.

Dân số gắn với phát triển kinh tế - xã hội

.

Với hơn 62 triệu người (chiếm 69% tổng dân số) ở độ tuổi lao động, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để tăng trưởng và đây cũng là lợi thế lớn.

Ra quân chiến dịch truyền thông dân số.
Ra quân chiến dịch truyền thông dân số.

Song, làm thế nào để biến “cơ hội vàng”, “lợi thế lớn” này thành “lợi tức” là một thách thức lớn, trong bối cảnh cơ cấu dân số đang có sự thay đổi mạnh mẽ, số lượng người cao tuổi tăng nhanh, tỷ số giới tính khi sinh cao, chất lượng dân số còn thấp…

Theo số liệu của tổng điều tra dân số năm 1979-2014, cơ cấu dân số của Việt Nam đã có sự biến đổi mạnh mẽ. Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 53-69,4%; Người cao tuổi (trên 65 tuổi) tăng từ 5% lên 7,1%. Riêng trẻ em (từ 0-14 tuổi) giảm từ 42% xuống 25,5%.

Những con số trên chứng minh rằng, nhờ làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), làm tốt việc giảm sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số, chúng ta đang có lợi thế rất lớn khi bước vào thời kỳ “dân số vàng”, cứ hai người trong độ tuổi lao động mới có một người trong độ tuổi phụ thuộc.

Bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho rằng, Việt Nam đã bước vào giai đoạn “dân số vàng”. Tuy nhiên, “cơ hội vàng” không tự chuyển hóa thành “lợi tức” cho nền kinh tế Việt Nam nếu không có các chính sách phát triển kịp thời, đúng đắn để tận dụng cơ hội nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là cải thiện năng suất lao động vì “cơ hội vàng” sẽ kết thúc sau năm 2040.

Với quy mô dân số hơn 90 triệu dân, Việt Nam được xem là thị trường lớn, đầy tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Sự chuyển đổi nhân khẩu này đưa đến nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đó là các vấn đề: tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục…

Trước sự biến đổi nhanh chóng của cơ cấu dân số, vấn đề được các chuyên gia dân số và kinh tế - xã hội đặt ra là làm thế nào để thích ứng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; vấn đề dân số liên quan mật thiết kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cần được giải quyết ở tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ ở lĩnh vực y tế.

Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã bắt đầu có chuyển hướng chính sách từ kiểm soát quy mô dân số sang nâng cao chất lượng dân số với 3 mục tiêu cơ bản: có quy mô dân số hợp lý; cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Xây dựng hệ thống y tế phù hợp với cơ cấu dân số, đáp ứng nhu cầu KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy khả năng của người cao tuổi và sự hòa thuận giữa các thế hệ nhằm bảo đảm số người cao tuổi đang gia tăng ở Việt Nam có cuộc sống tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.

6 tháng đầu năm 2015, tổng số trẻ sinh ra ở Đà Nẵng là 6.024 trẻ, giảm 36 trẻ (giảm 0,6%) so với cùng kỳ năm ngoái; sàng lọc trước sinh là 1.841/2.100 bà mẹ, đạt 87,7% so với kế hoạch giao và số ca được chuẩn đoán xác định 107 ca, duy trì được tỷ số giới tính khi sinh 107 bé trai/100 bé gái, số người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại là 39.030 người.

Công tác DS-KHHGĐ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, sự thay đổi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ cũng đã làm một số ít cán bộ, đảng viên nhận thức sự “nới lỏng”; tâm lý, tập quán muốn đông con phải “có nếp, có tẻ” vẫn tồn tại nên việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt quy mô gia đình ít con gặp không ít khó khăn…

Công tác DS-KHHGĐ là quá trình  lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, liên tục thì mới thuyết phục được người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hưởng ứng và tự nguyện chấp nhận thực hiện gia đình một hoặc hai con. Duy trì vững chắc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ suất sinh thô, đồng thời nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát việc mất cân bằng giới tính khi sinh; lấy tuyên truyền giáo dục là biện pháp chủ yếu, từng bước thể chế hóa các chính sách dân số, thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Đặc biệt, Đà Nẵng là thành phố trẻ, là thành phố động lực miền Trung càng đòi hỏi dân số gắn liền với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Chúng ta cần chuyển hướng chính sách dân số từ chỗ chỉ đặt trọng tâm kiểm soát sinh sang trọng tâm - gắn dân số với tất cả các mặt của phát triển, lồng ghép dân số vào lập kế hoạch phát triển nhằm tận dụng thành công những biến đổi trong dân số cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ phát triển bền vững.

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

;
.
.
.
.
.