Cử tri quan tâm, lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình trên các bãi đá, các đảo chiếm giữ trái phép tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.
Chính phủ đã có phương án và các giải pháp nào để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, hải đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc?
Tính về số lượng thì chất vấn dành cho Thủ tướng chỉ ít hơn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (9 chất vấn) và nhiều hơn nhiều các vị bộ trưởng khác. |
Đây là một trong 8 chất vấn được gửi đến người đứng đầu Chính phủ, theo tập hợp của Văn phòng Quốc hội.
Tính về số lượng thì chất vấn dành cho Thủ tướng chỉ ít hơn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (9 chất vấn) và nhiều hơn nhiều các vị bộ trưởng khác.
Còn về nội dung thì không chỉ có những vấn đề đang rất thời sự mà cả vấn đề đã cũ nhưng còn nguyên tính thời sự đều xuất hiện trong chất vấn dành cho Thủ tướng.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng là vấn đề đã đặt ra từ nhiều kỳ họp trước, đại biểu lo lắng: việc thương lái Trung Quốc tung hoành mua bán nông sản (đỉa, vải khô, lá điều khô, hoa thanh long, rễ cây hồ tiêu, cau non, cam non...) một cách có tổ chức ở Việt Nam gây thiệt hại lớn cho người dân, kinh tế Việt Nam, không một cơ quan chức năng nào ra tay ngăn chặn.
Và đề nghị “Thủ tướng chỉ đạo để cảnh báo nguy cơ, ngăn chặn thiệt hại của tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng ở Việt Nam”.
Vị khác nêu vấn đề: “tình hình tham nhũng hiện nay vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Biện pháp mạnh mẽ, cụ thể trong thời điểm này là gì”.
Hoặc, có hay không việc thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc chặt hạ hàng loạt cây xanh nhiều năm tuổi, thay thế cây xanh giá trị thấp ở Hà Nội và lấn sông Đồng Nai. Chính phủ đã chỉ đạo xử lý vấn đề này như thế nào?
Thêm vấn đề thời sự được gửi đến Thủ tướng, đó là: vừa qua trên các phương tiên thông tin đại chúng của Việt Nam đã đưa tin chủ trương của nước ta “bán” sân bay Phú Quốc và nhà ga T1 sân bay Nội Bài, cảng biển, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai... Đề nghị Chính phủ giải thích để người dân được biết và tin tưởng.
Đại biểu cũng muốn biết quan điểm của Chính phủ về đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam về việc sớm thành lập Bộ Năng lượng, là cơ quan chuyên trách, giúp Chính phủ trong việc quy hoạch, phát triển, giải quyết các cơ chế chính sách và nhiều nhiệm vụ khác về công nghiệp năng lượng.
Nếu tách Tổng cục Năng lượng không trực thuộc Bộ Công Thương mà thành bộ chuyên ngành là Bộ Năng lượng, để phù hợp với quy mô quản lý thì có được không, là câu hỏi cụ thể hơn dành cho Thủ tướng.
Bên cạnh các nội dung nêu trên, người đứng đầu Chính phủ còn nhận được các chất vấn liên quan đến giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trợ cấp cho đối tượng có thu nhập thấp, hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp…
Theo chương trình kỳ họp, sáng 13-6, sau khi bốn bộ trưởng đã trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ dành nửa ngày để Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng được Thủ tướng phân công) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, vào kỳ họp giữa năm Thủ tướng thường phân công một Phó Thủ tướng đăng đàn, dù nhiều vị đại biểu bày tỏ muốn nghe Thủ tướng trả lời trực tiếp.
Theo VnEconomy