.
Vi phạm bản quyền nhiếp ảnh

Bài 1: Sao chép tràn lan

.

Mặc dù luật pháp đã quy định rõ quyền tác giả nhưng việc vi phạm tác quyền, trong đó có tác phẩm nhiếp ảnh, vẫn diễn ra ngày càng nhức nhối.

Bức ảnh “Đà Nẵng hướng đến tương lai” của tác giả Mạc Bảo Khánh.
Bức ảnh “Đà Nẵng hướng đến tương lai” của tác giả Mạc Bảo Khánh.

Vô tư sử dụng ảnh “chùa”

Theo nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, tình trạng đạo ảnh, vi phạm bản quyền tác phẩm ảnh hiện nay khá phổ biến, thông qua nhiều hình thức như: sao chép trên mạng Internet, chụp lại từ các ấn phẩm, đến việc dùng các phần mềm chỉnh sửa, ghép ảnh...

Trao đổi với chúng tôi, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng khẳng định từng bị ăn cắp ảnh. “Vi phạm nhiều nhất có lẽ là các trang web, các trang này vô tư tìm kiếm ảnh trên mạng để minh họa cho thông tin trên website mà không ghi tên tác giả, chứ đừng nói đến chuyện xin phép. Có người còn ngang nhiên in ảnh của tôi ra hàng trăm tấm, khổ lớn rồi đem bán. Một số tác phẩm của anh em được chụp phóng to, in pa-nô trên các tuyến đường Đà Nẵng nhằm quảng bá, quảng cáo”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quốc Tấn chia sẻ.

Khi phát hiện tác phẩm của mình bị sử dụng “chùa”, hầu hết nghệ sĩ nhiếp ảnh “xí xóa” cho qua; cũng có nhiều trường hợp tự thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, không phải vụ dàn xếp nào cũng dễ dàng. Trường hợp nhiếp ảnh gia Lê Thọ gần đây là một điển hình. Sau khi phát hiện bức ảnh “Cầu rồng phun lửa” của mình được dùng trong áp-phích quảng cáo treo trên nhiều tuyến đường thành phố, cổng chính, sảnh và sân khấu tại Triển lãm quốc tế Vietbuild Đà Nẵng 2015, anh Lê Thọ đã liên hệ với các bên liên quan để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Cầm 2 bức ảnh trên tay (1 ảnh thật và 1 ảnh sao chép), anh Lê Thọ nói: “Đây là bức ảnh tôi chụp hôm khánh thành cầu Rồng và đã được triển lãm tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật Đà Nẵng toàn cảnh 2015. Còn bức ảnh được dùng trong áp-phích quảng cáo tại Triển lãm quốc tế Vietbuild Đà Nẵng 2015 thì họ đã dùng công nghệ xóa bớt một số tiểu tiết. Thật tình tôi không muốn làm to chuyện, kiện cáo vì vừa tốn tiền, vừa mệt mỏi. Tôi chỉ cần họ xin lỗi và trả nhuận ảnh. Nhưng đến nay, họ vẫn bất hợp tác”.

Đưa nhau ra tòa

Mới đây, TAND quận Hải Châu đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện “Vi phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh” giữa anh Mạc Bảo Khánh (SN 1992, ngụ quận Hải Châu) và Công ty TNHH MTV tư vấn giải pháp công nghệ thông tin Toàn Cầu Xanh (trụ sở tại quận Hải Châu). Đây được xem là vụ kiện về vi phạm bản quyền đầu tiên tại Đà Nẵng.

Theo đó, tác phẩm “Đà Nẵng hướng đến tương lai” đã được anh Khánh đăng trên các trang facebook, flickr cá nhân (có chữ ký chìm - PV) và báo điện tử VnExpress.net (không có chữ ký chìm  - PV). Ngày 20-7-2014, anh Khánh đăng nhập vào hệ thống wifi của thành phố và phát hiện tác phẩm “Đà Nẵng hướng đến tương lai” có chữ ký chìm của mình bị sử dụng trái phép với tên gọi “Đà Nẵng và những cây cầu”.  

Nói về quyết định đưa vụ này ra tòa, anh Khánh tâm sự: “Trước khi khởi kiện, tôi đã chủ động làm việc với Công ty Toàn Cầu Xanh với tâm lý dĩ hòa vi quý. Tuy nhiên, Công ty Toàn Cầu Xanh vẫn làm ngơ, không có văn bản xin lỗi chính thức nào. Do đó, tôi khởi kiện với quyết tâm trên hết là tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình”.

Sau 2 lần hòa giải bất thành, ngày 9-3-2015, TAND quận Hải Châu quyết định thành lập Hội đồng định giá bức ảnh “Đà Nẵng hướng đến tương lai” gồm 5 cơ quan: Sở VH-TT&DL, Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Nhiếp ảnh thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Phòng Tài chính UBND quận Hải Châu. Ngày 17-3-2015, Hội đồng định giá xác định tác phẩm trên trị giá 20 triệu đồng.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định: Một tác phẩm không thể tự nhiên ra đời mà là kết quả của sự đầu tư chất xám, vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, cần có sự tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu chính đáng.

Việc Công ty Toàn Cầu Xanh đưa bức ảnh của anh Khánh lên giao diện website phiên bản mobile của cổng wifi thành phố Đà Nẵng với mục đích thương mại khi chưa được sự đồng ý của tác giả là vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh. Từ đó, HĐXX chấp nhận một phần nội dung khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc công ty Toàn Cầu Xanh bồi thường mức thiệt hại 70% giá trị tác phẩm cho tác giả, tương ứng 14 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu bị đơn trả 2,5 triệu đồng chi phí định giá bức ảnh “Đà Nẵng hướng đến tương lai”.

NGỌC HÀ - TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.