Chính trị - Xã hội

Cẩn trọng khi quy hoạch khai thác lợi thế của sông Hàn

07:57, 22/07/2015 (GMT+7)

L.T.S: Sau bài viết “Quy hoạch và gìn giữ các giá trị của sông Hàn-Tìm giải pháp tối ưu” đăng ngày 21-7, Báo Đà Nẵng nhận được những ý kiến trao đổi của các chuyên gia, người dân tâm huyết với vấn đề quy hoạch để khai thác lợi thế sông Hàn.

Trong đó, các ý kiến cho rằng, nên cẩn trọng khi quy hoạch và triển khai quy hoạch, bởi sông Hàn là báu vật của Đà Nẵng… Báo Đà Nẵng rất mong tiếp tục nhận được ý kiến của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, người dân liên quan đến lĩnh vực này.

* Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng: Hài hòa giữa quy hoạch với giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo các điều kiện tự nhiên

Trong tiềm thức của hầu hết người dân Đà Nẵng, sông Hàn là báu vật. Sông Hàn còn là túi khí, là lá phổi quý giá hòa quyện với núi Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, vịnh Đà Nẵng…; kết nối trung tâm hành chính, trung tâm thương mại dịch vụ du lịch, văn hóa, thể thao giữa lòng thành phố đã và đang tiếp tục phát triển ngày một hiện đại, văn minh, phồn thịnh.

Vì vậy, sông Hàn trong quy hoạch khai thác phát triển cần phải được thận trọng, cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng sao cho hài hòa giữa sự sáng tạo quy hoạch, kiến trúc xây dựng với việc quý trọng giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo các điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng cho các không gian mặt nước sông, vịnh, biển đan xen những không gian xanh của rừng, cây, cỏ, hoa…

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, thành phố nên tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch xây dựng vệt trục không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Hàn”, từ đó tập hợp nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, táo bạo, hợp lý của các đơn vị, các tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm trên cả nước và quốc tế. Ngoài ra, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá mối quan hệ liên quan của vệt trục không gian văn hóa, du lịch, dịch vụ sông Hàn, Trung tâm Hành chính thành phố với các trung tâm, các khu chức năng chính trong thành phố.

Phạm vi nghiên cứu là chiều dài vệt trung tâm từ bờ vịnh của sông Hàn đến cầu Hòa Xuân và chiều rộng vệt trục từ đường Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn đến đường Trần Hưng Đạo qua sông Hàn đến đường Bạch Đằng, Trần Phú, đường 3 Tháng 2, đường 2 Tháng 9, đường Núi Thành, đường Cách Mạng Tháng Tám. Đặc biệt, đoạn vệt trục không gian sông Hàn từ cầu Rồng đến cầu Thuận Phước nhất thiết không lấn sông và từ đường Trần Hưng Đạo và đường Bạch Đằng ra hai bờ sông không tổ chức công trình che chắn tầm nhìn hai bên bờ và dọc sông.

Tôn trọng giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo những công trình, khu công trình văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống có giá trị; những hoạt động, những lễ hội, văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, tập tục, truyền thống lành mạnh bổ ích; đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp, hiện đại, văn minh; bảo đảm điều kiện đầu tư thuận lợi, kinh tế, phát triển bền vững.

Dòng sông Hàn “độc nhất vô nhị” là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Vì vậy, quy hoạch, kiến trúc xây dựng khai thác phát triển không gian vệt trục văn hóa, du lịch, dịch vụ sông Hàn cần phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, cần thiết giao nhiệm vụ cho các tổ chức hội nghề nghiệp chuyên môn tư vấn, phản biện và tham khảo ý kiến nhân dân để thành phố tiếp tục bứt phá trong phát triển bền vững.

* Ông Lê Văn Hoa, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng: Xin đừng lấy đi một mét vuông mặt nước sông Hàn

Tôi không phải là kiến trúc sư hay là nhà khoa học bàn đến chuyện chuyên môn về quy hoạch đôi bờ sông Hàn, tuy nhiên với sự nhìn nhận về thực tế, chứng kiến những gì mà thiên nhiên đã gây ra trong quá khứ, và hơn ai hết với trách nhiệm của một người dân Đà Nẵng, tôi xin có một ý kiến nhỏ về xung quanh vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hàn.

Hầu hết các tỉnh ở Trung Trung Bộ, trong đó có Đà Nẵng, đều nằm dưới chân dãy Trường Sơn. Với độ dốc cao, vùng đất hẹp, mỗi khi mùa mưa đến nước đổ về như lũ với dòng chảy rất mạnh. Trước đây, khi thành phố Đà Nẵng chưa thực hiện quy hoạch và đô thị hóa, ruộng đồng, ao hồ ở Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, ở cả quận Hải Châu… còn nhiều và là nơi phân tán nguồn nước sau các trận lũ, giảm trình trạng ngập lụt.

Sau khi quy hoạch, chỉnh trang đô thị, ruộng đồng, ao hồ hầu hết bị san lấp, những cái túi đựng nước không còn nữa mà chỉ tập trung chảy thẳng vào dòng sông Hàn. Cho nên chỉ cần một trận mưa lớn là gây ra ngập, một cơn lụt nhỏ là nước tràn vào thành phố. Đã có nhiều trận lũ nước ngập cả đường Bạch Đằng, điều đó ai cũng biết.

Tôi đã đi thực tế ngay trong trận lũ năm 1999. Lúc bấy giờ, thành phố chưa quy hoạch nhiều như bây giờ, có nghĩa là ruộng đồng ở Cẩm Lệ, Hòa Vang, các ao hồ trong thành phố vẫn còn nhiều. Ngay trong trận lũ, tôi đã chứng kiến dòng nước chảy cuồn cuộn, mạnh như thác đổ trên dòng sông Hàn. Trong chốc lát, đầu cầu Trần Thị Lý phía bờ Đông  bị dòng nước lũ xé toạc, phá vỡ mố cầu. Cảng Sông Hàn cũng vậy, nước cuốn trôi một đoạn cầu cảng, phá vỡ kết cấu hạ tầng của cảng… Sau trận lũ ấy, Nhà nước đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng  và mất một thời gian dài để khắc phục.

Cho dù công trình có vững chắc cỡ nào, đê kè có kiên cố đến mấy, một khi nước đã vỡ bờ thì khó mà chặn được. Cho nên dù có quy hoạch thế nào chăng nữa, lợi ích mang lại nhiều đến mấy chăng nữa, không nên xây dựng bất kỳ một công trình nào dù lớn hay nhỏ trên dòng sông Hàn. Đừng vì cái lợi trước mắt mà trả giá đắt trong tương lai.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng dòng sông Hàn thơ mộng mà ít có nơi nào có được. Hãy giữ sự bình yên cho sông Hàn. Nếu lấy của sông Hàn một mét vuông mặt nước, tương lai thành phố này sẽ mất hàng chục hec-ta mặt đất cùng các công trình xây dựng mà Đà Nẵng đã tạo dựng hàng trăm năm nay.

Đoàn Lương, P.V ghi

.