.

Tòa án giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự

.

Sáng 10-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Cạn, Gia Lai, Trà Vinh.

Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thống nhất quy định tại khoản 2 Điều 14 dự thảo luật, tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vì pháp luật là sản phẩm của xã hội, là công cụ để quản lý xã hội và pháp luật không bao giờ là đầy đủ, không bao giờ điều chỉnh hết tất cả các quan hệ xã hội phát sinh.

Nếu vì pháp luật chưa quy định mà tòa án từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự, lúc đó các quan hệ xã hội phát sinh sẽ không được điều chỉnh bằng pháp luật, không được quản lý bằng pháp luật. Hậu quả của việc này chính là việc các bên tham gia trong giao dịch có tranh chấp đó sẽ hành xử không theo pháp luật, lúc đó hậu quả của tranh chấp có thể trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.

ĐB nhận định đây là quy định có tính chất đột phá về cải cách tư pháp trong giai đoạn mới của đất nước, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, quyền dân sự của người dân theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp mới. Đồng thời, bảo đảm ổn định trật tự xã hội trong trường hợp tranh chấp xảy ra mà chưa có pháp luật điều chỉnh.

ĐB cho rằng, việc bổ sung khoản 2 Điều 133 vào luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi tài sản là đối tượng của giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền là cần thiết, bảo đảm công bằng, hợp lý đối với người thứ ba ngay tình. Quy định mới này sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với thủ tục đăng ký tài sản, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm công tác đăng ký tài sản.

Tuy nhiên, theo ĐB, trong thực tế tài sản không chỉ chuyển giao cho người thứ ba mà chuyển giao cho người thứ tư, thứ năm thì giao dịch của người thứ tư, thứ năm có được hiểu như giao dịch với người thứ ba hay không? Do đó, ĐB đề nghị luật cần phải quy định rõ vấn đề này.

ĐB đề nghị xem xét lại quy định tại khoản 2 Điều 485: Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn đồng thời có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý. Vì hiện nay, hoạt động vay và cho vay diễn ra phổ biến với khối lượng và giá trị giao dịch lớn.

Khi cho vay, các tổ chức tín dụng đã chủ động thỏa thuận, ký kết các nội dung rất cụ thể về lãi suất, thời gian, lộ trình trả nợ gốc, lãi vay với khách hàng. Thậm chí, nhiều hợp đồng vay quy định việc trả nợ gốc, lãi vay theo một lộ trình nhất định và không được thanh toán nợ trước hạn; tức là khi bên vay có đủ tiền và muốn trả hết khoản nợ vay còn lại thì cũng chưa chắc thực hiện được.

Vì thế, việc quy định “bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn” thể hiện tính ưu việt. Tuy nhiên, ĐB cho rằng việc luật quy định trả lãi vay với mức hợp lý là như thế nào chưa rõ, đề nghị quy định khoảng bao nhiêu phần trăm lãi suất ngân hàng thì được coi là hợp lý, vì nếu luật không quy định thì khi tranh chấp xảy ra không xử lý được.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần sửa đổi Điều 5 về áp dụng tập quán theo hướng, tập quán phải được các bên tranh chấp hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thừa nhận thì mới bảo đảm chặt chẽ, khả thi. ĐB đề nghị cần cân nhắc quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu tại Điều 133, vì hiện nay việc đăng ký tài sản, bán đấu giá tài sản còn nhiều hạn chế, bất cập, xâm phạm quyền của chủ sở hữu tài sản ban đầu. Do đó, ĐB đề nghị cần thiết kế lại quy định này theo hướng, người bán đấu giá và người đăng ký tài sản phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm quyền của chủ sở hữu ban đầu.

Về Điều 192, theo ĐB, luật quy định người nào cho rằng người chiếm hữu tài sản không ngay tình phải chứng minh là không hợp lý, vì quy định như vậy thì trường hợp chiếm hữu tài sản bất hợp pháp, không ngay tình cũng được pháp luật bảo vệ là không đúng. Do đó, ĐB đề nghị luật cần sửa đổi lại theo hướng, quy định trách nhiệm chứng minh thuộc về người đang chiếm hữu tài sản.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.