.

Kiến nghị xử lý nhiều vấn đề nóng

.

Chiều 7-7, trong phiên thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chủ trì, các đại biểu (ĐB) HĐND thành phố tập trung thảo luận 30 nội dung xung quanh vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm liên quan đến Bệnh viện Ung thư, quản lý nhà chung cư, nợ đất tái định cư, thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị”, xây dựng nhà trẻ ở khu công nghiệp…

Đại biểu Đỗ Thị Kim Lĩnh phát biểu thảo luận. 									Ảnh: V.N
Đại biểu Đỗ Thị Kim Lĩnh phát biểu thảo luận. Ảnh: V.N

Xây dựng nếp sống văn hóa của người Đà Nẵng

ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh cho rằng, sức lan tỏa và ảnh hưởng của người dân về thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” được thể hiện bằng nhiều phong trào, cuộc vận động tạo thành thói quen, nếp sống; đồng thời đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục có những biện pháp quyết liệt và chọn những giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại Trạm bơm xử lý nước thải Hòa Cường, dự án Khe Cạn, tình trạng thiếu thùng rác…

ĐB Huỳnh Phước cũng cho rằng, việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy đã tạo chuyển biến rõ nét, đặc biệt các thiết chế văn hóa được quan tâm triển khai và đề nghị thành phố cần có biện pháp triển khai sâu rộng việc xây dựng nếp sống văn minh thanh lịch trong nhà trường.

ĐB Nguyễn Thị Phượng đề nghị thành phố cần có sự chỉ đạo chung về việc tranh thủ sử dụng các cơ sở để sinh hoạt cộng đồng trong lúc thành phố thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng. ĐB Phượng cũng cho biết, cử tri ủng hộ việc xây dựng Công viên Thanh niên, tuy nhiên hiện nay có 109 hộ trồng cây ở đây đã có sự đầu tư lớn trong thời gian qua nên thành phố cần hỗ trợ các hộ dân tìm diện tích di dời cây xanh và chuyển thời gian di chuyển vào mùa mưa để cây xanh khỏi chết do nắng nóng.

Ủng hộ việc thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị” trong thời gian qua, ĐB Lê Thị Nam Phương đề nghị cần tiếp tục thực hiện trong thời gian dài và khuyến khích khách du lịch hành xử văn minh để chung tay cùng với thành phố thực hiện tốt văn hóa văn minh đô thị; đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa của người Đà Nẵng.

ĐB Nguyễn Thị Phượng cho rằng, thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy, các quận như Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu… thực hiện tháo dỡ mái che và đây là chủ trương đúng nhưng chưa được sự đồng thuận của người dân do ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và buôn bán, do đó thành phố cần giao cho đơn vị chức năng thiết kế mái che phù hợp. ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh cũng đề nghị, cần thiết kế đồng bộ để bảo đảm mỹ quan, phù hợp thời tiết, tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân.

Cần triển khai xây dựng nhà trẻ ở khu công nghiệp

Liên quan đến việc thí điểm xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo chưa triển khai, ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh cho rằng, cần mở thêm các trường mầm non công lập, thực hiện triển khai xây dựng nhà trẻ ở khu công nghiệp và làm sao để các trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi được gửi trẻ.

ĐB Huỳnh Thị Tam Thanh cho biết, việc phát triển cơ sở giáo dục chăm sóc trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đã từng thể hiện rõ trong Nghị quyết 53 (năm 2013) và Nghị quyết 65 (năm 2014) của HĐND thành phố, vì vậy đề nghị thành phố cần giải quyết nhu cầu giữ trẻ của người dân vì nếu không được quan tâm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

ĐB Tam Thanh đề nghị thành phố cần quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, quan tâm đến hệ thống nhà trẻ và sớm triển khai Nghị định 59 của Chính phủ, đồng thời quan tâm xem xét, sớm giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng nhà trẻ ở khu chế xuất và triển khai thí điểm đề án sữa học đường trong 6 tháng cuối năm.

Cũng liên quan đến giáo dục, ĐB Lê Thị Nam Phương cho biết, theo quy định, đến năm 2020 có 30% học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp trung học nhưng hiện thành phố mới chỉ có 5,4% học sinh học nghề sau tốt nghiệp THCS, do đó thành phố cần phân luồng đào tạo nghề sau phổ thông.

ĐB Nguyễn Văn Dũng cũng đề nghị, thành phố cần có lộ trình giảm học sinh vào THPT và cao đẳng, đại học công lập, có chính sách đầu ra cho việc học nghề. ĐB Nguyễn Thị Anh Đào cũng cho rằng, bất cập ở nước ta hiện nay là hệ số lương của trình độ cao đẳng, đại học sau khi ra trường cao hơn hệ số lương của những người học nghề, do đó cần nghiên cứu lại để khuyến khích học sinh học nghề.

Sớm rà soát, phân loại từng đối tượng thuê chung cư

ĐB Trần Văn Lĩnh cho rằng sự phát triển cảng cá Đà Nẵng phải gắn với phát triển du lịch của thành phố và không đồng ý với quan điểm rằng sự phát triển nghề cá có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch; việc không tiếp nhận Trung tâm nghề cá đã gây lo âu cho ngư dân.

Theo ĐB Trần Văn Lĩnh, ô nhiễm ở âu thuyền Thọ Quang là do hút cát gây lắng chất hữu cơ, trong khi đó chưa có cơ sở xử lý nước thải triệt để và cũng chưa có kết luận khoa học rằng nghề cá gây ô nhiễm môi trường tại đây. Do đó, cần xem xét và kết luận một cách cụ thể, có khoa học việc gây ô nhiễm. ĐB Trần Văn Lĩnh đề nghị thành phố cần tiếp nhận nguồn kinh phí xây dựng chợ cá hiện đại có xử lý nước thải để bảo đảm nơi neo đậu tàu thuyền. ĐB Võ Văn Thương cũng đồng ý ý kiến phát triển nghề cá để bảo vệ ngư trường.

ĐB Huỳnh Bá Cử cho rằng việc quản lý chung cư bộc lộ những mặt hạn chế trong quản lý, dẫn đến việc làm giả hồ sơ. Vì vậy, thành phố cần kiện toàn bộ máy Công ty Quản lý nhà chung cư, xây dựng cơ chế sử dụng chung cư, bàn giao chung cư…

Trong thời gian qua, thành phố đã làm tốt công tác xét duyệt bài bản nhưng việc bố trí, giám sát còn khiếm khuyết. Vì vậy, trong thời gian tới cần tổng rà soát, phân loại từng đối tượng thuê chung cư, trong đó cán bộ, công chức phải đi đầu trong việc trả lại nhà chung cư sau khi đã có nhà ở; bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng phần mềm quản lý thuê chung cư, thu tiền thuê nhà để tránh thất thoát nguồn thu…

Tại buổi thảo luận, đại diện Công ty Quản lý nhà chung cư đã nhận trách nhiệm về 17 căn hộ bị chiếm dụng do giả mạo giấy tờ và cho biết, hiện công ty đã tiến hành thu hồi 4 căn hộ, còn 13 căn hộ đang vận động người dân trả lại và đã tiến hành cắt điện, nước, không giữ xe các hộ chiếm giữ…   

ĐB Nguyễn Quốc Bình bày tỏ bức xúc trước việc 13.190 lô đất tái định cư đã có từ năm 2010 nhưng đến năm 2014 thì mới biết. Theo ĐB Bình, đất đai là của Nhà nước nhưng không phân công ai chịu trách nhiệm và đề nghị UBND thành phố trả lời cho nhân dân và công luận được rõ. ĐB Võ Văn Thương cũng cho rằng, phương pháp chỉ đạo, làm việc không sát sao, cụ thể, báo cáo chưa thể hiện trách nhiệm cá nhân, tính hệ thống chưa cao trong thời gian qua đã dẫn đến số liệu báo cáo và số đất thực tế có mâu thuẫn.     

ĐB Võ Thành Nhân đề nghị cần tìm nguyên nhân kết quả chủ quan của dự án chậm triển khai và từ việc tìm ra nguyên nhân mới có giải pháp cụ thể. Theo ĐB Nhân, thành phố cần tiếp tục theo dõi để tháo gỡ khó khăn và nếu thu hồi cũng khó tìm nhà đầu tư thay thế. Những nhà đầu tư không có năng lực thì cần cương quyết thu hồi.

Chuyển Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thành bệnh viện công lập

ĐB Nguyễn Đăng Hải hoan nghênh Ban Thường vụ Thành ủy có chủ trương về cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đồng thời bày tỏ ủng hộ chủ trương tạm thời không thu phí phí giao thông đường bộ đối với mô-tô, xe gắn máy. ĐB Huỳnh Phước đề nghị cần chọn cơ chế và mô hình quản lý Bệnh viện Ung thư phù hợp và đề xuất chuyển Bệnh viện Ung thư thành bệnh viện công lập dưới sự quản lý của Sở Y tế.

ĐB Huỳnh Phước cũng cho rằng, có sự bất cập trong việc thu phí giao thông đường bộ do không có biện pháp, chế tài xử phạt dẫn đến không công bằng cho người dân, do đó trong khi chờ Luật phí và Lệ phí ban hành thì thành phố tạm thời dừng thu phí giao thông đường bộ đối với mô-tô, xe gắn máy.

ĐB Trương Phước Ánh cho rằng, việc cân đối thu chi đối với Bệnh viện Ung thư trong thời gian qua là rất khó vì mục đích của bệnh viện là giúp đỡ người nghèo. Với hệ thống hạ tầng, máy móc hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐB Trương Phước Ánh đề nghị chuyển Khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng về Bệnh viện Ung thư và chuyển Bệnh viện Ung thư thành bệnh viện công lập để phân bổ nguồn lực hợp lý, bảo đảm sử dụng đúng mục đích…

Kết luận buổi thảo luận, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cho rằng, chủ trương thu phí giao thông đường bộ đối với mô-tô, xe gắn máy trong thời gian qua không hợp lòng dân, người dân không đồng thuận nên rất khó thu. Các đại biểu HĐND thành phố biểu quyết tạm dừng thu phí giao thông đường bộ đối với mô-tô, xe gắn máy kể từ 7-7-2015 và giao UBND thành phố báo cáo Chính phủ.

Về Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, HĐND thành phố ghi nhận công lao to lớn của người tiền nhiệm và Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh với mục tiêu nhân văn là chữa bệnh cho người nghèo Quảng Nam và Đà Nẵng. Với tình hình hiện nay, HĐND thành phố biểu quyết nhất trí chuyển Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thành bệnh viện công lập, trên cơ sở chuyển Khoa Ung bướu của Bệnh viện Đà Nẵng về Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. HĐND thành phố biểu quyết nhất trí rút giấy phép đầu tư dự án tại Khu Công nghệ thông tin tập trung.

Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.