“Viết báo là nghề nghiệt ngã”. Tại lớp tập huấn nghiệp vụ cho phóng viên do Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức vào năm 2003, ông Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban Công tác hội của Hội Nhà báo Việt Nam đã nói như vậy. Nhiều năm gắn bó với nghề cầm bút, tôi thấm thía câu nói ấy, bởi mỗi khi đối mặt với vấn đề gai góc, nhạy cảm là y như rằng rủi ro, nguy hiểm, có khi cả sự cám dỗ đón đợi ở phía trước.
Một trong nhiều trụ bê-tông tại nhà A5 chung cư Vũng Thùng bị bong tróc, hư hỏng. |
Không nhiều thâm niên làm báo như một số đồng nghiệp cùng trang lứa, song sau hơn 16 năm gắn bó với nghề nghiệt ngã này, tôi nhận thấy ngoài năng lực về chuyên môn, người cầm bút còn phải biết vượt lên chính mình để không trở thành kẻ bị người khác chi phối khi đối mặt với các vấn đề gai góc của cuộc sống. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin chia sẻ đôi điều về một số lần phải đấu tranh quyết liệt với chính mình để không bị sự đe dọa và cám dỗ đánh gục.
Đã mấy năm trôi qua, song lần thực hiện bài viết: “Hư hỏng xuống cấp nhà A5, A6 chung cư Vũng Thùng: Con chung không ai chịu trách nhiệm”, vẫn vẹn nguyên trong tôi. Chả là dạo đó, khi tận mắt chứng kiến hàng chục trụ bê-tông của 2 ngôi nhà được gọi là chung cư cao cấp ấy bị bong tróc từng mảng, lộ ra các cây thép rét gỉ, biến dạng, thấm dột… và sự búc xúc của người dân, mặc dù không phải lĩnh vực phụ trách, song tôi đã rất trăn trở và quyết đưa sự việc này lên mặt báo.
Những ngày tiếp theo, tôi đầu tư khá nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, thu thập tư liệu cho bài viết. Hết gõ cửa chủ đầu tư, đơn vị quản lý điều hành lại đến đơn vị thi công 2 nhà chung cư ấy. Song đến đâu cũng nhận được sự thờ ơ, có vẻ như bất hợp tác. Nhiều bữa, tôi kiên trì ngồi chờ cả buổi vẫn không gặp được người cần gặp. Đã có lúc tôi tính bỏ cuộc. Thế nhưng, mỗi khi có ý chùn bước, một số người quan tâm đến 2 chung cư ấy lại động viên, khích lệ. Có người góp ý chân tình: “Chất lượng chung cư cao cấp như vậy mà báo chí cũng làm ngơ thì dân biết dựa vào ai. Ở thành phố này, biết bao chung cư bị phá bỏ khi đưa vào sử dụng chưa lâu chỉ vì chất lượng quá kém.
Sự im lặng đồng nghĩa với thỏa hiệp. Không ai lên tiếng phê phán, mai đây biết bao chung cư tương tự sẽ mọc lên. Ai sẽ gánh chịu hậu quả nếu như không phải là người dân và ngân sách Nhà nước!”. Nghe nói vậy, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, quyết đi tới cùng đề tài đang theo đuổi. Không ít khi, hình ảnh những trụ bê-tông nhà cao tầng bị bong tróc, cốt thép phía trong rét rỉ, biến dạng lộ ra cùng ánh mắt và lời tâm sự chân tình của bà con sinh sống tại đó, làm tôi luôn day dứt, trăn trở. Thế rồi, tôi tự hứa với lòng phải đưa vấn đề này lên báo, trước hết phải lấy cho bằng được Bản kiểm định chất lượng nhà A5, A6 của cơ quan chức năng.
Thế rồi, điều khó khăn nhất cũng được giải tỏa khi tôi được Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng đưa cho 2 tập tài liệu dày cộm thể hiện đầy đủ và chi tiết kết quả kiểm định chất lượng 2 nhà A5, A6 chung cư Vũng Thùng. Sau này tôi biết, vì quá nể, ông ấy mới giúp, chứ ông cũng sợ bị khiển trách bởi chưa xin phép cấp trên.
Tài liệu thể hiện rất chi tiết chất lượng các cấu kiện sau kiểm định. Cụ thể: Trụ bê-tông chịu lực, tại tầng 1 nhà A5, kiểm định 10 cột thì cả 10 cột đều ở tình trạng nguy hiểm. Tại tầng 1 nhà A6, kiểm định 29 cột thì cả 29 cột đều nguy hiểm... Tình trạng nguy hiểm này được ghi rõ: “vết nứt thẳng đứng, lớp bê-tông bảo vệ bị bong tróc, cốt thép bị rỉ”. Chính các cụm từ “nguy hiểm”, “không đạt yêu cầu” này thôi thúc tôi đi đến cùng sự việc.
Người cuối cùng trong số hơn chục người tôi đã gặp để lấy tư liệu cho bài viết là giám đốc đơn vị thi công 2 nhà A5, A6. Ông là người khá nổi tiếng trong giới xây dựng ở Đà Nẵng, song đó là lần đầu tiên tôi gặp. Khi tôi hỏi ông nguyên nhân gây nên tình trạng xuống cấp quá nhanh tại 2 nhà A5, A6, vị giám đốc này cho biết nguyên nhân thì nhiều lắm, chủ quan có, khách quan có.
Tuy vậy, việc đã rồi, rất mong tôi thông cảm không đưa lên báo nữa. Ông xin tôi số điện thoại và nói sẽ hẹn gặp tại nhà hàng nào đó, nhâm nhi, trò chuyện. Tôi cảm ơn ông rồi nói rõ quan điểm của mình là vấn đề này tôi phải phản ánh lên công luận, lương tâm nghề nghiệp buộc tôi phải làm vậy. Tôi biết, đưa lên báo, đơn vị thi công ít nhiều bị ảnh hưởng, song không thể khác. Nghe tôi nói vậy, ánh mắt ông đượm buồn. Sau đó, tôi bắt tay tạm biệt ông và cảm thấy thanh thản vì đã xử lý tình huống đúng với lòng mình.
Vượt qua một số trục trặc nho nhỏ, bài báo cũng đến tay bạn đọc. Sau khi báo đăng, vài tuần sau tôi nhận được nhuận bút 600.000 đồng cho cả 2 kỳ. Nói về thu nhập thì bài báo này là thấp nhất, bởi phải đầu tư hàng chục ngày đi lấy tư liệu và nhiều đêm căng mắt viết đi, viết lại. Tuy vậy, tôi rất vui vì đã làm được việc nên làm.
Đối với bài viết: “Dự án hạ tầng kỹ thuật khu số 7 dọc tuyến đường ĐT602: Chất lượng công trình có vấn đề” đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 16-5-2014, tôi chịu cùng lúc cả sự cám dỗ và đe dọa. Đợt đó, sau khi nhận khá nhiều cuộc điện thoại của người dân xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) nơi dự án đang triển khai yêu cầu phản ánh tình trạng chất lượng công trình không bảo đảm lên báo, tôi đến hiện trường.
Quả đúng như người dân phản ánh, việc thi công dự án này rất ẩu. Tôi thả sức tác nghiệp mà không hề có sự cản trở nào, ghi hình đầy đủ việc lắp đặt cống thoát trên nền đất sình lầy, tại các mối ghép của các cống chỉ trát qua lớp vữa phía trên, hố ga sau khi dỡ cốt pha lộ cả thép phía trong. Khi ghi nhận đầy đủ ý kiến của cán bộ và người dân địa phương, tôi về với mục đích đến các cơ quan liên quan làm rõ việc thi công ẩu này.
Đang đi, bỗng dưng có người ép sát phía trước. Vừa dừng xe, người đàn ông cỡ gần 40 tuổi, hỏi: Có phải lúc nãy anh chụp ảnh ghi hình tại công trình ở Hòa Sơn? Đúng rồi, tôi trả lời. Thế rồi, anh ta tự giới thiệu đội trưởng thi công và xuống giọng năn nỉ xin tôi đừng đưa lên báo và không phủ nhận việc thi công quá ẩu của đơn vị. Anh ta còn nói, nếu dự án này lên báo thì bị phạt và đuổi việc, đời sống gia đình sẽ vô cùng khó khăn. Nói xong anh chìa ra chiếc phong bì nhờ tôi giữ kín chuyện thi công ẩu. Tôi từ chối chiếc phong bì anh ta đưa, rồi nói: Thi công kiểu ấy, chẳng bao lâu công trình hư hỏng hết, người dân sẽ gánh chịu hậu quả, rồi phóng xe đi.
Tưởng mọi việc đã đâu vào đấy, chiều hôm sau 2 người (có cả người hôm trước) tìm gặp tôi. Họ lại năn nỉ xin không đưa lên báo và cũng chìa ra chiếc phong bì khá dày. Cũng như lần trước, tôi kiên quyết từ chối và nói với họ: Thi công ẩu như vậy phải đưa lên báo. Đây là yêu cầu của người dân, tôi không thể làm khác. Trước khi chia tay họ, tôi nhận thấy ánh mắt họ nhìn tôi không mấy thiện cảm.
Chỉ mấy tiếng đồng hồ khi bài lên báo, cơ quan chức năng tiến hành thẩm định chất lượng tại công trình tôi đề cập. Tôi biết được điều này, thông qua cuộc điện thoại đe dọa của đơn vị thi công: “Ông liệu hồn. Đoàn thẩm định chất lượng đã đến công trình. Nếu không có gì sai phạm, ông không sống nổi với chúng tôi đâu”. Hơi chột dạ, song tôi tự trấn an, bởi biết chắc thế nào cơ quan chuyên môn cũng đánh giá khách quan về chất lượng công trình này.
Vài ngày sau, đến cơ quan tôi nhận được phản hồi của chủ đầu tư dự án, kèm theo quyết định xử phạt các đơn vị liên quan 125 triệu đồng do công trình không bảo đảm chất lượng. Phản hồi cũng nêu rõ, bằng các thiết bị chuyên dụng kiểm tra tại 16 hạng mục, thì cả 16 hạng mục đều không đạt yêu cầu theo thiết kế, đồng thời yêu cầu đơn vị thi công phải phá bỏ làm lại.
Những ngày tiếp theo, điện thoại của tôi liên tục reo. Lúc thì nghe người dân Hòa Sơn khen là dũng cảm, dám đối đầu với sự việc gay cấn này. Lúc thì nghe lời đe dọa từ ai đó với giọng điệu hằn học. Tôi đã trao đổi sự đe dọa này cho lãnh đạo cơ quan, đề phòng có kẻ manh động gây hại đến tôi và gia đình. Còn với tôi, nhận 400.000 đồng nhuận bút của bài viết mà vui hết chỗ nói, bởi đã vượt qua được chính mình, phản ánh đúng sự việc.
Nguyễn Cầu