.

Có bằng cấp vẫn thất nghiệp

.

Tại các phiên giao dịch việc làm tại Đà Nẵng, rất nhiều bạn trẻ có bằng cấp hẳn hoi nhưng không được tuyển chọn. Theo nhiều nhà tuyển dụng, nguyên nhân do các bạn thiếu một số kỹ năng cơ bản hoặc chưa tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình chọn lựa.

Sự tự tin giúp các ứng viên dễ được doanh nghiệp lựa chọn. (Ảnh chụp tại Ngày hội việc làm ở Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng ngày 27-6-2015)
Sự tự tin giúp các ứng viên dễ được doanh nghiệp lựa chọn. (Ảnh chụp tại Ngày hội việc làm ở Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng ngày 27-6-2015)

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng...

“Em mong muốn được làm ở phòng tuyển dụng hay nhân sự. Mức lương ở đó thế nào ạ?”, Nguyễn Hoài Nam, cựu sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ mong muốn với doanh nghiệp tại Ngày hội việc làm ở Trường ĐH Kinh tế. Nam cho biết, anh đã nộp hồ sơ từ 2-3 nơi và so sánh xem nơi nào “hơn” thì làm. Tuy nhiên, khi hỏi thông tin về những đơn vị đó thì Nam “mù tịt”, chỉ nói rằng “thấy trên pa-nô quảng cáo là chuyên về dịch vụ điện lạnh” (!?).

Theo ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty CP máy và thiết bị phụ tùng Seatech Đà Nẵng, với những sinh viên mới tốt nghiệp, doanh nghiệp của ông không xem kinh nghiệm là tiêu chí quan trọng trong tuyển dụng. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa sẵn sàng bước chân vào môi trường doanh nghiệp. “Cuối buổi phỏng vấn, chúng tôi yêu cầu ứng viên đặt câu hỏi nhưng rất ít người quan tâm đến cơ hội được đào tạo tại công ty mà họ ứng tuyển, triển vọng phát triển cũng như các kế hoạch của công ty trong thời gian tới”, ông Hiểu cho biết.

Ông Hiểu nói rằng, các bạn trẻ cần rèn luyện cho mình một số kỹ năng mềm như: khả năng thích nghi nhanh, tự quản thời gian, nói trước công chúng, xử lý xung đột, truyền đạt thông tin, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập… Trong đó, kỹ năng nói trước công chúng rất quan trọng, nhất là khi tham gia các hoạt động của công ty. Rất nhiều sinh viên mới ra trường không được trang bị kỹ năng này, dẫn đến thiếu tự tin ngay cả khi phỏng vấn xin việc hoặc làm việc tại công ty. “Không ít ứng viên ngay từ khi nộp hồ sơ đã đòi hỏi mức lương cao hoặc cơ hội thăng tiến. Bởi vậy, họ dễ dàng bị đánh giá thấp và rớt từ vòng sơ tuyển”, ông Hiểu nói.

Nắm bắt nhu cầu thị trường

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, dự báo đến năm 2020 có khoảng hơn 900.000 lao động; trong đó, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ hơn 500.000 người, lao động qua đào tạo nghề trong khu vực dịch vụ thời gian tới dự kiến cần khoảng hơn 147.000 người.

Theo bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cơ cấu lao động trong khu vực dịch vụ đang tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển của thành phố. Đà Nẵng hiện có nhiều chính sách đầu tư, quy hoạch phát triển du lịch hướng tới mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch.

Còn bà Thái Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đà Nẵng cho biết, trong năm 2015, nhà trường tuyển khoảng 2.000 học viên với một số nghề tăng do nhu cầu thị trường như: quản trị khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, điện công nghiệp…

Bên cạnh những nghề đó, một số nghề dễ tìm được việc làm như: may, hàn… nhưng lại ít người chọn học. “Các em khi đăng ký ngành nghề nên nắm bắt nhu cầu thị trường và có sự định hướng để sau khi ra trường dễ tìm được việc làm. Nếu cứ học theo sở thích nhất thời, theo trào lưu thì rất dễ thất nghiệp, uổng phí thời gian, công sức và tiền bạc của gia đình”, bà Hoa cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.