Người bưng gạch, người khiêng tôn, người lát gạch…, ngôi nhà nhanh chóng được hoàn thành bởi sự chung tay của nhiều nạn nhân da cam và cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin thành phố Đà Nẵng.
Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở huyện Hòa Vang sửa nhà. |
Chung tay
Sáng sớm, hàng trăm hội viên thuộc Hội NNCĐDC/dioxin Đà Nẵng đã có mặt để giúp gia đình anh Dương Minh Bình (23 tuổi, ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) - là NNCĐDC sửa chữa nhà. Những tấm tôn hoen rỉ được tháo xuống để thay bằng những tấm tôn mới sáng ánh, những tấm gạch hoa mới được thay làm nền khiến căn nhà như rộng hơn. Bức tường ẩm mốc cũ kỹ không còn, thay vào đó là những nét vôi mới thơm nức. Quệt những giọt mồ hôi trên má, anh Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội cười nói: “Mệt, nhưng anh em ai cũng vui vì được tự tay mình làm việc ý nghĩa”.
Không chỉ xắn tay áo vào việc mà Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Đà Nẵng còn hỗ trợ 25 triệu đồng để giúp gia đình anh Bình sửa nhà. Gia đình anh Bình hiện rất khó khăn. Khi Bình chưa kịp trưởng thành thì người cha không chịu nổi nhọc nhằn nên bỏ lại 4 mẹ con. Vậy là một mình mẹ tảo tần, gồng gánh nuôi 3 người con, trong đó có Bình và một người em bị dị tật do nhiễm chất độc da cam.
Giấu những giọt nước mắt xúc động, bà Lê Thị Hưởng - mẹ Bình thổ lộ: “Nhiều năm nay, bốn mẹ con phải sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Đà Nẵng, các nhà hảo tâm, mẹ con tôi mới có điều kiện sửa chữa nhà. Hội còn hỗ trợ sinh kế, giúp tôi có việc làm, từng bước ổn định cuộc sống. Thật không biết nói lời nào để cảm ơn”.
Được chăm sóc và đào tạo nghề do Hội tài trợ, đến nay Bình đã thành thạo nghề may. Với chiếc máy may trị giá 8 triệu đồng do Hội hỗ trợ, Bình có công việc may gia công tại nhà, có thu nhập để giúp gia đình.
Cũng giống gia đình bà Hưởng, gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) có 5 người con thì 2 cô con gái bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nguyễn Thị Hạnh bị bệnh thần kinh, lúc khóc lúc cười; còn Nguyễn Thị Hậu bị liệt từ khi sinh ra, mọi sinh hoạt do ông Hùng chăm sóc. Cuộc sống khó khăn nên ngôi nhà dù xuống cấp nhưng gia đình ông chưa có tiền để sửa chữa.
“Hơn 30 triệu đồng do Hội vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ đã giúp chúng tôi có điều kiện sửa chữa căn nhà, ổn định cuộc sống”, ông Hùng xúc động nói. Không chỉ vậy, Hội còn hỗ trợ thường xuyên cho 2 cô con gái bị chất độc da cam của ông Hùng 1,2 triệu đồng/năm; hỗ trợ khám, chữa bệnh 3 triệu đồng và 10 triệu đồng để gia đình ông có vốn buôn bán gạo.
Xoa dịu nỗi đau da cam
40 năm qua, nỗi đau da cam vẫn hiện diện, âm ỉ trong những người dù 20, 30 tuổi mà thân hình nhỏ xíu, dị dạng, trong những nhọc nhằn của người mẹ, người cha tóc đã bạc vẫn từng ngày chăm sóc cho những đứa con chưa mang hình người…
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Đà Nẵng, cho biết nỗi đau da cam/dioxin không chỉ là nỗi đau riêng của các nạn nhân, mà là nỗi đau chung của toàn xã hội. Đà Nẵng hiện có hơn 5.000 NNCĐDC và 1.400 cháu dị dạng, tật nguyền do di chứng của chất độc da cam/dioxin gây ra.
“Cuộc sống của những gia đình NNCĐDC hiện rất khó khăn, do sức khỏe suy giảm vì phơi nhiễm chất độc hóa học, cộng thêm gánh nặng chăm sóc những người con tật nguyền, dị dạng, di chứng của chất dioxin. Vì vậy, nhiều gia đình vẫn phải sống trong những ngôi nhà đã xuống cấp”, bà Hiền cho biết.
Không chỉ xây nhà giúp NNCĐDC, nhiều năm qua, Hội còn tổ chức các chương trình gây quỹ chăm sóc các nạn nhân với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Nhờ đó, đã xây mới và sửa chữa được hơn 70 nhà, hỗ trợ, trợ cấp hằng tháng cho hàng trăm NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, hàng chục chiếc xe lăn, xe lắc, phương tiện sinh kế cũng được Hội chuyển đến NNCĐDC và gia đình để giúp họ có điều kiện ổn định cuộc sống.
Công ty TNHH Việt Hương (phân phối vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất) là một trong những đơn vị luôn đồng hành với Hội NNCĐDC/dioxin trong nhiều hoạt động như: hỗ trợ kinh phí xây dựng sân chơi tại cơ sở 3 ở Hòa Vang; tổ chức chương trình biểu diễn ca nhạc; bán đấu giá tranh, ảnh, hiện vật nhằm gây quỹ và ủng hộ các nạn nhân…
Bà Đào Thị Giáo, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân vì họ đang cần lắm sự chung tay, chia sẻ của cộng đồng”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ