Những thanh niên xung phong (TNXP) ngày ấy đã cống hiến trọn tuổi trẻ của mình cho cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc. Hôm nay, dù trải qua đau đớn tật bệnh, thân thể còn in hằn dấu vết bom đạn nhưng họ vẫn lặng thầm góp “lửa” xây dựng quê hương.
Bà Lê Thị Phương (trái), bà Trần Thị Thanh Hương và ông Bùi Đức Cơ. |
Nhắc đến những năm tháng sát cánh cùng đồng đội tham gia làm đường, lấp hố bom trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, nét mặt cựu TNXP nào cũng rạng rỡ, say sưa kể về những kỷ niệm như mọi chuyện mới diễn ra hôm qua.
Nhớ mãi thời hoa lửa
16 tuổi đã hoạt động cách mạng tại chiến trường Quảng Bình (từ năm 1968-1971), nghĩ lại, bà Lê Thị Phương (63 tuổi, ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) vẫn ngạc nhiên, tự hỏi: “Sao ngày đó chẳng biết sợ là gì, đi từ rừng ra đường chính, rắn lục to bằng bắp tay treo vắt vẻo trên cành cây mà mình cứ đi phăng phăng. Chưa lấp hố bom này xong thì bom nổ đùng đùng phía sau khiến đường ống dẫn xăng dầu bốc cháy dữ dội, tôi cùng đồng đội cứ lao vào làm bất kể ngày đêm, nguy hiểm…”.
Với ông Bùi Đức Cơ (75 tuổi, ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), 10 năm (từ năm 1965-1975) làm TNXP là “những ngày tháng sống - chết mong manh trong gang tấc nhưng đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong đời” dù có đến ngót nghét… 30 lần bị sốt rét rừng hành hạ, bị bom đạn gây thương tích đầy người. Chỉ vào đôi chân bị tật của mình do bị bom B52 của địch đánh sập hầm, ông Cơ tự nhận mình vẫn may mắn vì lần ấy tiểu đội ông đã mất 4 đồng chí.
Trong những TNXP mà người viết từng gặp gỡ, cựu TNXP Trần Thị Thanh Hương (67 tuổi, ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) gây ấn tượng đặc biệt bởi tính cách mạnh mẽ. Bà Hương 17 tuổi gia nhập đội TNXP, 19 tuổi được kết nạp Đảng, đồng thời là Đại đội trưởng lãnh đạo 200 TNXP, nhiều người gọi bà là “người đàn bà thét ra lửa”. Bà kể, có lần, bà đang đứng đầu hầm nghe ngóng tiếng máy bay địch để chỉ đạo đồng đội thì bị bom đánh sập hầm, người bị đất đá phủ kín. Khi đồng đội tìm thấy, bà vẫn đang trong tư thế hai tay chống đầu gối, đầu nghểnh cao, máu mắt máu mũi phun đầy. Ấy vậy mà vừa được bới ra, bà đã nhanh chóng chạy ào ào, lao vào nhiệm vụ.
Từ năm 2004 đến nay, bà Hương được một tập đoàn nước ngoài mời làm giám đốc 2 công ty, phụ trách 9 tỉnh, thành phố miền Trung. Dù đã nhiều lần xin nghỉ hưu nhưng với tính cách quyết liệt, lấy cái tâm đặt lên trên hết, bà vẫn được Chủ tịch tập đoàn tín nhiệm. Bà chỉ nghĩ: “Họ đã tin thì mình giúp. Cũng có chỗ tạo việc làm cho con em các cựu chiến binh, TNXP có khả năng, năng lực nhưng không có cơ hội việc làm trong thời buổi cạnh tranh này”.
Gương sáng đời thường
Năm 1990, vừa nghỉ hưu, bà Phương đã được người dân địa phương tin tưởng bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Từ chỗ 70 hộ ban đầu, có lúc lên đến 135 hộ, nay tách tổ còn 32 hộ, nhưng ở thời điểm nào, tổ bà luôn nằm trong tốp tổ dân phố đạt chuẩn của phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.
Tâm huyết với những công việc không tên ở tổ, luôn đi đầu trong mọi hoạt động nên suốt 25 năm qua, nhiều lần bà xin nghỉ nhưng đều bị gạt đi bởi “cô Phương không làm thì ai làm cũng không bằng”.
Không những vậy, bà Phương còn là một trong những tấm gương sống “xanh” tiêu biểu của Hội LHPN thành phố với sáng kiến lấy mùn cưa đã hoai (bị phơi ngoài trời dài ngày) trộn với rau quả hư làm phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Năm 2014, bà vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chính quyền địa phương từ sau ngày 29-3-1975 đến nay.
Nhắc đến cựu TNXP Thanh Hương, nhiều người trong Hội Cựu TNXP phường Thanh Khê Đông tấm tắc khen về những nghĩa cử cao đẹp của bà. Năm nào bà cũng dành hơn chục triệu đồng của mình để lo quà cho các hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh… Có đồng nào bà Hương lại mang đi làm từ thiện, chỉ giữ ít lại lo cho người chồng đang mang trong mình đủ thứ bệnh hiểm nghèo và mỗi tháng đều tốn hàng triệu đồng thuốc men. Chưa kể những lần bà giúp đỡ các trường hợp thương tâm rồi đi vận động các đối tác hỗ trợ.
Cũng hơn 20 năm qua, người dân tại kiệt K58 Dũng sĩ Thanh Khê đã quá quen với sự hiện diện, giọng nói trầm ấm của tổ trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Bùi Đức Cơ. “Chúng tôi chỉ lo ông ấy già yếu không đảm đương được công việc, chứ bác Cơ làm thì đâu ra đấy”, một người dân tại đây chia sẻ. Chân phải bị tật nhưng vì sợ phiền hà con cháu nên muốn đi đâu, làm gì thì ông đều tự đạp xe. Công việc “bếp núc” ở tổ có khi ông đi đi về về cả ngày cũng không hết chuyện nhưng chưa bao giờ ông tỏ một lời than phiền.
Ông Cơ kể từng nhiều lần bị người dân vì không hiểu chuyện mà có thái độ phản ứng gay gắt, thậm chí đe dọa, nhưng như lời ông nói thì “mình cứ lấy tinh thần, cái tâm của mình ra để bà con hiểu. Thời chiến còn làm được, cớ gì thời bình lại không!”.
Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng hiện có 1.079 hội viên với 399 nam, 680 nữ. Trong đó có 78 hội viên tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, 78 hội viên tham gia xây dựng XHCN ở miền Bắc, 870 hội viên tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và 53 hội viên tham gia bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam. Hội hoạt động chủ yếu trên tinh thần nghĩa tình đồng đội, với nhiệm vụ tìm và phát triển hội viên, giúp đỡ hội viên gặp khó khăn về nhà ở, ốm đau, hội viên bị chất độc màu da cam; đồng thời, tham gia và kiến nghị với các cấp lãnh đạo làm nhân chứng để Đảng, Nhà nước giải quyết các tồn đọng về chế độ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương. |
Bài và ảnh: BÌNH AN