.

Tiếng nói giữa nghị trường

.

Theo luật định, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam có bài phát biểu với nội dung tham gia xây dựng chính quyền và tập hợp phản ánh ý kiến của cử tri.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại kỳ họp HĐND lần thứ 11, khóa VIII.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại kỳ họp HĐND lần thứ 11, khóa VIII.

Việc làm này vừa thể hiện sâu sắc bản chất của chế độ XHCN, bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân; vừa thể hiện vai trò của MTTQ - nơi tập hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đại diện quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; đồng thời là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của chính quyền.

Tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao như vậy nhưng tiếng nói của đại diện MTTQ và cũng là người đại diện nhân dân tại nghị trường có được chú ý hay không, có tác dụng trực tiếp đến kỳ họp, hay nói cụ thể là đóng góp được gì vào nội dung nghị quyết kỳ họp lại là một vấn đề khác.

Tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và thành phố Đà Nẵng ngày nay, không ít kỳ họp mà tiếng nói của Mặt trận có sức chi phối mạnh mẽ, gần như là lời hiệu triệu của tổ chức liên minh chính trị nhằm kết nối lòng Dân với ý Đảng trước khó khăn, thách thức để vun đắp, xây dựng một chính quyền đủ sức chèo chống con thuyền thành phố bức phá để có được một Đà Nẵng như hôm nay. Và cứ mỗi kỳ họp, bên cạnh việc chăm chú theo dõi các phiên chất vấn, phát biểu kết luận của chủ trì…, cử tri và nhân dân luôn chú ý nghe đại diện Mặt trận nói những gì, có đáp ứng tâm tư, ý chí, nguyện vọng của họ hay không.

Nhờ biết phát huy thành quả và kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, nghiêm túc đón nhận, quán triệt các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước như Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị về giám sát xã hội, phản biện xã hội và góp ý xây dựng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên của MTTQ và các Đoàn thể chính trị - xã hội, Luật MTTQ Việt Nam…, nhiệm kỳ X (2014-2019) của MTTQ thành phố Đà Nẵng đã giữ vững truyền thống, phát huy, nâng cao chất lượng ý kiến của Mặt trận tại các kỳ họp HĐND, được lãnh đạo thành phố và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Để có được kết quả trên, mỗi cán bộ từng cấp của Mặt trận luôn chịu khó lăn lộn với thực tiễn, nắm bắt và tập hợp ý kiến cử tri; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo… Tất cả được chắt lọc trung thực, thận trọng, đầy đủ để phản ánh tại diễn đàn kỳ họp.

Cụ thể, tại kỳ họp lần thứ 11 HĐND khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) ngày 9-12-2014, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố thay mặt Ủy ban Mặt trận và các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao kết quả hoạt động của HĐND, của UBND thành phố trên các lĩnh vực, nhất là nỗ lực vượt qua khó khăn của suy thoái kinh tế, phấn đấu hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh.

Đồng thời, ông thẳng thắn đặt ra trước kỳ họp những vấn đề quan trọng, bức xúc liên quan đến sự phát triển của thành phố và đời sống của nhân dân, đó là: một số dự án lớn do thành phố kêu gọi đầu tư nhưng “treo” quá lâu như các dự án tại “khu đất vàng” trung tâm thành phố trên đường Hùng Vương, đặc biệt là dự án sân vận động Chi Lăng cũng như còn gần 1.800 lô đất lớn, nhỏ đang bỏ trống đan xen trong các khu dân cư. Cử tri đề nghị thành phố đánh giá hiệu quả của Đề án chính quyền điện tử được vay từ Ngân hàng Thế giới trị giá hơn 27 triệu USD (khoảng 600 tỷ VND).

Thành phố nhanh chóng ngăn chặn nạn phá rừng ở khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa; xử lý nghiêm những phần tử vi phạm và tiếp tay cho lâm tặc để phá rừng. Đề nghị thành phố làm rõ trách nhiệm các ban quản lý dự án, xử lý kiên quyết trách nhiệm của những cán bộ làm trái và không đúng với chủ trương của thành phố, để “Dân chờ đất, đất chờ dân”; hằng năm thành phố phải chi ngân sách hàng chục tỷ đồng cho dân thuê nhà ở chờ bố trí đất, gây thất thoát, lãng phí tiền của của nhân dân trong khi thành phố đã và đang chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ chương trình “5 xây, 3 chống” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Cử tri đề nghị lãnh đạo thành phố trả lời công khai cho cử tri biết về kết quả xử lý những người vi phạm (giữ đất, giấu đất) và gây thiệt hại về ngân sách.

Tình hình ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp tại các nhà máy, xí nghiệp vẫn còn diễn ra phức tạp, mặc dù thành phố đã đầu tư số vốn lớn cho các công trình xử lý nước thải tại các khu công nghiệp nhưng qua tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên nhận thấy tình trạng ô nhiễm vẫn còn tồn tại điển hình như: Các nhà máy ở khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Thanh Vinh thải nước, khói bụi ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe người dân của các thôn Trung Sơn, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang); tình trạng nước thải dọc tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa đổ ra biển gây mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt, nhất là về du lịch. Những vấn đề này nhân dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được khắc phục... Bên cạnh đó, một số điểm ô nhiễm đã được cử tri phản ánh, kiến nghị nhưng chưa xử lý dứt điểm như tại Âu thuyền Thọ Quang và kênh Phú Lộc tại quận Thanh Khê.

Đến nay, những vấn đề Mặt trận đặt ra tại kỳ họp lần thứ 11 và các kỳ họp trước đã được thành phố tập trung giải quyết. Có những việc thành phố giải quyết khá nghiêm túc, quyết liệt, được cử tri đồng tình, hoan nghênh như xử lý các đối tượng phá rừng; thu hồi đất của các dự án treo để phục vụ cho sự phát triển của thành phố (sân tập golf tại Công viên Thanh niên, nhất là mở rộng Công viên 29-3)... Tuy vậy, còn nhiều vấn đề vẫn chưa dứt khoát như xử lý việc giấu đất tái định cư; xử lý ô nhiễm môi trường… chờ được làm rõ tại kỳ họp thứ 12 vào trung tuần tháng 7 tới.

ĐÔNG TRÀ

;
.
.
.
.
.