Chính trị - Xã hội
Vượt lên chính mình
Bị khuyết tật từ khi sinh ra, những tưởng anh Trần Mạnh Huy (SN 1973, Giám đốc Công ty cổ phần V.B.P.O Đà Nẵng) sẽ ăn bám bố mẹ suốt đời.
Thế nhưng, anh đã vượt lên không những để được sống như những người lành lặn mà trở thành một ông chủ công ty phần mềm nổi tiếng, giúp đỡ nhiều cuộc đời tật nguyền như anh.
Với nỗ lực của bản thân, Trần Mạnh Huy không chỉ vượt qua tật nguyền mà còn giúp đỡ nhiều trường hợp bất hạnh như mình. |
Số phận bất hạnh
Một ngày cuối tháng 5 nắng gắt, tôi đến Công viên phần mềm, nơi công ty anh Trần Mạnh Huy thuê làm trụ sở chính. Gặp nhau dưới chân thang máy, anh mau mắn dẫn tôi lên phòng làm việc. Pha ly nước mời khách, anh kể: Tôi sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, nhưng 6 người khác đều khỏe mạnh, bình thường. Riêng tôi, sinh ra đã bị dị tật, liệt nửa người. Bố mẹ hết sức đau lòng. Thương con, bố mẹ tôi chạy chữa khắp nơi nhưng tiền mất mà bệnh vẫn còn mang. Tôi lớn lên mà không có tuổi thơ vui đùa như các bạn. Tôi cắp sách đến trường với biết bao mặc cảm, vì bạn bè trong lớp ai cũng trêu chọc. Bỏ ngoài tai những lời dị nghị của bạn, tôi cố gắng học tập và dần được thầy cô, bạn bè quý mến…
Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Công nghệ thông tin với điểm khá cao. “Mình đỗ đại học nhưng nhà trường không cho học, bởi sức khỏe không bảo đảm. Bố mẹ mình đến trường cam kết cho mình đến lớp nên nhà trường chấp nhận”, Huy nhớ lại. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, Huy tốt nghiệp đại học thuộc dạng nhóm đầu của khóa và xin vào dạy tại một trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh.
Một thời gian sau, anh được một công ty phần mềm hàng đầu của Mỹ tuyển dụng vào làm việc. Làm gần 10 năm, cho đến năm 2006 thì anh quay về Đà Nẵng đi dạy phần mềm công nghệ thông tin, sau đó làm sếp tại Công ty FPT. Nhưng để kiếm tiền nuôi bản thân thì không có ý nghĩa gì, anh tính đến chuyện lớn hơn là giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như mình.
Chia sẻ cho người cùng cảnh
Năm 2010, Trần Mạnh Huy đứng ra thành lập Công ty cổ phần V.B.P.O nhằm cung cấp các giải pháp dịch vụ và xử lý dữ liệu toàn diện cho doanh nghiệp. Huy nghĩ, ở lĩnh vực này sẽ rất phù hợp với những người khuyết tật. Do đó, việc đầu tiên là anh tuyển dụng những người khuyết tật vào làm việc để đào tạo công nghệ thông tin cho họ, vừa giúp họ có công ăn việc làm, ổn định thu nhập, không bị mặc cảm với xã hội. “Những người mà tôi tuyển dụng vào đều không bà con thân thích, không quen biết. Đó chỉ là những người đồng cảnh ngộ như tôi, cũng phải bươn chải, kiếm sống như những người bình thường khác”, Huy nói.
Đến nay, Công ty cổ phần V.B.P.O đã mở 5 lớp đào tạo cho người khuyết tật. Theo anh Huy, mục tiêu đào tạo của V.B.P.O là nhập dữ liệu, xử lý hình ảnh, cơ bản về thiết kế web, tiếng Nhật. Sau quá trình đào tạo, những học viên đạt yêu cầu sẽ được tuyển dụng thành nhân viên chính thức của công ty. Hiện tại, công ty anh có nhiều chi nhánh trên toàn quốc với trên 200 nhân viên, trong đó có 30% là nhân viên khuyết tật. Riêng ở Đà Nẵng có khoảng 30 nhân viên khuyết tật đang làm việc cho công ty, với mức lương bình quân trên 3,2 triệu đồng/tháng.
Nguyễn Văn Nhân, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng công nghệ thông tin, không biết xin việc như thế nào bởi anh bị khuyết tật. Rồi Nhân được V.B.P.O tuyển dụng. Sau hai tháng học nghiệp vụ xử lý hình ảnh thiết kế miễn phí do công ty tổ chức, Nhân trở thành nhân viên chính thức. “Trong môi trường làm việc này chúng tôi được truyền sự hứng khởi, nghiêm túc, thậm chí là nghiêm khắc hơn nên trưởng thành nhanh chóng. Chúng tôi có thể tự tin đảm nhận các dự án do công ty giao phó”, Nhân cho hay.
Vừa qua, để đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, Trần Mạnh Huy đã vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng 500 triệu đồng và của Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố 500 triệu đồng. Chính nhờ hai nguồn vốn này, công ty đã phát triển mạnh mẽ, nhân viên được đào tạo, tuyển dụng ngày một nhiều hơn.
Bằng sự nỗ lực phi thường của bản thân, Trần Mạnh Huy không chỉ chinh phục được bệnh tật mà trở thành một con người có ích cho xã hội bằng việc tạo ra việc làm và thu nhập cho những người khuyết tật. Anh không chỉ là tấm gương sáng cho người khuyết tật học hỏi mà những người bình thường cũng phải noi theo.
Bài và ảnh: AN NHIÊN