Ngày 16-7, tại thành phố Đà Nẵng, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về “Hài hòa hóa pháp luật trong xây dựng Cộng đồng ASEAN – những vấn đề đặt ra với Việt Nam qua kinh nghiệm EU”.
Vai trò của hài hòa hóa pháp luật
Trong thời gian qua, Việt Nam và các nước trong ASEAN nỗ lực tiến tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC) vào tháng 12-2015. TS. Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định: Một trong những thách thức quan trọng đối với ASEAN khi thực hiện mục tiêu trên là việc thực thi các hiệp định chung của ASEAN; trong đó có việc hài hòa hóa các quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu và rộng của khu vực như Hiến chương ASEAN đã đề ra.
Đây là một đòi hỏi tất yếu và yêu cầu mỗi quốc gia cần thể hiện vai trò tích cực trong việc thiết lập nền tảng pháp lý chung của ASEAN nhằm hạn chế sự khác biệt cũng như các rào cản pháp luật để hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN được thành công.
Theo TS. Luật học Nguyễn Thanh Tú, Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp, thì hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập trong khu vực ASEAN nói riêng yêu cầu các quốc gia tham gia vào quá trình này - trong đó có Việt Nam, phải tiến tới sử dụng một “ngôn ngữ” chung, trong đó có pháp luật. Theo đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam tất yếu cần được thay đổi, hoàn thiện theo hướng hài hòa hóa để đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập, bảo đảm nguyên tắc tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là “đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, việc hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam theo các chuẩn mực pháp lý chung trong khu vực ASEAN (thậm chí của thế giới) sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dần với luật chơi chung của ASEAN (và thế giới), qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh hiệu quả không chỉ trên “sân nhà” mà cả “sân khách”. Quá trình này còn giúp quan hệ kinh tế cũng như văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của Việt Nam ngày càng gắn kết với các thành viên khác trong ASEAN.
Các vấn đề pháp lý cần đến hài hòa hóa pháp luật
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận và đi đến thống nhất những vấn đề cần được chú ý lựa chọn để hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Theo đó, đánh bắt cá bất hợp pháp là vấn đề quan trọng của các nước ASEAN vì nhiều nước thành viên có vùng biển trong Biển Đông đang tranh chấp. Việc bắt giữ và xử lý tàu đánh cá luôn tiềm ẩn những nguy cơ đòi hỏi phải được xử lý trên nền tảng pháp luật phù hợp, hài hòa.
Việc đảm bảo nhân quyền trong các nước thành viên ASEAN đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hài hòa pháp luật, chẳng hạn như quyền bào chữa của bị can và bị cáo. Tại nhiều nước thành viên, công dân của họ được đảm bảo quyền im lặng cho đến khi có mặt luật sư hay người đại diện. Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại không có quy định này. Những khác biệt như vậy dẫn tới sự thiếu tương thích trong giải thích và thực hiện quyền con người.
Lao động nhập cư đang nổi lên ở các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là sau những vụ buôn bán người thông qua việc tổ chức nhập cư trái phép ở Thái Lan, Myanmar và Indonesia. Đến nay, các nỗ lực giải quyết nhập cư vẫn chưa đạt hiệu quả bởi thiếu vắng quy định cho phép xử lý vấn đề này một cách thống nhất giữa các nước thành viên ASEAN.
Tất cả những vấn đề trên cho thấy, hài hòa hóa pháp luật ASEAN là vấn đề lớn và có nhiều thách thức. GS,TS Lê Hồng Hạnh, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, trong thời gian đến, các nước ASEAN cần xúc tiến đàm phán để thiết lập những khuôn khổ pháp lý chung, cụ thể và mang tính giải pháp. Các quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp chung trực tiếp hoặc nội luật hóa. Với cách thức này, các vấn đề như quyền con người, lao động nhập cư bất hợp pháp, đánh cá bất hợp pháp sẽ được xử lý thống nhất hơn. Pháp luật Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành trên nền tảng của những quy định thống nhất.
MAI TRANG