động có tay nghề
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các phiên giao dịch việc làm, ngoài những việc làm thời vụ với mức thù lao hấp dẫn thì càng ngày doanh nghiệp Đà Nẵng càng đặt yêu cầu tuyển lao động phải có tay nghề. Chẳng hạn, trong phiên giao dịch việc làm ngày 10-6, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề là hơn 400 người. Trước đó, tại phiên giao dịch việc làm ngày 1-6, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao hơn: khoảng 500 người, trong khi lao động phổ thông chỉ có hơn 400 người.
Những tháng trước đây, doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động phổ thông cao hơn lao động có tay nghề. Chẳng hạn, trong phiên giao dịch việc làm ngày 1-3 được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, 42 doanh nghiệp đăng ký tuyển nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề chỉ 280 người, còn lao động phổ thông lên đến hơn 1.300 người.
“Đầu năm, nhiều doanh nghiệp cần số lượng lao động lớn nên có bao nhiêu tuyển hết bấy nhiêu, ít có sự lựa chọn. Bây giờ, hầu như số lượng lao động tại nhiều doanh nghiệp đã ổn định nên họ tuyển chủ yếu để thay thế. Bởi vậy, đã có sự cân nhắc và yêu cầu cao hơn. Nhu cầu tuyển dụng không tăng lên nhiều về số lượng nhưng thay đổi về đối tượng, lao động có tay nghề ngày càng được “mời chào” với mức thù lao hấp dẫn, nhưng bù lại doanh nghiệp ít phải đào tạo nhiều”, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm - an toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết.
Theo khảo sát, nhu cầu lao động có tay nghề tăng cao ở các ngành dịch vụ, nhà hàng, khách sạn… Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, muốn tìm được việc làm tốt, bên cạnh tay nghề cao, người lao động cũng cần có những kỹ năng mềm như: làm hồ sơ, giới thiệu bản thân, giao tiếp, làm việc nhóm…
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ