.

Xâm hại tình dục trẻ em: SOS!

Nạn xâm hại tình dục trẻ em đang là thực trạng nhức nhối của toàn xã hội, với hệ quả để lại vô cùng lớn, nhất là nạn nhân bị ám ảnh suốt cuộc đời...

Nhiều vụ án thương tâm

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục, năm sau thường cao hơn năm trước; trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%. Nhiều trường hợp chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng hầu hết bị “chìm xuồng” vì nhiều lý do.

Tại Đà Nẵng, thời quan qua, TAND hai cấp đã đưa nhiều vụ án xâm hại tình dục ra xét xử. Trong đó, rúng động dư luận nhất phải kể đến vụ án N.C.S (45 tuổi, ngụ quận Sơn Trà). Theo cáo trạng, tối 20-8-2014, sau khi nhậu say ở nhà hàng xóm, S. về nhà, thấy con gái ruột là H. (lúc này 16 tuổi 3 tháng) đang nằm ngủ một mình nên thực hiện hành vi giao cấu. Bị đau, H. tỉnh giấc, la lên thì S. dừng lại và dặn đừng nói cho ai biết. Sáng sớm hôm sau, H. đến nhà dì ở quận Liên Chiểu kể lại sự việc này. Sau đó, H. cùng dì đến Công an trình báo, S. bị bắt khẩn cấp ngay trong ngày.

Một vụ án khác, trưa 2-11-2014, Đ.V.N (SN 1993, ngụ quận Liên Chiểu) rủ người yêu là P.T.X.D (SN 1998, ngụ huyện Hòa Vang) đi dự đám cưới người bạn. Tại tiệc cưới, D. uống nhiều bia và thấy mệt nên N. đưa bạn gái về nhà mình nghỉ ngơi. Tại đây, mặc dù D. khóc và chống cự nhưng N. vẫn cố thực hiện hành vi giao cấu với D.

Đáng nói, trong hai vụ án trên, sự thờ ơ, thiếu quyết đoán của những người mẹ đã góp phần giúp cái xấu có cơ hội thực hiện. Ở vụ án N.C.S, 4 ngày trước khi sự việc xảy ra, S. từng có hành vi sàm sỡ con gái. Khi H. kể lại chuyện này với mẹ kế là chị D., chị D. chỉ khuyên can S. mà không có những động thái kiên quyết hơn.

Còn mẹ của Đ.V.N, thấy con trai dìu người yêu vào phòng ngủ khi cả hai đã ngà ngà say, bà chỉ nhẹ nhàng căn dặn con: “Đừng làm bậy tội con người ta…”. Chỉ khi nghe tiếng D. kêu khóc, bà mới giật mình, hốt hoảng đập cửa phòng nhưng con bà không chịu mở. Lúc bà chạy vòng ra sân sau, can ngăn con qua khung cửa sổ thì mọi chuyện đã muộn. Hôm TAND quận Liên Chiểu xét xử con bà về tội “Hiếp dâm”, bà không ngừng tự trách: “Giá mà hôm ấy tôi cương quyết ngăn cản con thì mọi chuyện đâu ra nông nỗi này…”. Đáng tiếc, sự hối hận của bà đã muộn màng.

S. lãnh mức án 8 năm tù, còn N. nhận hình phạt 5 năm tù cùng về tội “Hiếp dâm”. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã bị trừng phạt nhưng vẫn chẳng thể nào đưa H. và D. ra khỏi cơn ác mộng, sự ám ảnh, trả lại các em nét ngây thơ vốn có ở độ tuổi trăng rằm.

Phòng bằng cách nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, các vụ được đưa ra xét xử còn rất ít so với con số thực tế. Từng trực tiếp xử lý những tình huống xâm hại trẻ em (trong đó có xâm hại tình dục), một cán bộ điều tra cho biết quá trình điều tra rất khó khăn vì khi bị xâm hại, hầu hết các em rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, không trình bày, nhận dạng rõ đối tượng. Hơn nữa, gia đình các em thường giấu giếm vì sợ xấu hổ. “Do đó, đa số thỏa thuận với người xâm hại để nhận đền bù. Khi nào không thỏa thuận được mới làm đơn tố cáo. Nhiều trường hợp đến khai báo đã quá trễ, không còn bằng chứng chứng minh phạm tội nữa”, cán bộ điều tra này nói.

Trong khi đó, theo bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thành phố, trẻ em bị xâm hại để lại di chấn về tâm lý khá nặng nề. Nếu không được quan tâm, giúp đỡ sau này sẽ có cái nhìn bi quan về cuộc sống. Vì thế, giải pháp đưa ra cho nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện nay được các nhà quản lý, các chuyên gia đặt lên hàng đầu là vai trò của gia đình.

“Các bậc phụ huynh hãy là người bạn của con, gần gũi tâm sự mọi vấn đề trong cuộc sống, kể cả những vấn đề tế nhị liên quan tới giới tính. Quản lý quỹ thời gian lẫn tiền bạc của con cái để biết con đi đâu, làm gì, chơi với những ai. Với những bé nhỏ tuổi, cha mẹ phải để ý nhiều hơn, không tách rời con, tránh tư tưởng chủ quan, không đề phòng những người thân quen, tạo sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng. Nếu chẳng may con cái bị xâm hại, không nên giấu giếm mà mạnh dạn tố cáo và nếu cần thiết thì đưa trẻ đến trung tâm công tác xã hội hoặc bệnh viện để giúp trẻ vượt qua khủng hoảng bằng liệu pháp tâm lý”, bà Trương Thị Như Hoa nêu ý kiến.

Về vấn đề này, bà Hà Thị Kim Ánh, Trưởng phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, bên cạnh gia đình, cần nâng cao trách nhiệm của các ban, ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống và thực hiện nhiều chương trình bảo vệ trẻ em. Còn anh Hoàng Văn Tịnh (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nói: “Không ai bảo vệ con mình bằng chính mình. Hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái”.

NGỌC HÀ - TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.