Chính trị - Xã hội
Từ 1-7: Bãi bỏ hàng loạt quy định cản trở kinh doanh
Trong số những luật có hiệu lực thi hành từ 1-7 tới, thì các luật liên quan đến sửa đổi Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Doanh nghiệp,... sẽ gây nhiều chuyển biến bởi đối tượng điều chỉnh rộng và có hiệu lực trên các lĩnh vực vốn được coi là “hot” hiện nay.
Luật Nhà ở quy định cụ thể 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở |
Luật Nhà ở (sửa đổi): Người nước ngoài được mua nhà
Sau rất nhiều tranh cãi thì cuối cùng, theo Luật Nhà ở mới, các quỹ đầu tư nước ngoài, người nước ngoài với visa phù hợp, các công ty quốc tế hoạt động tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được phép mua nhà tại Việt Nam.
Luật cũng không có quy định nào giới hạn về số lượng căn hộ, nhà mà người nước ngoài có thể mua; tuy nhiên, tổng số căn hộ lưu trú mà người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn nhà.
Ngoài ra, Luật còn quy định cụ thể 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở và bổ sung quy định khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở; hướng thu hẹp đối tượng được nhà công vụ.
Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi): Thanh lọc để lành mạnh
Với 6 chương, 82 điều, Luật Kinh doanh bất động sản đưa ra nhiều yêu cầu mới để lành mạnh hoá thị trường BĐS hiện nay.
Cụ thể, Luật mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi mua, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, nhất là đối với bất động sản là nhà ở.
Luật cũng quy định, muốn kinh doanh BĐS phải có số vốn pháp định ít nhất là 20 tỷ đồng, thay vì 6 tỷ đồng như trước đây. Ngoài ra, vốn tự có không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án dưới 20 ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án từ 20 ha trở lên.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Tự do kinh doanh ngành nghề luật không cấm
Với 10 chương, 172 điều, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này được ghi nhận là có nhiều thay đổi đột phá, đó là thể chế hóa một cách đầy đủ quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo Hiến pháp: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà Luật không cấm.
Một trong những thay đổi quan trọng khác trong sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là việc đăng ký kinh doanh sẽ có thay đổi căn bản theo hướng không quy định ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, còn một số điểm mới như doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Doanh nghiệp dùng 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp.
Luật Đầu tư (sửa đổi): Bỏ nhiều thủ tục rối rắm
Luật Đầu tư có 7 chương, 76 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.
Điểm mới quan trọng nhất trong Luật Đầu tư là bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà thầu nước ngoài (từ 45 ngày theo Luật Đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày).
Một thay đổi khác đáng ghi nhận là tiếp cận phương pháp mới chọn - bỏ: những gì cấm thì ghi vào trong luật, không ghi có nghĩa là được quyền làm. Chẳng hạn, Luật đầu tư (sửa đổi) quy định cấm đầu tư kinh doanh ma túy; hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; sinh sản vô tính trên người.
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp
Với mục đích giám sát vốn Nhà nước sao cho hiệu quả khi đầu tư vào doanh nghiệp, đối tượng áp dụng của Luật gồm 4 nhóm: Đại diện chủ sở hữu nhà nước; DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Với 10 chương, Luật quy định rất cụ thể mục đích, nguyên tắc, trình tự, các hành vi bị cấm khi đầu tư vốn Nhà nước vào các DN, trong đó nói rõ trách nhiệm của các bên tham gia đầu tư, giám sát vốn Nhà nước, có khen thưởng kỷ luật đảm bảo vốn Nhà nước kinh doanh có lãi, không bị thua lỗ, thất thoát.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật thuế: DN “dễ thở”
Theo luật mới, mức trần khống chế doanh nghiệp chỉ chi quảng cáo 15% theo quy định của pháp luật hiện hành đã được Quốc hội bãi bỏ. Thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập từ trúng thưởng trong casino cũng đã được Quốc hội quyết định bãi bỏ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quyết định tăng thuế suất đối với người kinh doanh casino từ 30% lên 35%.
Luật Hàng không Dân dụng (sửa đổi): Khách đỡ lo khi bị chậm, hủy chuyến
Tránh tình trạng độc quyền ở sân bay để bán giá đắt đỏ cho hành khách đi máy bay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ, một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu.
Đáng lưu ý, Luật bổ sung quy định về nghĩa vụ của các hãng hàng không trong việc đảm bảm chất lượng dịch vụ, đặc biệt khi chuyến bay bị chậm, huỷ chuyến.
Theo quy định mới, từ 1/7, mức bồi thường đối với hành khách bay nội địa sẽ được tăng thêm 100.000 đồng, cụ thể, chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 200.000 đồng; chuyến bay có độ dài đường bay từ 500km đến dưới 1.000 km: 300.000 đồng; chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 400.000 đồng.
Luật Giáo dục nghề nghiệp: Kỳ vọng nguồn nhân lực tay nghề cao
Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1/7, sẽ thống nhất hệ thống 3 cấp trình độ dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp và trường cao đẳng nghề thành một hệ thống gồm 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Luật cũng đưa ra nhiều hình thức thu hút học nghề đối với những người tốt nghiệp THCS, chính sách với người khuyết tật,... hy vọng nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề cao tới đây sẽ dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Theo Vietnamnet