.
Vụ phá rừng phòng hộ:

Hơn 53.000 m2 rừng bị triệt phá không thương tiếc

.

ĐNĐT - Sau khi phát hiện vụ việc các đối tượng ngang nhiên đưa xe múc vào khu vực rừng phòng hộ sông Cu Đê ở tiểu khu 10 (thôn An Định, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), hiện Hạt Kiểm lâm Hòa Vang đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng huyện củng cố hồ sơ để sớm khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. 

Dư luận đang trông chờ kết quả xử lý của các cơ quan chức năng để tìm ra kẻ chủ mưu đưa người và phương tiện máy móc cày xới khu rừng phòng hộ này?

Dọc theo hai bên con đường rộng 4 mét này, những vạt rừng bị đốn hạ không thương tiếc
Dọc theo hai bên con đường rộng 4 mét này, những vạt rừng bị đốn hạ không thương tiếc

Phải tìm cho được kẻ chủ mưu

​Sáng 12-6, 8 đối tượng là công nhân làm thuê trong vụ phá rừng phòng hộ sông Cu Đê vẫn ở trụ sở Hạt Kiểm lâm Hòa Vang để phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng.

Hầu hết các đối tượng này đều là người ngoài địa phương. Cụ thể gồm: Trịnh Kim Hùng (1966), Nguyễn Hậu (1966) cùng trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu; Nguyễn Văn Liên (1954), Nguyễn Văn Tín (1982), Nguyễn Văn Đương (1968), Nguyễn Văn Lý (1970), cùng trú huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An;Nguyễn Văn Hiệp (1988), trú xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai và Mai Kim Sự (1977), trú xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Đối tượng phá rừng tại buổi kiểm tra hiện trường sáng 11-6.
Đối tượng phá rừng tại buổi kiểm tra hiện trường sáng 11-6.

​Ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cho biết, đến cuối buổi chiều cùng ngày, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an huyện Hòa Vang thụ lý và Công an huyện Hòa Vang đã thực hiện bắt tạm giam đối tượng Trịnh Kim Hùng (1966), trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu để phục vụ công tác điều tra. Trên cơ sở đó, Công an huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục điều tra, truy tìm kẻ chủ mưu vụ phá rừng này, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 

Cũng theo ông Thám, riêng chiếc xe múc, phương tiện các đối tượng sử dụng trong vụ phá rừng, hiện đã hư hỏng và còn nằm ở hiện trường, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang yêu cầu tài xế phải nhanh chóng sửa chữa để đưa về trụ sở Hạt xử lý trong thời gian sớm nhất.  

​Trong một diễn biến khác, ông Lê Mạnh Hùng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, hậu quả vụ phá rừng này khiến cành cây ngả đổ khô lá nhiều ở các cánh rừng, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng trong những ngày nắng nóng rất cao. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hòa Vang phối hợp cùng UBND xã Hòa Bắc lập tổ công tác túc trực thường xuyên để bảo vệ hiện trường, cũng như khoanh vùng đề phòng nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra trên địa bàn. 

Những gốc cây to còn trơ lại giữa rừng
Những gốc cây to còn trơ lại giữa rừng

Kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân 

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại sáng 12-6, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, để xảy ra vụ phá rừng phòng hộ sông Cu Đê trách nhiệm trước hết thuộc về Hạt Kiểm lâm Hòa Vang và UBND xã Hòa Bắc. Vì vậy, sắp đến UBND huyện Hòa Vang sẽ yêu cầu các cơ quan, đơn vị này tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. 

Chiều 12-6, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, vụ việc phá rừng phòng hộ sông Cu Đê ở tiểu khu 10, thôn An Định, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đã tương đối rõ, cơ quan chức năng đã lấy lời khai của các đối tượng trực tiếp phá rừng.

Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hòa Vang tích cực phối hợp cùng Công an huyện điều tra, sớm khởi tố vụ án, truy tìm đối tượng chủ mưu, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Riêng ở góc độ quản lý của ngành, thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cũng sẽ xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý, phụ trách địa bàn đã để xảy ra vụ phá rừng này.

Hòa Khánh

 

;
.
.
.
.
.