.

Xin một lần tử tế

.

Rất ngại nói về người khác, nhất là những chuyện “không tử tế”, nhưng nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi mạo muội nói lên những câu chuyện về chúng ta - những người làm báo, những chuyện lẽ ra không đáng  xảy ra.

1. Nhà báo xin mũ cối

Có lần, tôi được phân công đi tác nghiệp tại lễ đón tàu Hải quân Mỹ cập cảng Tiên Sa, thăm Đà Nẵng. Đa số phóng viên được cử đi tác nghiệp ở những chiến hạm này rất háo hức. Sau lễ đón tàu tổ chức trang trọng, chúng tôi được đưa đi tham quan tàu. Hướng dẫn chúng tôi là những sĩ quan trẻ, phiên dịch cho chúng tôi là người của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Chuyến tham quan lẽ ra chẳng có gì để bàn tán, nếu không có anh nhà báo hứng lên tặng sách và xin mũ cối của sĩ quan Hoa Kỳ. Thú thật, hôm đó cánh nhà báo chúng tôi được một phen xấu hổ, còn người xin mũ cối tự thấy ngượng đã âm thầm rút lui. Anh ta lúc đó mặc thường phục nhưng qua thông dịch viên giới thiệu với sĩ quan của tàu là sĩ quan cấp tá trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau đó, anh tặng cho sĩ quan Hải quân Mỹ cuốn tạp chí (nơi anh công tác), người sĩ quan Mỹ rất trân trọng lật từng trang để xem mặc dù (chắc) họ không biết tiếng Việt; sau đó thông qua người phiên dịch, người sĩ quan Hải quân Mỹ cảm ơn về cuốn tạp chí. Câu chuyện kết thúc như thế thì đẹp biết bao, nhất là trên lĩnh vực ngoại giao, giữa sĩ quan hai nước. Ấy vậy mà, người tặng sách – một nhà báo quân đội bỗng dưng xin chiếc mũ cối của Hải quân Hoa Kỳ để làm kỷ niệm.

Khi anh ta nói lên điều đó, cánh nhà báo chúng tôi đứng xung quanh thấy rất ngượng và cả người phiên dịch cũng tỏ thái độ không hài lòng, nhưng buộc chị ta cũng phải dịch sang tiếng Anh. Ngay lập tức, người sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ cũng tỏ thái độ không vui với việc xin mũ cối: “Rất tiếc, chúng tôi không thể, vì tất cả quân trang chúng tôi chỉ phục vụ cho việc tác chiến trên tàu và mũ cối chúng tôi chỉ có duy nhất mỗi người một chiếc”.

Ước gì, anh nhà báo quân đội ấy đừng xin mũ cối thì hay biết bao!

2. Nhà báo… gây hiểu nhầm  

 Cũng một lần tác nghiệp tại lễ đón tàu Hải quân Hoàng gia Anh đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Nghi lễ chính thức được diễn ra trang trọng, sau đó là phần họp báo. Đại diện các nhà báo Đà Nẵng đề cập nhiều vấn đề thời sự, chính trị rất hấp dẫn đối với các sĩ quan trên tàu.

Bỗng dưng, có một nhà báo nữ đề cập đến vai trò của những sĩ quan và thủy thủ nữ trên tàu; đồng thời gắn với việc những chuyến đi dài ngày của những chiến hạm, trong đó phần lớn là sĩ quan nam… đã làm cho những sĩ quan Hoàng gia Anh hiểu không đúng về câu hỏi và lập tức có thái độ không tốt đối với cánh nhà báo hôm đó.

Nói câu chuyện này, để thấy rằng, nhà báo khi tác nghiệp ở những nơi nhạy cảm, mang tính chất ngoại giao và trong lĩnh vực quân sự… thì rất cần sự chín chắn về cách đặt câu hỏi; khi đặt câu hỏi phải đúng với bối cảnh; đồng thời phải hiểu được văn hóa các nước.

3. Nhà báo chụp ảnh “tự sướng”.

Thông thường, mỗi lần đón tiếp tàu hải quân các nước đến thăm Đà Nẵng, sau khi lễ đón chính thức, các tàu bố trí rất ít thời gian (khoảng 30 đến 45 phút) để đưa các nhà báo tham quan tàu. Tuy nhiên, nhiều nhà báo cũng đã có những động tác làm cản trở đồng nghiệp và ảnh hưởng đến thời gian hoạt động của tàu.

Chẳng hạn mới đây, các tàu hộ vệ bờ biển Nhật Bản đến thăm Đà Nẵng, nhiều nhà báo khi lên tàu không vì mục đích tác nghiệp mà cứ chụp hình “tự sướng” (selfie). Nhiều lần sĩ quan trên tàu nhắc nhở vì làm như thế ảnh hưởng đến truyền hình tác nghiệp và thời gian của chuyến tham quan. Tuy nhiên, nhiều nhà báo cứ vô tư như không nghe, không thấy, thậm chí còn chụp hình tại những nơi cấm trên tàu.

Thấy vậy, chị phiên dịch than phiền rằng: Một số anh chị nhà báo làm phiền người khác nhiều quá!

4. Nhà báo thiếu… tôn trọng

Lây nay, các nhà báo thường được nhiều người tôn trọng. Tuy nhiên, có những nơi rất riêng cho những nhà báo, ấy vậy mà, một số nhà báo do thiếu tôn trọng người khác, đã tự đánh mất đi hình ảnh của mình trước nhiều người.

Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2014, lãnh đạo một quận trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có buổi gặp mặt phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm bày tỏ sự quan tâm đối với giới báo chí và thông báo về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương.

Ấy vậy mà, nhiều nhà báo “lớn” hôm đó đã có những thái độ không nghiêm túc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh các nhà báo khác, như: khi lãnh đạo địa phương phát biểu ở trên, bên dưới một số nhà báo cứ vô tư nói chuyện, thi thoảng a-lô qua điện thoại… xem như xung quanh mình không có ai. Có những nhà báo đã ngất ngây mùi men, áo quần luộm thuộm, ngồi ngả nghiêng, thậm chí vẫn vô tư phì phèo điếu thuốc, trong khi tất cả đang ngồi trong hội trường “không hút thuốc”.

Sau buổi gặp mặt hôm đó, một lãnh đạo quận hỏi nhỏ, những người đó là ai và gọi chuyên viên lại nhắc nhở: Năm sau không mời những nhà báo như thế nhé!

Nghe những chuyện ấy, rất chạnh lòng…

NGỌC KHANG HUY

;
.
.
.
.
.