Sau thời gian thực tập, lứa phóng viên trẻ chúng tôi chính thức được Báo Quảng Nam-Đà Nẵng tiếp nhận vào đầu tháng 11-1985.
Và 3 trong số ấy được phân công “thường trú miền núi”: Nguyễn Trung Hiếu (hiện là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung-Tây Nguyên) đảm trách huyện Giằng; Phạm Tấn Tư (hiện là Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung) theo dõi huyện Hiên và tôi thường trú huyện Phước Sơn.
Thời điểm ấy, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đang triển khai Nghị quyết 27 với mục đích tăng cường cán bộ, góp phần xây dựng và phát triển vùng miền núi của tỉnh. Chúng tôi được điều động cũng để phục vụ nhiệm vụ này. Háo hức nhiều và lo lắng cũng lắm!
Thời kỳ ấy, để đến được một huyện miền núi, việc mua vé xe đò còn khó khăn hơn cả đi nước ngoài bây giờ. Phải thức dậy từ 3-4 giờ sáng mỗi ngày để lên bến xe, xếp hàng đăng ký. Sau đó, dù thuộc diện ưu tiên nhưng cũng mất chừng ấy thời gian mới có được chiếc vé trên tay. Đã vậy, mỗi chiếc xe khách dù chỉ có tải trọng chừng hơn 20 khách nhưng mỗi chuyến “đèo” không dưới 40 người. Cái cảm giác ban đầu khi trên chuyến xe đến thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) là… thăm thẳm. Dù cách Đà Nẵng chưa đến 150km nhưng phải mất 12 giờ đồng hồ cho mỗi chuyến đi.
Lần đầu tiên đến Phước Sơn, có lẽ cảm nhận của cánh phóng viên trẻ như chúng tôi là… nản lòng! Cái lạnh tê tái, khung cảnh tối mịt bởi cơn mưa cuối mùa càng khiến huyện miền núi này âm u, buồn bã hơn. Thế nhưng, chúng tôi đã xác định được nhiệm vụ nên nỗi buồn nếu có cũng chỉ xuất hiện vào những lúc rỗi rãi…
Không chỉ tìm hiểu về tình hình mọi mặt của huyện, tôi còn làm nhiệm vụ của một “tổng biên tập” kiêm “thư ký tòa soạn” của tờ tin Phước Sơn và phải hoàn thành công việc của một phóng viên thường trú. Dĩ nhiên, với những phóng viên mới vào nghề như chúng tôi lúc ấy, khối lượng công việc như thế là không nhỏ. Khó khăn còn ở chỗ, chúng tôi chưa hề có kiến thức về phong tục, tập quán và văn hóa của đồng bào thiểu số.
Vậy là phải tự tìm tòi lẫn học hỏi từ những anh chị có thâm niên công tác tại miền núi trước chúng tôi. May mắn khi cuối năm 1986, buổi báo cáo của chú Sáu Do (Trưởng ban Dân tộc miền núi lúc bấy giờ) giúp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức, nhờ đó mới hiểu đến tục “săn máu”, tục “trả đầu” hay những tập quán khi các thôn, bản có tang ma, người bệnh… Thậm chí, ngay cả với những từ ngữ vốn quen thuộc của người Kinh, chúng tôi vẫn phải thận trọng sử dụng khi tiếp xúc cùng đồng bào dân tộc.
Trở lại với công việc, hầu hết là “dân cày đường nhựa” nên kiến thức về nông nghiệp, lâm nghiệp của chúng tôi gần như bằng không. Lại thêm các ngành kinh tế khác như xuất-nhập khẩu, thương nghiệp, đến xây dựng Đảng, các lĩnh vực văn hóa-xã hội… nên chúng tôi phải vừa học, vừa làm.
Để gửi bài về cơ quan, phải ra tận bến xe nhờ chuyển; sau đó liên lạc để nhờ các anh chị ở cơ quan đến bến xe nhận bài giúp. Những năm ấy, điều kiện thông tin liên lạc khó khăn gấp bội, khi muốn điện thoại về cơ quan, phải xin qua tổng đài. Và có lúc, phải chờ đến gần 1 ngày mới được tổng đài kết nối điện thoại. Nếu gặp thời điểm bão lũ, xem như chúng tôi… mất liên lạc với cơ quan do đường điện thoại bị hỏng hoặc các loại phương tiện chẳng thể lên Phước Sơn hay xuống Đà Nẵng và tình trạng này kéo dài cả tháng là chuyện bình thường.
Đã 30 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in những chuyến đi đến các xã vùng cao Phước Công, Phước Kim, Phước Chánh, Phước Thành, hay những xã vùng thấp như Phước Gia, Phước Trà, Phước Hiệp… mỗi chuyến đi kéo dài hằng tuần bởi quãng đường vài chục cây số.
Có lẽ chính giữa những gian khó ấy, lứa phóng viên trẻ của chúng tôi dễ dàng hơn để “độc lập tác chiến”, cũng như trưởng thành trong công việc; để đến hôm nay, “lửa nghề” vẫn cứ cháy trong mỗi chúng tôi…
NGUYÊN AN