.
68 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7)

Còn đi được, còn tìm đồng đội

.

Những năm qua, cựu chiến binh (CCB) quận Liên Chiểu đã tổ chức hơn 80 chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ. Vắt núi, muỗi rừng, dốc đứng, khe sâu, tuổi cao sức yếu không làm nhạt mờ nghĩa tình đồng đội của những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa.

Đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ từ rừng về.
Đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ từ rừng về.

Chung tấm lòng với đồng đội cũ, các CCB từng chiến đấu, công tác tại Tiểu đoàn Công binh Hải Vân và các đơn vị thuộc Khu 1 Hòa Vang đã tiến hành hơn 80 chuyến đi tìm hài cốt đồng đội trên đèo Hải Vân, các chiến trường xưa và những khu căn cứ cách mạng ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Chị Trần Thị Thanh Hoa (trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), nguyên chiến sĩ Đại đội Độc lập Cánh bắc Hòa Vang, cho biết mỗi lần đi tìm hài cốt liệt sĩ, chị bồn chồn suốt đêm, đến 3 giờ sáng dậy nấu cơm vắt, nước uống và lo mang xoong nồi để nấu ăn cho cả đoàn.

Thời kháng chiến, nhiều thi thể liệt sĩ sau khi chôn cất phải phả bằng mặt đất, ngụy trang thật kỹ, vì nếu địch phát hiện, chúng sẽ đem thi hài liệt sĩ đi bêu rếu hòng khoe khoang “chiến tích”. Hồi ấy, chôn cất càng tốt thì bây giờ việc đi tìm hài cốt đồng đội càng khó.

Núi rừng, cỏ cây mờ mịt, cảnh vật thay đổi quá nhiều, hành trình đi tìm lại nơi chôn cất liệt sĩ vô cùng khó nhọc! Nhiều chuyến tìm không có kết quả. Không ít chuyến gặp mưa gió phải trú ngụ trong rừng nhiều ngày. Những chỗ cây cỏ quá rậm, không xác định được, các CCB phải bỏ tiền thuê nhân công phát dọn…

Liệt sĩ Nguyễn Đình Khôi (quê Thái Bình) được tìm thấy nhờ CCB Nguyễn Văn Điểm, nguyên Đại đội phó quân sự Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh Hải Vân. CCB Nguyễn Văn Điểm nhớ rõ liệt sĩ Khôi hy sinh năm 1971 trong một trận đánh đoàn xe địch trên đèo Hải Vân.

Ông Điểm kể: Anh Khôi bị thương ở bụng, ruột đổ ra ngoài, anh em lấy vải dù quấn giữ quanh bụng và đang còn băng bó thì Khôi đã tắt thở, đồng đội chôn vội bên một tảng đá trắng, cách cầu Cây Xanh khoảng 200 mét… Từ đó, nhiều vị trí đã được đào, đến khi tìm thấy một di hài có chiếc vải dù quấn ngang thì ai nấy đều bật khóc vì nhận ra đó chính là tấm dù đã quấn quanh bụng liệt sĩ Khôi.

Còn Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh Hải Vân Nguyễn Xuân Cảnh đang chỉ huy một tổ phục kích trên đèo Hải Vân, bị trúng đạn hy sinh bên một tảng đá bằng mà anh đã dùng làm bệ tì súng và được chôn ngay cạnh tảng đá ấy. Nhớ những chi tiết đó, các CCB cùng đơn vị đã tìm thấy tảng đá có mõm bằng ở cạnh một khúc cua trên đường đèo Hải Vân, tại vị trí phù hợp với đặc điểm trận đánh. Đến khi đào kiếm, quả nhiên tìm thấy hài cốt liệt sĩ Cảnh với một số di vật như: thắt lưng, cúc áo, túi đựng đạn…

Chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ tại khu vực hòn Quắp (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đạt kết quả cao nhất. Sau nhiều ngày chặt cây, phát cỏ, đào kiếm, các CCB đã tìm được 4 hài cốt liệt sĩ, sau đó tiếp tục đào rộng ra thì tìm thấy thêm 2 hài cốt đồng đội. “Tôi nhớ mãi giây phút anh Phạm Văn Đùng nhận ra hài cốt của em mình là Phạm Thị Tân, bởi chiếc khăn vôn và tấm vải dù mà chị Tân thường dùng trước khi hy sinh”, chị Trần Thị Thanh Hoa chia sẻ.

Mỗi lần tìm thấy hài cốt liệt sĩ, các CCB báo với cơ quan chức năng và tìm cách liên hệ với thân nhân liệt sĩ. Sau đó, các anh cùng cơ quan chức năng và gia đình liệt sĩ tổ chức cất bốc, đưa hài cốt đồng đội về quê an nghỉ hoặc cải táng tại các nghĩa trang liệt sĩ và khá nhiều trường hợp được cải táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hiệp.

Qua hơn 80 chuyến đi, CCB Liên Chiểu đã tìm được gần 100 hài cốt liệt sĩ. Những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa cho biết, lãnh đạo địa phương ngày càng quan tâm hơn công tác này và đã có nhiều đoàn viên thanh niên cùng tham gia tìm hài cốt liệt sĩ. “Hễ còn khỏe, còn đi được thì hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của chúng tôi vẫn còn tiếp tục”, CCB Trương Văn Tranh, Trưởng ban Liên lạc Đại đội Độc lập cánh bắc Hòa Vang nhấn mạnh.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.