Tại sao con gái lại khác con trai? Tại sao không nên “yêu” sớm?... Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc, trăn trở của các bạn nhỏ từ 11-14 tuổi được trả lời, định hướng trong “Hành trình yêu thương”, dự án do Sở GD&ĐT cùng Tổ chức Hòa bình và phát triển của Tây Ban Nha thực hiện tại Đà Nẵng.
Một hoạt động của chương trình “Hành trình yêu thương” tại Đà Nẵng. |
Đổi thay...
Em N. (xin giấu tên) ở Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà) được nhiều bạn ngưỡng mộ bởi vẻ ngoài xinh đẹp, con nhà khá giả, lại học giỏi, ngoan ngoãn. Nhưng bỗng nhiên N. nghiện “chat” tại các quán Internet và trở thành “thủ lĩnh” của những cô bé, cậu bé “quậy” khác. N. cũng đứng sau các vụ gây rối ở trường. Từ chỗ học giỏi, giờ đây, sức học của em dần sa sút. Các thầy cô đã đến nhà N. và gặp bố em, qua đó mới hiểu hoàn cảnh thực tế của em.
Thời gian qua, bố N. lao vào công việc để quên nỗi đau mất người vợ và quên rằng mình còn có cô con gái đang cần được chăm sóc, bảo ban. Cô giáo chủ nhiệm đã dành nhiều thời gian hơn cho N. để giúp em cởi bỏ nỗi lòng.
Các thầy cô khác cũng tạo điều kiện cho em hòa nhập bằng cách tham gia những hoạt động truyền thông liên trường của “Hành trình yêu thương”. N. cùng các bạn đã háo hức vẽ tranh, sáng tác truyện, chuẩn bị kịch bản, tình huống rồi cùng tập luyện. N. cho biết, em đã hiểu cần phải học tập tốt để bố vui lòng.
Còn với T., học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu), là một trường hợp khác. Là con trai nhưng T. có vẻ đẹp thư sinh và được gắn biệt danh T. “pê đê” cùng những lời chọc ghẹo, bỡn cợt. Những câu nói đùa vô tình làm T. mặc cảm, uất ức và xa dần các bạn.
Là giáo viên chủ nhiệm và người phụ trách chương trình “Hành trình yêu thương” tại trường, cô giáo Lưu Thị Hảo đã thông qua các giờ lên lớp giáo dục các em bài học về giới và giới tính. Các em cũng nhận ra vẻ ngoài không quyết định giới tính của một con người và không nên làm tổn thương bạn bằng những lời lẽ như vậy. Từ đó, không còn bạn nào chọc ghẹo T. nữa. T. cũng đã thay đổi. Em không còn nhút nhát, xa cách các bạn mà hòa đồng bằng cách chuyện trò hay tham gia các trò chơi với bạn.
Nối dài những sẻ chia
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, sau 3 năm triển khai “Hành trình yêu thương” tại Đà Nẵng, chương trình đã tạo ra những thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của học sinh THCS qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng cần về giới và phòng chống bạo lực giới cho các em.
Theo khảo sát, sau 3 năm, tại 30 trường và trong hơn 15.000 học sinh nam, nữ lớp 6-7 (từ 11-14 tuổi), 96% số học sinh nhận thức được vai trò của nam và nữ giới trong xã hội là bình đẳng, hơn 90% số học sinh tự nhận thấy sau khi tham gia chương trình đã kiểm soát tốt hơn cảm xúc cũng như cơn giận dữ của mình và hơn 88% biết tự giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực. Cũng theo thống kê, tỷ lệ học sinh cảm thấy an toàn trong các trường tham gia dự án tăng lên 73%. Có 60-70% đã nói chuyện với bố mẹ về sự đối xử công bằng giữa nam và nữ, nói không với việc sử dụng bạo lực.
“Kết thúc một hành trình là sự khởi đầu hành trình mới bởi tình yêu thương chưa bao giờ dừng lại. Tôi mong muốn chương trình sẽ được tiếp tục và mở rộng ra nhiều trường hơn nữa để đến với tất cả học sinh và giáo viên trên toàn thành phố”, ông Hùng nói. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cần có chủ trương, hướng dẫn cụ thể để lồng ghép giới và phòng ngừa bạo lực giới vào nội dung chương trình các cấp học; đồng thời cần có sự hỗ trợ của thành phố về kinh phí và chính sách.
Bài và ảnh: K.N - T.A