Trong tác nghiệp báo chí, có những bài viết ngắn, những tin viết ngắn nhưng lại có hiệu ứng xã hội rất cao. Trong sự nghiệp làm báo của mình, tôi cũng có những bài viết ngắn, không “đe to, búa lớn” nhưng lại rất hiệu quả trong công tác tuyên tryuền.
Tôi vẫn còn nhớ, tại một hội nghị tổng kết về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của một Đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy tổ chức nhằm tuyên dương những cá nhân, tập thể làm theo gương Bác, có cả đồng chí Phó Bí thư thường trực Thành ủy dự. Một hội nghị nghiêm túc và trọng thể như vậy thế nhưng có nhiều đại biểu dự hội nghị chẳng nghiêm túc một tí nào, trong đó có rất nhiều người sử dụng điện thoại di động để chơi trò chơi, nhắn tin mà chẳng hề để ý đến các cá nhân, tập thể trình bày báo cáo điển hình về thành tích đã thực hiện làm theo gương Bác.
Thậm chí, trong lúc đồng chí Phó Bí thư thường trực Thành ủy lên phát biểu ý kiến chỉ đạo, có nhiều đại biểu, trong đó có đại biểu lãnh đạo cấp cơ sở, đầu ngành hẳn hoi, vẫn dùng máy điện thoại iPad để chơi trò chơi điện tử như xếp bài, xếp hình, nhắn tin cho người nhà… xem xung quanh mình như chẳng có ai. Để có tang chứng, vật chứng, tôi đã nhanh tay chụp lại hình ảnh này để làm minh chứng cho bài viết…
Xong hội nghị, tôi viết ngay về vụ việc mắt thấy tai nghe này và tế nhị không đính kèm theo ảnh và không đề tên thật tác giả bài viết. Sáng hôm sau Báo Đà Nẵng phát hành, trên chuyên mục “Những điều nghe thấy”, một bài viết ngắn vỏn vẹn chỉ vài trăm chữ đề cập về nội dung trên nhưng đã làm “dậy sóng” đơn vị tổ chức hội nghị và những người tham dự hội nghị nói trên. Hàng chục cú điện thoại gọi đến Tổng Biên tập hỏi xác minh bài báo này là của ai, có hay không vụ việc này. Đặc biệt, sau khi đọc báo, đồng chí Phó Bí thư thường trực Thành ủy chỉ đạo ngay cho lãnh đạo đơn vị tổ chức hội nghị là phải “truy” cho ra nhân vật mà báo nêu nhưng giấu tên và sự việc càng trở nên trầm trọng hơn vì sự chỉ đạo nghiêm khắc này.
Như đã nói, tại hội nghị có rất nhiều người làm việc riêng, nhất là dùng điện thoại di động chơi trò chơi, nhắn tin, v.v… nên khi báo phản ánh và nhất là sau khi có ý kiến chỉ đạo là phải tìm cho ra “nghi can”, nhiều người trong cuộc (kể cả lãnh đạo đầu ngành dự hội nghị) cảm thấy lo lắng và ai cũng nghĩ là báo viết về mình nên tìm mọi cách liên hệ với báo để “phòng” xa…
Lãnh đạo đơn vị tổ chức hội nghị nói trên gặp đồng chí Tổng Biên tập và PV viết bài và kể lại: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư thường trực Thành ủy; chúng tôi đã họp và “truy” để tìm cho ra nhân vật mà báo đã nêu và cũng rất lo nếu như rơi vào trường hợp của đồng chí lãnh đạo đầu ngành nào dự hội nghị ngày hôm đó, sử dụng điện thoại di động làm việc riêng thì không biết tính sao. Rất may là sau đó, có một lãnh đạo của đơn vị dự hội nghị đã tự giác thú nhận nhân vật mà báo đề cập dùng điện thoại iPad chơi trò chơi điện tử đó chính là mình và năn nỉ xin đừng làm lớn chuyện vì mình mới nhậm chức lãnh đạo; rằng nội bộ đơn vị hiện đơn vị có nhiều phức tạp, sự việc này mà lộ ra thì nguy to…”.
Lần sau khi gặp lại chúng tôi, đồng chí lãnh đạo đơn vị tổ chức hội nghị này phấn khởi cho biết, nhờ bài báo, các hội nghị do đơn vị tổ chức sau đó im phăng phắc, không ai dám làm việc riêng, nhất là sử dụng điện thoại di động…
Một lần khác, cũng tại một hội nghị, bạn học của tôi là Công an kinh tế gặp tôi và nói nhỏ: “Tớ có chuyện này hay lắm, đụng đến nhiều sếp, nhiều ngành, nhà báo có dám viết không?”. Câu chuyện “hay” của bạn tôi đề cập là sếp của một số ngành như Công nghiệp, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, v.v… đã tham mưu cho đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) cho phép được khai thác những tảng đá mồ côi ở ven bờ biển đèo Hải Vân để bán cho nước ngoài.
Từ thông tin của bạn tôi cung cấp, tôi nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu sự thật. Sự việc trên là có thật. Một công ty của Nhật Bản đã ký hợp đồng với một đơn vị thương mại của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) để khai thác đá mồ côi ở ven bờ biển đèo Hải Vân. Giấy phép được các ngành chức năng có liên quan đóng con dấu đỏ cho phép khai thác.
Đơn vị khai thác đá đã tập kết đá để xuất khẩu chuyến đầu tiên tại một cầu cảng trên bờ sông Hàn (trước Trung tâm Truyền hình VTV Đà Nẵng hiện nay). Vài ngày sau đó, trên trang nhất Báo Quảng Nam-Đà Nẵng trên chuyên mục “Sổ tay PV” đăng bài viết ngắn kèm theo ảnh phản ảnh vụ việc này. Sau khi báo phát hành, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã trực tiếp cử đồng chí chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh chuyển đến Báo Đà Nẵng công văn hỏa tốc kèm theo quyết định của UBND tỉnh ngừng ngay việc khai thác đá mồ côi ở ven bờ biển đèo Hải Vân… Dĩ nhiên Báo Quảng Nam-Đà Nẵng đăng toàn văn quyết định này…
Trong cuộc đời làm báo, tôi thật sự hạnh phúc vì mình đã viết những bài viết nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn, nhất là thời kỳ Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) mở chuyên mục “Những chuyện cần làm ngay” phản ảnh các hiện tượng tiêu cực của xã hội, lên án những hành vi tham nhũng, lãng phí, trù dập…, góp phần đem lại niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng tính hiệu quả về công tác tuyên truyền, đáp ứng lòng mong muốn của bạn đọc…
LÊ VĂN